MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ thường niên Vận tải Vinaconex: Chưa tìm được 2 thành viên HĐQT mới

27-03-2014 - 14:39 PM | Doanh nghiệp

VCV đã gửi văn bản đến các cổ đông lớn xin ý kiến đề cử, ứng cử nhưng chưa có kết quả. Đại hội lần này cũng chưa có đề cử hay ứng cử nào và 2 vị trí này vẫn đang bỏ ngỏ.

Ngày 27/03/2014, CTCP Vận tải Vinaconex (mã CK: VCV) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2014.

Đại hội bắt đầu lúc 8h30 với 12 người tham dự, bao gồm cả ban chủ tọa, thư ký và các cổ đông.

Bán được tàu cũng không thoát lỗ, nhân sự còn lại 3 người

Tại đại hội, ông Nguyễn Thái Hà – Tổng giám đốc công ty đã báo cáo về tình hình hoạt động của công ty trong năm 2013 và phương hướng hoạt động năm 2014. Năm 2013, hoạt động chính của VCV là khai thác tàu Vinaconex Lines với kế hoạch dự kiến là 15 chuyến hàng/12 tháng song thực tế thì tàu chỉ khai thác được 11 chuyến hàng/10 tháng và cho thuê định hạn với thời gian 02 tháng. Giá cước vận chuyển và giá cho thuê định hạn ở mức thấp do thị trường rất khó khăn về nguồn hàng.

Mặt khác, trong quá trình khai thác, do những yếu tố khách quan nên thời gian tàu Vinaconex Lines dừng lại chờ tại cảng bị kéo dài, làm giảm doanh thu và tăng chi phí cho VCV.

Trong năm, công ty đã thực hiện 4 lần chào bán tàu Vinaconex Lines liên tục từ 06/08/2013 đến 05/11/2013 và đến lần thứ 4 mới bán thành công cho đối tác ENA Shipping and Trading Corporation. Quá trình bàn giao tàu đã hoàn tất vào ngày 08/01/2014.

Sau khi bán tàu, công ty không có bất cứ nguồn thu nào để duy trì hoạt động. Tính đến thời điểm 31/12/2013, công ty đã lỗ lũy kế hơn 100 tỷ đồng trên tổng số 110 tỷ đồng vốn thực góp. Vì vậy, trong năm 2014, công ty sẽ tập trung xử lý nợ với các đơn vị; làm việc với CTCP tài chính Vinaconex Viettel chấp thuận xóa lãi vay và khoanh nợ gốc vay còn lại; thanh lý tài sản còn lại của công ty đồng thời giảm tối đa nhân sự, chỉ giữ lại 3 người gồm: Tổng giám đốc, Kế toán và Tổ chức hành chính.

Riêng về việc xử lý công nợ với các đơn vị, đại diện của VCV cho biết, các khoản nợ này chủ yếu là của các đơn vị thành viên trong Tổng công ty Vinaconex nên ban lãnh đạo đánh giá có thể thu hồi và không trích lập dự phòng rủi ro. Về điều này, kiểm toán đã lưu ý trong báo cáo tài chính kiểm toán: “Tại thời điểm 31/12/2013, công ty chưa trích lập dự phòng phải thu khó đòi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán với giá trị 1,4 tỷ đồng…” Nếu thực hiện việc trích lập dự phòng theo quy định hiện hành thì lợi nhuận sẽ giảm đi tương ứng.

Ông Phạm Như Hà – Trưởng Ban Kiểm soát đánh giá việc không hoàn thành kế hoạch của VCV có một phần nguyên nhân chủ quan từ phía công ty trong việc lập kế hoạch và dự báo thị trường. Vì vậy, ban kiểm soát lưu ý công ty cần xây dựng kế hoạch cho sát với thực tế , bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc đàm phán với bên cho vay về mức lãi suất vay dài hạn. Mức lãi 15,5%/năm hiện tại là quá cao. Tuy nhiên Ban kiểm soát cũng đánh giá đây là vấn đề khó do Công ty đã không đảm bảo nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi vay, khoản vay này đã trở thành nợ xấu.

Ban kiểm soát nêu ý kiến về phần vốn góp thiếu. Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vốn điều lệ của VCV là 200 tỷ nhưng đến 31/1/2/2013 thì vốn thực góp chỉ là 110 tỷ đồng, tức là còn thiếu gần 90 tỷ. Công ty cũng chưa tính phần chi phí lãi vay của phần vốn góp thiếu này. Việc thiếu vốn được đánh giá là một nguyên nhân trực tiếp gây ra kết quả kinh doanh kém trong năm.

Không đề cập đến việc hủy niêm yết

Do công ty đã lỗ 3 năm liên tiếp nên theo quy định hiện hành, VCV sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Tại đại hội, nội dung này không được đề cập đến.

2 thành viên HĐQT từ nhiệm, chưa tìm được người mới

Ông Hoàng Xuân Vịnh – chủ tịch HĐQT đã trình đại hội đơn xin từ nhiệm. Ông là đại diện phần vốn của Công ty xi măng Cẩm Phả tại VCV nhưng vào tháng 10/2013, Vinaconex đã bán 70% vốn cổ phần xi măng Cẩm phả cho Viettel. Cùng với lý do công việc bận rộn, ông xin rút khỏi vị trí này.

Ông Trần Mạnh Hữu – thành viên HĐQT cũng xin từ nhiệm vị trí với lý do tương tự. Đại hội đã thông qua việc từ nhiệm của 2 thành viên.

Theo Luật doanh nghiệp và theo Điều lệ của công ty, số lượng thành viên HĐQT ít nhất là 5 người, của Ban kiểm soát ít nhất là 3 người. Do ông Vịnh và ông Hữu đã từ nhiệm, Tổng giám đốc VCV đề nghị đại hội bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT và không bầu bổ sung BKS.

Trước thắc mắc của cổ đông là Ngân hàng Nông nghiệp Agribank về phương án xử lý nếu không thể tìm được thêm 2 thành viên HĐQT, Tổng giám đốc VCV cho biết, theo luật, thời gian để lựa chọn thành viên HĐQT bổ sung là 60 ngày sau khi các thành viên từ nhiệm, tức là “còn nhiều thời gian”. Mặc dù vậy, theo lời của ông, thì VCV cũng đã gửi văn bản đến các cổ đông lớn xin ý kiến đề cử, ứng cử nhưng chưa có kết quả.

Tại đại hội lần này, cũng chưa có cổ đông nào đề cử hay ứng cử, và 2 vị trí này vẫn đang bỏ ngỏ.

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên