MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Còn hàng ngàn điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền

07-04-2015 - 08:38 AM | Doanh nghiệp

Theo viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, nhiều hiện tượng, hành vi trái thẩm quyền, trái pháp luật hiện tồn tại rất rõ ràng, nhưng hàng loạt câu hỏi liên quan vẫn bị bỏ ngỏ.

Ngày 6-4, tại Hội thảo về “Điều kiện kinh doanh, kinh nghiệm quốc tế và thách thức với VN”, ông Nguyễn Đình Cung đã công bố hàng chục văn bản của các Bộ, ngành, địa phương ban hành điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền, nhưng vẫn đang tồn tại.

Ông Cung khẳng định có đến hàng ngàn điều kiện kinh doanh hiện hành không còn phù hợp với quy định nói trên nhưng vẫn tồn tại, như nhiều quy định để được xuất khẩu gạo.

Đồng thời nêu ví dụ cụ thể về điều kiện doanh nghiệp kinh doanh vận thải hành khách bằng đường bộ phải đạt, như: doanh nghiệp ở Hà Nội, TP.HCM phải có tối thiểu 20 xe; ngoài Hà Nội, TP. HCM: 10 xe; miền núi, vùng khó khăn: 5 xe!

“Như vậy có nghĩa doanh nghiệp ở Hà Nội chỉ có 19 xe vẫn chưa đạt yêu cầu” - ông Cung nói.

Bên cạnh đó, ông Cung cũng nêu hàng loạt điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ trước đây, nay khôi phục lại, như giấy phép cho hoạt động in ấn.

Đặc biệt, ông Cung cho biết Luật Doanh nghiệp 2005 đã nêu điều kiện đầu tư kinh doanh (...) phải được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, đến nay, số lượng điều kiện kinh doanh quy định bởi các thông tư, theo ông Cung, ngày càng nhiều thêm.

Cho rằng hiện tượng, hành vi trái thẩm quyền, trái pháp luật kể trên là rất rõ ràng; nhưng ông Cung nêu hàng loạt câu hỏi vẫn được bỏ ngỏ như:

Ai chịu trách nhiệm về thực trạng nói trên?

Những cá nhân, cơ quan ban hành quy định trái thẩm quyền đã và sẽ bị xử lý như thế nào?

Các văn bản trái thẩm quyền đó tại sao vẫn có hiệu lực thi hành, và không bãi bỏ được?

Tại sao người dân, doanh nghiệp vẫn cứ âm thầm tuân thủ các quy định đó mà không có phàn nàn, khiếu nại? Hay đã có mà không được giải quyết?

Cho rằng điều kiện kinh doanh, hay thực chất là rào cản gia nhập thị trường khiến chi phí, thời gian tăng; tạo bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; không khuyến khích sự sáng tạo, loại bỏ những cách làm khác, cách làm mới (bởi vì, sáng tạo, khác và mới bị coi là không phù hợp với pháp luật, thậm chí là vi phạm pháp luật), ông Cung đặt dấu hỏi: việc xử lý những điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền sẽ là phép thử của đổi mới, hoàn thiện và nâng cao hiệu lực của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa?

Theo CẦM VĂN KÌNH

PV

Tuổi trẻ

Trở lên trên