MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội nào cho các start-up Việt?

30-09-2015 - 09:28 AM | Doanh nghiệp

Cơ hội cho các nhà khởi nghiệp (start – up) tại Việt Nam rất nhiều, nhưng đâu là chìa khóa để nắm bắt các cơ hội đó?

Quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups của Mỹ gửi hai thành viên mới tới Việt Nam nhằm thúc đẩy thị trường này và có dự định mở quỹ riêng tại đây trong thời gian tới, đang mở ra nhiều cơ hội cho các nhà khởi nghiệp tại Việt Nam.

500 Startups là quỹ đầu tư hàng đầu của Mỹ, đã góp phần tạo nên thành công cho hàng trăm công ty trên khắp thế giới. Hiện tại, ở Việt Nam có 4 công ty khởi nghiệp đang được quỹ này “chống lưng” bao gồm Tappy, Pose, Babyme và Ticketbox. Tuy nhiên, theo tuyên bố mới nhất của 500 Startups, con số này sẽ trở thành 20 dự án trong 12 tháng tiếp theo.

Những năm gần đây, Việt Nam nổi lên là môi trường hấp dẫn với các nhà đầu tư. Đồng thời, tại Việt Nam số lượng người sử dụng điện thoại thông minh gia tăng mạnh, thậm chí CEO Tim Cook của Apple cũng tuyên bố rằng Việt Nam là thị trường phát triển nhanh nhất của Apple.

Đồng quan điểm, ông Trần Trọng Tuyến - CEO DKT - một trong những công ty được Cyber Agent đầu tư 2013 cũng cho biết “Việt Nam hội tụ đủ nhân tố để thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài. Một là hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của Việt Nam sắp kết thúc. Hai là nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển từ tích cực sang tiêu cực sau động thái phá giá đồng Nhân dân tệ bất ngờ và kinh tế giảm tốc, theo đó, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành lựa chọn thay thế sáng giá tại châu Á”.

Các nhà khởi nghiệp trẻ trong nước đang đứng trước cơ hội lớn, tiếp cận các nguồn vốn khổng lồ để xây dựng doanh nghiệp. Tuy nhiên để thực sự thành công và để được các quỹ đầu tư nước ngoài để ý đến đòi hỏi những nhà khởi nghiệp phải có tầm nhìn bao quát hơn và chú ý đến trọng tâm bởi các nhà đầu tư đều nhắm đến những giá trị lớn, dài hạn của hệ sinh thái khởi nghiệp chứ không phải phát triển theo kiểu “thắng nhỏ, thắng nhanh”

Đâu là chìa khóa hấp dẫn các quỹ đầu tư?

Các quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm đến Việt Nam đang tạo ra cơ hội cho 20.000 bạn trẻ hoạt động trong cộng đồng khởi nghiệp (điều tra của VSV – dự án với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam). Trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp trẻ đã kêu gọi được vốn đầu tư 5 -10 triệu USD, nhưng nếu so với các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia (kêu gọi được số vốn 300-500 triệu USD) thì con số này còn quá nhỏ bé.

Tại một buổi gặp gỡ giữa thủ tướng chính Phủ với hơn 70 nhà khoa học trẻ diễn ra vào giữa tháng 9, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, chính thủ tục pháp lý quá rắc rối khiến các nhà đầu tư e ngại Việt Nam. Các cấp chính quyền đòi hỏi những giấy tờ mà những quỹ đầu tư nước ngoài không hiểu đó là gì, điều này dẫn đến tính trạng “các quỹ đầu tư mạo hiểm không vào Việt Nam dù họ hoạt động rất mạnh ở các nước trong khu vực”.

Ông Trương Gia Bình cũng cho rằng tình trạng các start-up Việt Nam không đi đến cùng trong các dự án khiến các quỹ đầu tư không dám tiếp cận. Bởi khi bắt đầu thành công, họ thường hài lòng quá sớm, bắt đầu tự mãn và không sống với đúng niềm đam mê ban đầu. “Các nhà đầu tư không muốn các bạn hài lòng quá sớm, vì cuối cùng, vấn đề là các bạn có thể thay đổi được thế giới hay không. Thế giới ấy không phải ở Việt Nam mà là toàn cầu” – ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Các quỹ đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam thường kỳ vọng start-up phát triển đến một mức độ nhất định rồi mới đổ tiền vào. Nếu như tại một số quốc gia như Mỹ, start-up phải chứng minh bằng ý tưởng thì tại Việt Nam, họ phải chứng minh bằng con số. Bên cạnh đó, hầu hết các nhà khởi nghiệp trẻ tại Việt Nam đều có chung một suy nghĩ xây dựng ý tưởng sau đó đem bán. Điều này là hợp lý nhưng thực tế để phát triển dự án cần quá trình lâu dài, nếu ngay từ đầu startup đã “bám chặt” vào tư tưởng ‘làm để bán’ thì càng khó khăn hơn, rất khó thu hút đầu tư.

Ông Trần Quốc Bình, đại diện của 500 startups cũng cho biết các quỹ đầu tư tập trung vào những dự án từ giai đoạn khơi mào ý tưởng đến huy động vốn, miễn là các nhà sáng lập thông minh, năng động và khiêm nhường. Họ muốn tập trung vào một thứ lớn, có giá trị dài hạn trong một hệ sinh thái thay vì nhỏ và giành chiến thắng quá nhanh chóng.

Để các nhà khởi nghiệp trẻ tại Việt Nam hấp dẫn được các quỹ đầu tư nước ngoài, bên cạnh ý tưởng thì hoài bão, sự sáng tạo, đam mê và cái nhìn toàn cầu chính là những yếu tố mang đến sự thành công. “Nếu bạn chỉ nghĩ đến tiền, thì đừng có làm start-up. Không phải vì tiền không quan trọng mà nếu bạn chỉ nghĩ đến tiền, sẽ có những khó khăn bạn không thể vượt qua được, bởi có những lúc bạn sẽ chẳng có gì trên người” – ông Trần Quốc Bình nhấn mạnh.

Theo Ngọc Mai

VTV

Trở lên trên