MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện máy về tỉnh: Vài hãng điện máy tranh nhau thị trường 1.000 tỉ thì chỉ có "chết"

15-10-2015 - 10:46 AM | Doanh nghiệp

“Dung lượng của các tỉnh vẫn còn quá nhỏ. Lấy ví dụ là một tỉnh lớn như Thanh Hóa, nhu cầu mua sắm điện máy của thị trường cũng chỉ vào khoảng 1.000 tỉ đồng mỗi năm. Nếu có 2 – 3 thương hiệu cùng nhảy vào san sẻ thị trường, chắc chắn sẽ dẫn tới tình cảnh “tôi chết, anh cũng bị thương”.

Nhìn lại năm 2014 và 2015, sau khi những tên tuổi nhỏ trên thị trường điện máy lần lượt ra đi như Việt Long, TopCare thì thị trường Hà Nội hiện nay nổi lên 4 cái tên lớn nhất: Trần Anh, Mediamart, HC và PICO. Trong đó, 3 cái tên đầu tiên đều liên tục có những kế hoạch mở rộng tại thị trường từ Hà Nội ra các tỉnh phía Bắc.

Dễ thấy nhất là mở rộng về số lượng điểm bán. Quý 4 năm nay, Trần Anh cho biết sẽ mở ra tới 9 điểm bán nữa, đa phần trong số này nằm ở các tỉnh, thành phố lớn ở phía Bắc. Tương tự với Mediamart, HC. Riêng với PICO, thương hiệu này gần như không có hoạt động mở rộng gì trong vòng 3 năm trở lại đây.

Chỉ có tổng cộng 4 trung tâm ở Hà Nội, nếu so với 15 trung tâm của Trần Anh hay 20 trung tâm của Mediamart, có thể thấy PICO hoàn toàn lép vế. Ngay cả khi tính riêng Hà Nội, Mediamart cũng đã có tới 10 trung tâm.

Việc dậm chân tại chỗ trong khi những chuỗi siêu thị khác không ngừng mở rộng khiến thị phần của PICO giảm dần. Một số ngành hàng như TV, nếu trước kia, PICO nắm giữ 27% thị phần thì nay giảm xuống còn 17%. Doanh thu của công ty cũng đi ngang, thậm chí có phần sụt giảm trong giai đoạn từ 2011 đến 2013.

Tới tháng 8 năm nay, rộ lên thông tin mảng điện máy của PICO sẽ về tay một đại gia trong ngành bán lẻ Thái Lan là Central Group. Trước đó, Central đã hoàn tất việc mua lại 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim – hãng bán lẻ điện máy lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, thương vụ không thành. Không có cái bắt tay nào giữa PICO với người Thái như nhiều người chắc chắn.

Doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 của 4 doanh nghiệp điện máy lớn nhất miền bắc

Cần nói thêm là bên cạnh điện máy, PICO còn có mảng kinh doanh bất động sản. Trong năm nay, mảng này khởi sắc hơn khi hồi đầu năm, Lotte của Hàn Quốc thuê lại mặt bằng của PICO Plaza trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình.

“Nó đánh dấu việc chúng tôi ngừng đầu tư cho bất động sản và quay trở lại tập trung cho ngành điện máy”, ông Trịnh Đức Tuấn, Phó tổng giám đốc của công ty cho biết.

Không như báo chí đã đăng tải, Lotte không thuê lại toàn bộ 56.000m2 của PICO Plaza, mà chỉ thuê 9.000m2 tại đây. Mặc dù vậy, PICO Plaza cũng đã lấp đầy 99% diện tích cho thuê tại đây thông qua những hợp đồng cho thuê với các đối tác lớn khác.

Quan trọng hơn, dòng tiền chảy về từ bất động sản sẽ được mang về để hỗ trợ lại cho mảng điện máy, lĩnh vực mà PICO chỉ hoạt động cầm chừng trong khoảng 3 năm trở lại đây. Nổi danh trong lĩnh vực điện máy, mục đích ban đầu khi đầu tư vào bất động sản của PICO cũng là để hỗ trợ cho mảng này, tuy nhiên, những khó khăn của cả điện máy lẫn bất động sản buộc công ty phải chia tay ra thành hai mảng độc lập.

Thực tế khi mở rộng ra Sài Gòn, ban đầu PICO cũng có siêu thị điện máy rộng trên 3.000m2 tại PICO Plaza. Doanh thu trung bình mỗi ngày không thấp, đạt 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, mảng điện máy Sài Gòn đòi hỏi phải duy trì đầy đủ phòng ban, hệ thống nhân sự. Ước tính, phải có ít nhất 3 trung tâm ở Sài Gòn mới đủ lực duy trì mảng điện máy tại đây. “Kế hoạch không thành, chúng tôi quyết định rút toàn bộ mảng điện máy ở Sài Gòn và tập trung vào địa bàn Hà Nội”, ông Tuấn cho biết.

Nếu xét về kết quả kinh doanh, doanh thu mảng điện máy của PICO trong năm 2014 khoảng 2,5 nghìn tỉ đồng, xấp xỉ với Trần Anh. Đây không phải là con số lớn, nhưng theo ông Tuấn, việc duy trì được doanh số này chỉ với 4 điểm bán cho thấy cả sự nỗ lực của hệ thống.

“Hiện tại, với các hãng điện máy Hà Nội, việc mở 1 điểm đạt doanh số 30 tỉ đồng/tháng đã là rất khó. Tuy nhiên, PICO duy trì được mức doanh thu trung bình 50 tỉ đồng/tháng cho mỗi điểm bán. Hiệu suất điểm bán tốt hơn hẳn cho thấy thương hiệu PICO vẫn có trọng lượng trong mắt người tiêu dùng Hà Nội”, ông Tuấn nhận định.

Hiểu được điều đó, ban lãnh đạo công ty xác định sang năm 2016, lĩnh vực kinh doanh chính sẽ quay trở lại điện máy và địa bàn tập trung vẫn sẽ là Hà Nội. Ông Tuấn không cho rằng, thị trường điện máy tại Hà Nội đã bão hòa. Vẫn có những khu vực còn trống để các thương hiệu nhảy vào, có chăng là siêu thị điện máy mới mở sẽ không cần thiết phải mở quá lớn như trước nữa, thay vào đó là một mô hình vừa phải, bày vừa đủ các mặt hàng quan trọng sẽ hợp lý hơn.

“Kế hoạch mở rộng điểm chúng tôi đã có và nó sẽ nằm ở Hà Nội. Một trung tâm mới hiện chỉ cần rộng khoảng 1.500m2 là vừa đủ cho việc trưng bày, quầy kệ và bán hàng. Thậm chí, chúng tôi cũng đang nghiên cứu tạo ra những cửa hàng trưng bày nhỏ hơn và hướng khách hàng sang mua online”, ông Tuấn cho biết.

Việc vẫn chọn hướng đi là địa bàn Hà Nội là một quyết định lạ của PICO. Hầu hết các tên tuổi điện máy lớn tại đây đều chung một nhận định: Phát triển tốt nhất bây giờ là nên ra mở ra các tỉnh thành phố lớn lân cận Hà Nội, để đón đầu lượng người tiêu dùng mới đang phát triển mạnh mẽ tại đây.

Ông Tuấn không cho rằng việc điện máy phía Bắc “đi tỉnh” là một ý kiến hay. “Dung lượng của các tỉnh vẫn còn quá nhỏ. Lấy ví dụ là một tỉnh lớn như Thanh Hóa, nhu cầu mua sắm điện máy của thị trường cũng chỉ vào khoảng 1.000 tỉ đồng mỗi năm. Nếu có 2 – 3 thương hiệu cùng nhảy vào san sẻ thị trường, chắc chắn sẽ dẫn tới tình cảnh “tôi chết, anh cũng bị thương”.

Chiến lược của các hãng điện máy là mở ra trước để đón đầu thị trường, tuy nhiên chiến lược này rất rủi ro nếu có thêm vài hãng khác cũng nhảy vào cạnh tranh”, phó tổng giám đốc của PICO nhận định.

Đấy là chưa kể, vấn đề về logistics và quản lý chuỗi khi đưa hàng điện máy về các tỉnh vẫn là bài toán khó cho doanh nghiệp ngành điện máy. Nếu như ngành hàng di động, Thế Giới Di Động có thể làm mưa làm gió ở tỉnh thì ngành hàng điện máy là một câu chuyện khác. Điện máy đòi hỏi chi phí vận chuyển rất lớn và đội ngũ bảo hành, lắp đặt cũng rất quan trọng. Trong khi đó, nhóm ngành hàng công nghệ cao gần như không tốn khoản chi phí này.

Vấn đề này dẫn tới thực tế hiện nay, việc mở trung tâm mới tại các tỉnh thực chất chỉ giúp tăng thêm doanh thu cho các chuỗi điện máy, chứ không tăng thêm về lợi nhuận. Sẽ cần có thêm thời gian để các hãng điện máy cải thiện vấn đề về logistic và quản trị chuỗi. Hiện tại, một số hãng điện máy đã bắt đầu xây dựng tổng kho cung cấp cho các nhà bán lẻ ở địa phương. Hoặc như trong trường hợp của Điện máy Xanh, chuỗi siêu thị này yêu cầu các nhà cung cấp chuyển hàng tới từng điểm bán của họ.

Thay vì mạo hiểm như vậy, PICO chọn ở lại Hà Nội, thị trường đang chiếm 25% tổng doanh thu toàn ngành điện máy. Là một trong những doanh nghiệp đời đầu của điện máy Hà Nội, PICO tin rằng mình sở hữu những lợi thế nhất định so với các đối thủ. "Yếu tố quyết định trong ngành điện máy đó là tối ưu hóa được chi phí bán hàng và hệ thống quản trị. Đó là điều chúng tôi tự tin so với các đối thủ", ông Tuấn cho biết.

Tất nhiên, còn quá sớm để nói về một sự trở lại. Tuy nhiên, với miếng bánh thị phần vốn chỉ có vậy, một khi có doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, thị phần các hãng sẽ phải chia nhỏ lại. Thị trường điện máy Hà Nội, vốn đã khốc liệt từ trước, hứa hẹn sẽ càng khốc liệt hơn trong thời gian tới.

Theo Trang Lam

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

Trở lên trên