MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội “khác thường” cho cá tra Việt Nam

11-09-2013 - 10:21 AM | Doanh nghiệp

Việc DOC 2 năm liên tiếp dùng Indonesia làm quốc gia thay thế để tăng mức thuế chống bán phá giá (CBPG) cá tra VN lên cao ngất ngưởng dường như muốn chặn đường còn cá tra VN vượt đại dương sang Mỹ.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đã phát đi thông báo phản đối mức thuế trong quyết định sơ bộ xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần 9 của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) với cá tra xuất khẩu từ VN sang Mỹ.

Mức thuế mang tính trừng phạt

VASEP cho biết, trong quyết định sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9), giai đoạn từ 1/8/2011 đến 31/7/2012 về thuế chống bán phá giá philê cá tra đông lạnh nhập khẩu từ VN, DOC đã tăng mức thuế này lên hơn gấp đôi so với kỳ POR8 một năm trước. Cty Vĩnh Hoàn, bị đơn bắt buộc chính, bị tăng từ 0,19 lên 0,42 USD/kg. Bị đơn bắt buộc thứ 2 là Cty Agifish cũng bị áp mức thuế lên tới 2,15 USD/kg. Các bị đơn tự nguyện khác chịu mức thuế 0,99 USD/kg.

Cũng theo VASEP, quyết định chọn Indonesia làm quốc gia thay thế để tính giá cá tra của VN đã dẫn đến mức thuế chống bán phá giá trong quyết định sơ bộ lần này tăng cao một cách vô lý. Trong các đợt xem xét hành chính trước đó, chính DOC đã liên tục phản đối chọn Indonesia làm nước thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào đối với cá tra VN, vì quốc gia này không có đầy đủ dữ liệu về giá và thiếu các thông số cơ bản về tài chính. Hơn nữa, Indonesia thực tế chỉ là nước nhập khẩu ròng philê cá tra đông lạnh từ VN, mà không xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới.

Điều đáng nói là quyết định chọn Indonesia làm quốc gia thay thế đã mâu thuẫn với chính quyết định của DOC trước đó vào ngày 8/11/2012 khi công bố danh sách 6 quốc gia sẽ được sử dụng làm nước thay thế để tính toán mức thuế chống bán phá giá cho POR9, trong đó Indonesia không nằm trong danh sách 6 nước này. Chính DOC đã thừa nhận Indonesia không có sự “tương đồng về điều kiện kinh tế” với VN đối với hơn một nửa số tiêu chí của POR.

“Quyết định sơ bộ mang tính trừng phạt này của DOC khiến các DN VN nghi ngờ về tính công bằng trong quá trình xem xét của DOC. Nó cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ song phương Việt - Mỹ" - Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) Trương Đình Hòe khẳng định.

Cơ hội khẳng định vị trí độc tôn

Luật sư Ngô Quang Thụy, người nhiều năm kinh nghiệm với các vụ kiện chống bán phá giá, cho biết theo phán quyết sơ bộ, mức thuế chống bán phá giá cá tra trong đợt rà soát POR9 cao gấp đôi đợt rà soát lần thứ tám (POR8) được công bố vào tháng 3-2013. Việc DOC tiếp tục đánh thuế sẽ khiến ngành cá tra chồng chất khó khăn, cá tra xuất khẩu sang Mỹ sẽ tiếp tục giảm, DN bị thu hẹp lợi nhuận.

Hiện nhiều DN đã tạm ngưng xuất khẩu cá tra, không ký hợp đồng mới nữa vì thiếu nguyên liệu. Lượng cá tra chỉ còn trong ao DN, ở chỗ nông dân gần như đã hết. Đó là thông tin ông Dương Ngọc Minh - TGĐ Cty Hùng Vương cho biết. Cũng theo ông Minh, Cty Hùng Vương vừa mới tăng giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ thêm 20 cent/kg. Đây là cách DN có thể thực hiện để bù lại tiền thuế phải đóng thêm. Và, DN còn một cách làm nữa, theo ông Nguyễn Văn Kịch (Cafatex) là chuyển hướng thị trường. Hiện chỉ còn 9 DN xuất khẩu cá tra sang Mỹ.

Nhìn vấn đề ở một góc khác, luật sư Thụy nhận định có thể coi việc bị áp thuế

Thuế chống bán phá giá mới là cơ hội để các DN và nhà nhập khẩu cùng nhau nâng giá bán lên.

chống bán phá giá mới là cơ hội để các DN và nhà nhập khẩu cùng nhau nâng giá bán lên, khẳng định lại giá trị của cá tra VN.

Trước đây, nhiều DN ồ ạt xuất khẩu cá tra sang Mỹ, mạnh ai nấy bán để nhanh chóng thu hồi vốn, điều này gián tiếp làm người tiêu dùng Mỹ coi cá tra là sản phẩm kém chất lượng vì giá bán quá rẻ. Việc tăng giá bán xuất khẩu còn giúp giảm biên độ bán phá giá xuống đáng kể.

Theo tính toán thì giá cá tra VN xuất khẩu có thể tăng thêm 30-40%, tương đương 1,85-2,25 USD/pound. Giá này vẫn thấp hơn nhiều so với giá philê cá da trơn của Mỹ hiện có giá 5,99 USD/pound.

Mới đây, khi trực tiếp chỉ đạo xử lý vấn đề đang tồn tại của cá tra ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Chỉ với 60 - 70 ha mặt nước tại khu vực ĐBSCL, nhưng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đã đạt 1,6 tỉ USD. Đồng thời, cá tra là lợi thế so sánh duy nhất của VN không quốc gia nào cạnh tranh được, vậy thì có xứng đáng dành một Nghị định, chính sách riêng cho sản phẩm này hay không?”

Vì vậy Thủ tướng cũng lưu ý, những mặt hàng của VN khi đã trở thành lợi thế so sánh để phát triển, chúng ta phải có ngay chính sách cụ thể cho nó... để đưa sản phẩm đó vượt lên thành đặc thù hàng hóa của VN mà không có quốc gia nào có được, tránh tái diễn tình trạng như đối với cá tra.

Theo Hoàng Hà

thunm

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên