Cơ hội từ tái cấu trúc nền kinh tế
"Tình thế không còn đơn giản là rút ngắn khoảng cách với những quốc gia đi trước nữa mà còn là đối mặt với sự cạnh tranh đang lên của những quốc gia đi sau."
Theo ông Lộc, những kết quả kinh tế vĩ mô năm 2012 đã có nhiều cải thiện rất lớn. Lạm phát giảm mạnh còn 6,8%. Lãi suất giảm dần… Kinh tế vĩ mô đang được kiểm soát. Những động thái hỗ trợ DN từ Chính phủ tiếp tục được đưa ra. Đặc biệt, quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế, đưa nền kinh tế vận động theo đúng quy luật của thị trường đang thể hiện mạnh mẽ hơn… Có nghĩa là môi trường đầu tư – kinh doanh đang thay đổi theo hướng hậu thuẫn cho sự cạnh tranh trên cơ sở năng suất, hiệu quả và chất lượng quản trị.
- Nhưng không phải DN nào cũng có thể bình tâm để quay trở lại khi giá phải trả quá lớn, thưa ông ?
Trong bất cứ một sự thay đổi, chuyển dịch nào, việc phải trả giá cho những quyết định không chuẩn xác trước đó là tất yếu.
Tỉ lệ DN đóng cửa, ngừng hoạt động trong hai năm qua lên tới con số 100.000, tương đương với tổng số DN ngừng hoạt động trong suốt 20 năm trước đó, rồi tỉ lệ các DN thua lỗ tăng mạnh, sự đóng băng của thị trường bất động sản, lượng hàng tồn kho tăng, nợ xấu lớn… chứng tỏ những cái giá quá lớn mà không chỉ DN mà cả nền kinh tế phải gánh chịu. Hơn thế, trong số các DN đang hoạt động, số DN yếu ớt, cạn kiệt dần nguồn lực chiếm số đông.
Nhưng, cái giá mà giới doanh nhân phải trả có lẽ còn lớn hơn, đó là sự rạn nứt của hình ảnh doanh nhân trong đời sống xã hội mà trong suốt nhiều năm qua chúng ta đã dày công gây dựng.
- Điều này có thể sẽ là động lực để các doanh nhân quay lại với nền tảng về quản trị, về văn hoá kinh doanh, về trách nhiệm xã hội... như ông đã từng chia sẻ ?
Tôi muốn kể lại tâm sự thật mà chúng tôi đã từng được chia sẻ từ các doanh nhân. Rằng, không phải bây giờ, trong lúc khó khăn chia đều cho tất cả, doanh nhân mới cảm thấy bất an. Trong lúc thị trường đang lên, lợi nhuận đến với nhiều doanh nhân quá dễ dàng, không ít người trong số họ không thực an lòng khi nói về thành quả của mình. Lý do bởi sự không công bằng trong kinh doanh, khi chỉ cần khoanh đất là ra tiền, chỉ cần quan hệ là có dự án…
“Cuộc chơi” giữa các doanh nhân dường như luôn chứa đựng sự dò xét khi khó có thể đánh giá thực chất năng lực của từng DN.
Rõ ràng, đó là một môi trường không đồng thuận trong chiều sâu tâm thức của những doanh nhân VN. Ngay chính các doanh nhân cũng thừa nhận, môi trường đó không thể tạo ra được một cộng đồng DN có năng lực cạnh tranh thực sự, có văn hoá kinh doanh, có trách nhiệm xã hội...
Sự thay đổi nhân sinh quan trong văn hoá kinh doanh sẽ lấy lại niềm tin cho giới doanh nhân, thúc đẩy họ trở lại nền tảng, giá trị căn bản, cốt lõi trong kinh doanh. Chắc chắn sự thay đổi này sẽ tạo nên một lớp doanh nhân mới, giàu hơn về tiền bạc, cao hơn về nhân cách. Chính những con người này sẽ tạo nên sức vươn vững vàng của DN VN mà nền kinh tế luôn kỳ vọng và đặt trách nhiệm lên vai họ.
- Điều đó cũng đồng nghĩa với tình huống là nếu chuyển dịch chậm, DN VN sẽ lại bỏ lỡ cơ hội để đi nhanh hơn, rút ngắn khoảng cách với những đồng nghiệp trong ASEAN, thưa ông ?
Tình thế không còn đơn giản là rút ngắn khoảng cách với những quốc gia đi trước nữa mà còn là đối mặt với sự cạnh tranh đang lên của những quốc gia đi sau.
Vừa trở về từ Myanmar, Hàn Quốc và Đài Loan, tôi cảm thấy lo vì sự thay đổi quá nhanh của họ. Tôi thực sự ấn tượng về tính minh bạch trong môi trường kinh doanh và sự chuyên nghiệp trong hoạt động DN của họ. Chưa bàn tới những thành tựu kinh tế khác, chỉ nhìn vào tốc độ tăng thu nhập quốc dân từ 1.000 USD/đầu người lên 4.000 USD/đầu nguời của Hàn Quốc và Đài Loan trong vòng 10 năm trước đây. Cùng thời gian, VN chỉ đạt được mức tăng gấp đôi.
Trong khoảng 25 năm, các nền kinh tế này đã tạo nên thay đổi cục diện, chuyển từ nền kinh tế kém phát triển sang nền công nghiệp phát triển. Cùng thời gian, VN mới trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình.
Với Myanmar, có thể nói hiện giờ họ đang là hình ảnh của VN khoảng 20 năm trước, khi VN bắt đầu mở cửa nền kinh tế với thế giới, với đầy đủ sự hấp dẫn của một nền kinh tế mới nổi. Nhưng vừa rồi, khi cùng với các DN nghe các quan chức của Cục Đầu tư nước ngoài Myanmar trình bày về Luật Đầu tư mới với tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu và những chính sách rất mạch lạc, chúng tôi đã nhìn thấy một đối thủ cạnh tranh đáng gờm của VN trong thu hút đầu tư (mặc dù họ còn hạn chế về hạ tầng cơ sở cũng như nguồn nhân lực).
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, cơ hội để đi nhanh của DN VN vô cùng lớn. VN đang nằm trong vùng năng động và phát triển nhanh nhất của thế giới. Vị thế địa chính trị, địa kinh tế cũng mang lại cho chúng ta những lợi thế. Kinh tế thế giới cũng đang phải tái cấu trúc, sắp xếp lại sau thời gian khủng hoảng lan rộng. Khi tất cả cùng thay đổi, xốc lại mọi thứ, nền kinh tế VN, DN VN sẽ có thêm cơ hội khớp vào những chuỗi giá trị mới của thế giới.
Tình thế không còn đơn giản là rút ngắn khoảng cách với những quốc gia đi trước nữa mà còn là đối mặt với sự cạnh tranh đang lên của những quốc gia đi sau. |
Chúng ta đừng kỳ vọng giải quyết khó khăn hiện tại chi trong một, hai năm, nhưng tin rằng, các bước đi bài bản, đột phá, kèm theo hệ thống cảnh báo và phòng ngừa rủi ro ngày càng được coi trọng trong từng DN sẽ tạo nên sức bật mới của DN VN.
Doanh nhân bao giờ cũng là đội ngũ năng động, sáng tạo nhất của nền kinh tế. Họ nhìn nhận rất rõ cơ hội và thách thức của nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi từ tăng trưởng dựa trên thâm dụng tài nguyên, quan hệ sang giai đoạn tăng trưởng bằng tài năng quản trị, bằng năng suất, chất lượng. Họ cũng chính là đối tượng nhanh nhạy với các cơ hội kinh doanh mới.
Tất nhiên, để thực sự tạo được bước chuyển về chất cho đội ngũ doanh nhân VN, ngoài sự nỗ lực hướng tới chuyên nghiệp của mỗi doanh nhân, thì họ cần sự minh bạch trong môi truờng kinh doanh, sự định hướng của cơ chế chính sách…
Có nghĩa là cộng đồng doanh nhân rất cần sự hỗ trợ và chia sẻ của Chính phủ, của chính quyền các địa phương. Khi đường lối rõ ràng, doanh nhân là người tận dụng nhanh nhất các cơ hội để thay đổi.
- Xin cảm ơn ông !
Theo Khánh An
DDDN