MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Bán hết cổ phần tại các doanh nghiệp không cần thiết

27-03-2015 - 16:35 PM | Doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tại hội nghị giao ban về tái cơ cấu DNNN 3 tháng đầu năm, chiều 26.3, tại Hà Nội

“Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) yếu kém trong quản trị DN mà giữ cổ phần chi phối thì bán không ai mua. Tới đây, cần tiếp tục rà soát để bán tiếp vốn chủ sở hữu nhà nước, DN nào Nhà nước không cần thiết nắm giữ thì sẽ bán hết, đồng thời với cổ phần hoá DNNN là niêm yết cổ phiếu trên TTCK để tăng tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tại hội nghị giao ban về tái cơ cấu DNNN 3 tháng đầu năm, chiều 26.3, tại Hà Nội

Sau CPH, lương thưởng tăng

Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho thấy: Năm 2015 theo kế hoạch được duyệt, cả nước cần hoàn thành cổ phần hóa (CPH) 289 DN. Tuy nhiên đến ngày 24.3.2015, mới chỉ có 29 DN (trong đó có 3 TCty Nhà nước và 26 DN) hoàn thành CPH. Hầu hết các DN mới thành lập ban chỉ đạo, có 207 DN đang tiến hành xác định giá trị DN. Ngoài ra, đã bán 1 DN và giải thể 1 DN khác. Với kết quả thoái vốn nhà nước, tính đến 24.3, cả nước thoái được 4.937 tỉ đồng, thu về 6.987 tỉ đồng, bằng 1,42 lần giá trị sổ sách. Trong đó, bất động sản là lĩnh vực thu về từ thoái vốn cao nhất - thoái 2.690 tỉ đồng, thu về 3.177 tỉ đồng - chiếm 45% tổng giá trị thu về. Điều đáng nói là hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều khẳng định hiệu quả thu được từ CPH và thoái vốn DNNN là rất đáng ghi nhận so với trước khi CPH.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị giao ban thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chiều 26.3. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị giao ban thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chiều 26.3. 

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: Năm 2014, Bộ GTVT CPH được 48 DN, trong quý I/2015 sẽ tiếp tục đẩy nhanh CPH và thoái vốn, cụ thể là 2 TCty CN tàu thuỷ (SBIC) và Vinalines. Ông Thăng cho biết, lúc đầu, CPH Bệnh viện GTVT, nhiều người lo ngại, giám đốc chỉ sợ mất chức. Sau CPH, lương bình quân tại Bệnh viện GTVT tăng gấp đôi, lên 20 triệu đồng/tháng. Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son đồng tình, nêu việc tái cơ cấu VNPT, tách MobiFone khỏi VNPT để hình thành TCty MobiFone, khiến cả hai đều hoạt động hiệu quả. Hiện tỉ suất lợi nhuận của MobiFone đạt trên 51%, cao nhất các TCty ở Việt Nam. Bộ trưởng Đinh La Thăng kiến nghị Bộ Tài chính, để tạo điều kiện CPH nhanh chóng, tới đây, cần có quy định về bán đấu giá cổ phần theo lô để thu hút nhà đầu tư chiến lược, thay vì bán cho các đối tác nhỏ lẻ.

CPH để toàn dân làm kinh tế

Chỉ đạo việc tiếp tục phải CPH mạnh mẽ hơn nữa các DNNN, kể cả bán tiếp phần vốn chủ sở hữu nhà nước tại DN, những ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối sẽ bán hết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, thực tế đã chứng minh, CPH để đa dạng hoá sở hữu là biện pháp hữu hiệu để đổi mới quản trị DN, nâng cao hiệu quả DNNN. Mặc dù đánh giá cao những kết quả đã đạt được thời gian qua, song Thủ tướng cho rằng, kết quả vẫn còn thấp so với tỉ lệ vốn nhà nước hiện nắm giữ. “Với những DN béo bở như MobiFone hay Bia Sài Gòn thì bán ít người ta vẫn mua, nhưng một số DN thuộc Bộ Xây dựng, CPH nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối thì không có người mua là đúng. Tới đây cần mạnh dạn bán thêm, không nên giữ” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính trong năm nay, cần tiếp tục rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, giảm bớt những lĩnh vực nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối để bán ra, để tập hợp được sức mạnh của các thành phần kinh tế, mà theo Thủ tướng là “toàn dân làm kinh tế” mới hiệu quả. Đối với các lĩnh vực thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Thủ tướng khẳng định, qua thực tiễn cho thấy, DNNN nên tập trung vào những ngành nghề chính, không đầu tư dàn trải và đây là việc làm đúng, phù hợp chứ không phải chủ trương sai, giờ phải sửa.

Theo Hồng Quân

PV

Báo Lao động

Trở lên trên