MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến lượt Hiệp hội Mía đường đưa giải pháp cải tổ ngành

04-03-2015 - 09:50 AM | Doanh nghiệp

Đây không phải lần đầu tiên Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đưa ra những nhận định thẳng thắn về ngành mía đường. Và cũng không phải lần đầu tiên Hiệp hội “phản pháo” lại ý kiến của Thứ trưởng.

Như chúng tôi đã đưa tin, chiều muộn ngày 3/3/2015, Hiệp hội Mía đường (VSSA) đã có công văn phản hồi ý kiến Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú về việc đổi mới ngành mía đường Việt Nam.

Bên cạnh những ý kiến phản bác khá gay gắt dành cho Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, VSSA cũng đưa ra một số kiến nghị nhằm đổi mới ngành mía đường, tạo điều kiện hội nhập sân chơi quốc tế.

VSSA nhận định, tại Việt Nam hiện nay, cũng tương tự như các quốc gia sản xuất đường khác, đường làm ra chủ yếu do nông dân chứ không phải do nhà máy đường. Đúng hơn, nhà máy đường chỉ tác động từ 20 – 25% giá trị làm ra. Vì vậy, muốn hạ giá thành đường, nâng cao năng suất, phải hướng trọng tâm đến việc trồng mía.

Hiệp hội đã đưa ra những giải pháp như sau:

◊ Quy hoạch lại đất trồng mía phù hợp cho cây mía: có diện tích vùng mía đủ lớn cho nhà máy đường có công suất ít nhất 4.000 – 5.000 tấn mía/ngày (theo điều kiện Việt ) trở lên 20.000 – 30.000 tấn mía/ngày. Cánh đồng mía đủ lớn và đủ điều kiện để áp dụng cơ giới hóa và các kỹ thuật canh tác.

◊ Sáp nhập, di dời các nhà máy nhỏ có vùng nguyên liệu mía bất lợi để tái đầu tư.

◊ Các chính sách hỗ trợ cho người trồng mía của nhà máy như các nước khác có ngành mía đường phát triển bao gồm: giao thông, thủy lợi, khuyến nông v.v…

◊ Chính sách về năng lượng điện bã mía là năng lượng tái tạo được mua bằng giá như Thái Lan để tăng thêm sức cạnh tranh của ngành mía đường.

◊ Cần có chính sách giống mía như các quốc gia khác.

◊ Cần có biện pháp quản lý để bảo đảm công bằng cho tất cả các thành phần liên quan tham gia vào chuỗi sản xuất mía đường, đặc biệt bảo vệ ưu tiên số 1 là nông dân trồng mía như Thái Lan đã và đang thực hiện.

Như vậy, những giải pháp mà Hiệp hội mía đường đưa ra đều nhắm vào công cụ chính sách. Câu chuyện mía đường, tựu trung lại, cũng là chính sách quản lý – theo nhận định của VSSA.

Đây không phải lần đầu tiên Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đưa ra những nhận định thẳng thắn về ngành mía đường. Và cũng không phải lần đầu tiên Hiệp hội “phản pháo” lại ý kiến của Thứ trưởng. Hồi cuối năm 2013 cũng đã xảy ra những tranh cãi tương tự giữa Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú và VSSA.

>> Hiệp hội Mía đường: Nếu năng suất mía đường thực sự cao, sao HAGL cứ phải tiêu thụ ở Việt Nam?

Đan Nguyên

Minh Thư

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên