MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Công thức” chuyển giá: Hai lỗ cộng một lãi

05-03-2014 - 08:46 AM | Doanh nghiệp

Để tránh cơ quan thuế soi, công thức chuyển giá hợp lý của DN là “hai lỗ một lãi”. Hai lỗ ở đây là cứ hai năm lỗ liên tiếp thì 1 năm phải có lãi và số lãi không được quá 100 triệu đồng.

Sau khá nhiều cuộc điện thoại, Giám đốc Công ty TNHH K, anh N.V. Đường cũng chấp nhận hẹn gặp. Tuy nội dung được báo trước là nhạy cảm, liên quan đến chuyển giá của DN FDI mà Công ty K là nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào, cuộc trò chuyện trên thực tế khá thoải mái. Anh bảo, tôi nắm khá rõ các chiêu thức chuyển giá của các DN này. Tuy nhiên, để giữ cửa làm ăn, anh đề nghị không nêu tên thật của DN.

Theo anh Đường, các kiểu chuyển giá của DN FDI thường làm tại Việt Nam đều cơ bản giống nhau về nguyên lý: “phù phép” cho giá thành sản xuất cao, hoặc giá bán thấp để giả lỗ, trốn thuế. Cụ thể hơn, các DN này thường liên kết hoặc thành lập những công ty con cung cấp nguyên liệu đầu vào, qua đó đẩy giá sản phẩm hay giá đầu vào qua các công ty chân rết này.

Cùng với công ty mẹ, các công ty con sẽ tạo ra những “vòng tròn ma thuật”, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra đều theo những vòng tròn ấy được biến hóa về số liệu kế toán. Bởi thế mà có những DN lỗ triền miên nhưng họ vẫn hoạt động bình thường, biết lỗ mà vẫn làm, lỗ mà vẫn không ngừng mở rộng nhà máy, tăng cường sản xuất...

Điển hình là câu chuyện tưởng như đùa của Tập đoàn Dệt may Hualon Coporation. DN này mua một dây chuyền thiết bị dệt cũ kỹ, lạc hậu với giá chỉ khoảng 400.000 USD rồi nâng khống lên 16 triệu USD, tức gấp 40 lần. Theo anh Đường, đây là tình trạng khá phổ biến trong rất nhiều DN FDI. Cho nên, nhiều dây chuyền lắp đặt và khánh thành rất rầm rộ nhưng lại không thể đi vào sản xuất.

Chỉ bởi, công nghệ đã quá cũ và lạc hậu, càng sản xuất càng lỗ. Nhưng quan trọng hơn, những dây chuyền này vẫn được nhập về và lắp đặt rồi… chờ thanh lý. Để rồi nó đã được khấu trừ 100% vào chi phí sản xuất với những con số ngất ngưởng. Qua đó, những giá trị ảo về hiệu quả sử dụng thiết bị đã được biến hóa thành giá trị thật trong chi phí đầu tư, góp vốn…

Hay chuyện “buôn ngược” của 17 DN chè ở Lâm Đồng từng bị thanh tra thuế khui ra cũng là một minh chứng sống cho việc chuyển giá. Làm phép tính đơn giản, cứ 7 kg chè tươi mới được 1 kg chè khô, với giá thị trường khoảng 40.000 đồng/kg chè tươi thì 1 kg chè khô phải có giá tối thiểu là 280.000 đồng/kg.

Thế nhưng, các DN này lại đàng hoàng bán cho công ty liên kết chỉ với giá 140.000 đồng/kg. Khi làm thế, DN cầm chắc càng sản xuất càng lỗ, thế mà họ vẫn rất nhiệt tình sản xuất, nhiệt tình bán.

Trường hợp khác là Công ty TNHH LesGans Việt Nam, một DN Nhật Bản sản xuất găng tay chơi golf và chơi bóng chày cũng bị Cục Thuế Đà Nẵng phát hiện chuyển giá khi bán găng tay cho công ty mẹ thấp hơn từ 36% đến 44% so với giá bán cho các công ty khác. Vì vậy, từ con số lỗ gần 21 tỷ đồng, sau khi bị phát giác thì công ty này đã phải sửa lại cho đúng là lãi hơn 24 tỷ đồng...

Nói thêm về các trường hợp chuyển giá hiện nay, anh Đường cười, khấu trừ thiết bị đầu vào, dây chuyền sản xuất là một trong những chiêu được các DN áp dụng triệt để nhất. Chả thế mà bao nhiêu tiền thu về đều được các DN chi vào thưởng, tặng điện thoại, laptop hay máy tính bảng hàng chục triệu đồng...

Anh Đường bật mí, để tránh các cơ quan thuế soi, công thức chuyển giá hợp lý của DN là “hai lỗ một lãi”. Hai lỗ ở đây là cứ hai năm lỗ liên tiếp thì 1 năm phải có lãi và số lãi không được quá 100 triệu đồng.

Theo một chuyên gia ngành thuế, các DN có chuyển giá lớn đều là các DN đa quốc gia. Họ là những nhà kinh doanh lọc lõi, DN của họ có đội kế toán giỏi, giấy tờ sổ sách đầy đủ và kín kẽ. Bên cạnh họ luôn có một bộ máy tư vấn là các luật sư, chuyên gia tài chính trình độ quốc tế… Vì thế, phát hiện sai phạm đã khó nhưng buộc họ chấp thuận kết luận của cơ quan thuế càng khó hơn.

Đơn cử để bắt Tập đoàn Dệt may Hualon Coporation nhận “thua”, Tổng cục Thuế phải huy động mấy nghìn DN dệt may trong nước gửi dữ liệu giá về, căn cứ trên các định mức về kỹ thuật, các tiêu chuẩn công nghệ để xác định sự bất hợp lý, rồi lại mất khá nhiều thời gian để các cán bộ thanh tra tổng hợp, phân tích cho ra dữ liệu giá so sánh độc lập… Từ rất nhiều việc làm, công sức như vậy, cơ quan thuế mới tìm ra được điểm bất hợp lý, phi thị trường trong hoạt động của Hualon.

Cũng theo chuyên gia này, chuyện lòng vòng dàn xếp giá giữa công ty mẹ và công ty con gần như rất phổ biến trong nhiều DN FDI. Đây là mánh khóe gây lỗ ảo dễ dàng và phổ biến nhất. Trong khi đó, việc xâm nhập mối quan hệ giữa tập đoàn mẹ ở nước ngoài và công ty con ở Việt Nam lại vô cùng khó khăn và không phải lúc nào cơ quan thuế cũng kiếm được chứng cứ vững vàng.

Theo Tổng cục Thuế, hiện nay cơ quan này đã quản lý được 3.188 DN có giao dịch liên kết thực hiện kê khai thông tin giao dịch liên kết. Đây là một trong những bước đầu nhằm kiểm soát được các hoạt động chuyển giá của DN.

Song song đó, hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá đã từng bước xây dựng được cơ sở dữ liệu để làm cơ sở cho công tác thanh tra giá chuyển nhượng đối với các ngành nghề có rủi ro cao về thuế thu nhập DN như: sản xuất sợi, dệt vải, may mặc, giày dép, đồ uống...

Theo Hà Đăng


thanhhuong

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên