MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đã đến lúc doanh nghiệp thủy sản cần liên kết lại”

09-07-2013 - 10:14 AM | Doanh nghiệp

Vấn đề ưu tiên của DN thủy sản là phải xây dựng vùng nguyên liệu bền vững nhằm chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất XK.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, bên cạnh nỗ lực vượt khó của DN thì các cơ quan quản lý cần hỗ trợ tối đa cho DN  thủy sản nhằm đạt mục tiêu kim ngạch XK 6,5 tỉ USD năm 2013.

Xin ông cho biết DN XK thủy sản đang có được những thuận lợi, khó khăn gì và liệu ngành thủy sản có hoàn thành mục tiêu kim ngạch XK 6,5 tỉ USD năm 2013?

Thuận lợi là hiện nay là lãi suất giảm, vốn tín dụng cũng đã mở hơn. Về thị trường thì Quốc hội Mỹ đã thông qua không áp dụng chương trình thanh tra giám sát cá da trơn, Nhật Bản bỏ quy định kiểm tra 100% chất Trifluralin.

Thách thức lớn nhất là kết quả kỳ xem xét hành chính lần thứ 8 của vụ kiện chống bán phá giá mặt hàng cá tra philê (POR8) với mức thuế tăng gấp nhiều lần và kết quả sơ bộ thuế chống trợ cấp tôm của Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Tiếp nữa thị trường chưa hồi phục và tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Tất cả các yếu tố này sẽ tác động đến tình hình XK vì vậy rất khó khẳng định mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 6,5 tỷ USD có đạt hay không do còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó quan trọng nhất là kinh tế thế giới có hồi phục kịp hay không và kết quả thuế chống trợ cấp tôm cuối cùng dự kiến được DOC công bố vào ngày 13-8.

Trong bối cảnh hiện nay, DN XK thủy sản cần làm gì để vượt khó?

Vấn đề ưu tiên của DN thủy sản là phải xây dựng vùng nguyên liệu bền vững nhằm chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất XK. Những năm gần đây, VASEP luôn quan tâm vấn đề nối kết với người nuôi nên xu hướng hiện nay các DN đang đầu tư cho hoạt động nuôi trồng rộng hơn. Các DN chế biến cá tra đã tham gia đầu tư nuôi khoảng 60%-70% nguyên liệu, còn các DN ngành tôm cũng đang mở rộng vùng nuôi với quy trình khép kín. Mặt khác, đã đến lúc DN thủy sản cần liên kết lại thay vì chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt làm ảnh hưởng đến lợi ích toàn ngành. Bản thân mỗi DN phải biết nhìn dài hạn để có bước tiến vững chắc, cùng tạo ra một ngành công nghiệp mạnh.

Theo ông có nên đưa ra giá sàn XK cho 2 mặt hàng tôm và cá tra philê nhằm giảm nguy cơ bị kiện chống phá giá, chống trợ cấp?

Việc các nước sử dụng pháp luật của họ làm rào cản để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước là vấn đề tất yếu của thị trường. Về bản chất, kiện chống phá giá, chống trợ cấp là hình thức bảo vệ sản xuất trong nước trước nguy cơ cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu giá rẻ. Vậy nên khi DN thâm nhập vào thị trường, đạt sản lượng cao thì lập tức sẽ là đối tượng xem xét của nước nhập khẩu. Khi tham gia thương trường, chúng ta phải đối đầu với các vấn đề đó nhưng quan trọng là chúng ta chủ động đến mức nào mà thôi. Nhiều người cho rằng phải quản lý bằng giá sàn, nhưng theo tôi việc thực hiện giá sàn là không ổn về tính lâu dài. Vì vậy nên vấn đề giá cả nằm trong quyết định của từng DN, và DN có thấy lợi ích lâu dài trong đó hay không.

VASEP có kiến nghị gì với các cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ DN thủy sản vượt khó?

Vừa qua nhân kỉ niệm 15 năm thành lập, VASEP và Tổng cục Hải quan đã kí thỏa thuận hợp tác mới thay cho thỏa thuận cũ năm 2003 được thực hiện rất thành công. Tổng cục Hải quan đã và đang định kỳ hàng tháng cung cấp số liệu thống kê XNK thủy sản, qua đó đã góp phần để ngành thủy sản có được bằng chứng vững chắc khẳng định việc không bán phá giá vào thị trường Mỹ. Nhiều DN thủy sản đã áp dụng thủ tục hải quan điện tử, đồng thời đã có 2 DN thủy sản đạt tiêu chí DN ưu tiên. Đây là những hỗ trợ rất thiết thực và chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý khác cũng hỗ trợ tối đa cho DN XK thủy sản nhằm đạt mục tiêu kim ngạch XK 6,5 tỉ USD năm 2013, tiến đến 10 tỉ USD năm 2020.

Xin cảm ơn ông!

Theo Duy Quang

thunm

Báo Hải quan

Trở lên trên