MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ FPT: FPT chưa thể nới room ngoại

31-03-2016 - 17:18 PM | Doanh nghiệp

Nếu nới room thì sẽ không thể tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom như Ban lãnh đạo mong muốn vì thế FPT hiện "chưa thể làm gì" cho vấn đề nới room.

Chiều ngày 31/03/2016, CTCP FPT (mã: FPT) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2016.

Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, FPT đặt kế hoạch doanh thu cho năm 2016 là 45.796 tỷ đồng – tăng 14,5% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế 3.151 tỷ đồng – tăng 10,5%. Phần lớn doanh thu đến từ khối Phân phối và Bán lẻ với mục tiêu 28.586 tỷ - tăng 13,4%, còn phần lớn lợi nhuận đến từ khối Công nghệ với kế hoạch 1.042 tỷ - tương đương năm 2015. Chi tiết như sau:

Bên cạnh đó, FPT có kế hoạch chi 1.802 tỷ đầu tư cho mảng Viễn thông và 945 tỷ cho khối Công nghệ trong năm 2016. Khối Phân phối và Bản lẻ dự kiến sẽ đầu tư thêm 127 tỷ còn khối Giáo dục là 45 tỷ.

HĐQT trình ĐHCĐ thông qua mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 20%, trong đó cổ tức đã tạm ứng chi trong quý 3/2015 là 10%, cổ tức còn lại đã chi sau khi ĐHCĐ phê duyệt là 10%. Thời điểm chi trả vào quý 2/2016.

HĐQT cũng trình phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, dự kiến thực hiện vào quý 2/2016.

Kế hoạch cổ tức năm 2016 được trình với tỷ lệ 20% , căn cứ theo số lượng cổ phiếu mới sau khi đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu 15%.

Đáng chú ý, trong đề xuất Đại hội cổ đông về thay đổi điều lệ công ty của FPT là số lượng thành viên HĐQT. Theo điều lệ cũ, Số lượng thành viên HĐQT ít nhất là 5 người và nhiều nhất là 11 người còn theo điều lệ xin ý kiến cổ đông sửa đổi thì Số lượng thành viên HĐQT ít nhất là 5 người và nhiều nhất là 7 người. Khoản 3, điều 29 điều lệ về các cuộc họp của HĐQT cũng được công ty xin ý kiến cổ đông sửa đổi. Thay vì 2 thành viên HĐQT như điều lệ cũ, công ty đã sửa đổi thành 2 thành viên điều hành của HĐQT.

Hành động giảm số lượng tối đa Thành viên HĐQT từ 11 người còn 7 người đồng thời hạn chế điều kiện yêu cầu triệu tập Hội đồng quản trị như trên được một số ý kiến cho rằng công ty đang phòng thủ, sợ cổ đông khác đưa người vào ban lãnh đạo.

1. Kiến nghị số lượng thành viên HĐQT là từ 3 - 11 người

Trả lời câu hỏi này tại đại hội, ông Nguyễn Thế Phương - Phó Tổng giám đốc của FPT phát biểu, quyền sửa đổi điều lệ hay bổ sung thành viên HĐQT là quyền của ĐHCĐ. Với cơ cấu tổ chức hiện tại, 7 thành viên HĐQT là khá phù hợp và thuận lợi cho hoạt động thực tiễn. Các DN quy mô lớn ở Việt Nam cũng có số lượng thành viên HĐQT xung quanh con số này. Chính vì thế, FPT đề xuất số lượng thành viên HĐQT như vậy.

2. Tại sao kế hoạch lợi nhuận mảng viễn thông giảm so với năm trước?

Về mảng viễn thông đặt kế hoạch doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm nhẹ, đó là vì công ty đầu tư chuyển từ hệ thống cáp đồng sang cáp quang – đã được thực hiện 2 năm nay tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Năm 2016,tiếp tục đầu tư mạnh tại các tỉnh ngoài Hà Nội và Hồ Chí Minh. Chi phí đầu tư hệ thống được khấu hao trong 12 tháng đã ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2016.

Công ty cũng chuẩn bị dự án dự phòng việc nộp quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Nếu không có khoản này, lợi nhuận kế hoạch có thể tăng thêm 10%.

3. Thoái vốn tại FPT shop

Trước câu hỏi về việc bán FPT shop, ông Phương cho biết, Công ty xem xét giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty bán lẻ và công ty phân phối, chiến lược này đã được thực hiện. FPT đã ký hợp đồng với 2 công ty tư vấn là Nomura của Nhật Bản và chứng khoán Bản Việt để tư vấn cho thương vụ này.

2 đơn vị bán lẻ và phân phối vẫn có kết quả kinh doanh rất tốt. Tính đến nay, FPT shop đã hoàn thành kế hoạch mở shop năm 2016. Về phân phối, tỷ suất lợi nhuận khoảng 46%.

Tuy nhiên để thực hiện chiến lược tập trung vào mảng công nghệ và viễn thông thì FPT phải giảm tỷ lệ sở hữu ở các mảng khác.

Cổ đông cũng đặt câu hỏi, FPT sẽ thoái vốn với tỷ lệ bao nhiêu, và tiền thu được từ thoái vốn sẽ sử dụng để làm gì?

Ông Phương cho hay, vì đang làm việc với các bên tư vấn nên cũng chưa thể nói điều gì, hy vọng họ có thể đem lại giải pháp có lợi nhất cho cổ đông. Mục tiêu thoái vốn của FPT là giảm xuống tỷ lệ sở hữu để sau thoái vốn , kết quả kinh doanh của các đơn vị này sẽ không hợp nhất vào BCTC của công ty mẹ. Và đương nhiên khi thoái vốn sẽ hạch toán một khoản lợi nhuận vào BCTC của công ty mẹ và chịu thuế thu nhập.

Ông Phương nhấn mạnh, mảng công nghệ thông tin có cơ hội toàn cầu rất lớn. FPT cũng đặt mục tiêu tăng trưởng mảng này rất cao trong nhiều năm tới cùng các kế hoạch về M&A. Do đó, tiền thu được từ thoái vốn khỏi mảng phân phối và bán lẻ sẽ dành 1 phần để M&A. Bên cạnh đó là tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom.

Về vấn đề nới room, FPT đã tìm hiểu trên Bộ KHĐT. Theo hướng dẫn tại điều 23 Luật đầu tư, những đơn vị có sở hữu NĐT nước ngoài trên 51% thì được coi là hoạt động đầu tư của NĐT nước ngoài. Vì thế, FPT bị khống chế tại một số mảng. Riêng mảng bán lẻ sẽ bị vướng giấy phép mỗi khi mở cửa hàng.

Bên cạnh đó, nếu nới room thì sẽ không thể tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom như Ban lãnh đạo mong muốn.

Do đó, FPT hiện giờ chưa thể làm gì, chỉ có thể chờ đợi.

Bảo Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên