MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Digiworld: Chào sàn HSX - hướng tới mục tiêu doanh thu tỷ đô năm 2020

28-07-2015 - 08:05 AM | Doanh nghiệp

"Việc khai thác các nhãn hiệu mới có tiềm năng là chiến lược quan trọng, bởi các tay chơi mới thường nhanh nhạy, có sự sáng tạo và đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng đa dạng của người dùng."

Ngày 3/8 tới đây, 23,58 triệu cổ phiếu DGW của Công ty cổ phần Thế giới Số (Digiworld) sẽ chính thức được niêm yết trên sàn HSX với giá khởi điểm 52.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa của tân binh Digiworld sẽ đạt con số 1.200 tỷ đồng.

Trước ngày cổ phiếu DGW lên sàn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Digiworld xung quanh những dự định, kỳ vọng của công ty.

P/v: Xin chào ông Đào Hồng Việt. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của mảng kinh doanh phân phối sỉ các sản phẩm công nghệ?

Ông Đoàn Hồng Việt: Việt Nam với dân số đông, trẻ, mức độ bão hòa còn thấp sẽ là thị trường rất tiềm năng.

Nhìn sang Thái Lan là một quốc gia lân cận, các công ty phân phối hàng đầu đều đạt doanh số hơn 600 triệu USD/năm. Các nhà đầu tư từng trải ở Thái Lan, họ có thể sẽ thấy trước được các bước phát triển tương đồng ở Việt Nam. Đây chính là lý do nhiều nhà đầu tư Thái Lan hoặc các nhà đầu tư nước ngoài đã từng thành công ở Thái Lan chuyển hướng đổ vốn vào Việt Nam trong thời gian gần đây và tiếp tục trong thời gian tới.

Ngoài ra, kinh nghiệm phân phối sỉ lâu năm giúp chúng tôi có nền tảng vững chắc về quản lý tài chính, quản trị hệ thống và logistics, đây là bàn đạp giúp chúng tôi đón đầu xu hướng cung cấp các dịch vụ cho thương mại điện tử tại Việt Nam.

- Lựa chọn kênh phân phối sỉ, ông có cho rằng có những bất lợi so với kênh bán lẻ hiện đang làm mưa làm gió trên thị trường hiện nay. Liệu Digiworld có “đề phòng” quá?

Phân phối sỉ hay lẻ đều có những khó khăn và thuận lợi riêng theo đặc thù của mô hình kinh doanh. Ví dụ như phân phối sỉ thì phụ thuộc vào sản phẩm của nhà sản suất, nếu nhà sản xuất không ra được model tốt, hợp thị hiếu thì doanh thu của nhà phân phối cũng sẽ bi ảnh hưởng. Trong khi phân phối lẻ sẽ có chi phí cố định như mặt bằng, lương nhân viên… lớn, khó đạt điểm hòa vốn hơn.

- Được biết sắp tới Digiworld sẽ chú trọng mảng điện thoại di động. Xin ông cho biết Digiworld sẽ phân phối cho nhãn hiệu nào và các đối tác nào?

Thị trường smartphone đang có tốc độ tăng trưởng cao hơn 20% trong 3-4 năm tới đây dựa trên mức độ bão hòa còn thấp. Tại Việt Nam năm 2014 mới có 10 triệu smartphone bán ra trên tổng số 65 triệu người dùng tiềm năng trong độ tuổi 13-65. Đây chính là thị trường mà Digiworld đang khai thác. Công nghệ ngày càng phát triển khiến sản phẩm ngày càng tốt với giá thành rẻ. Đơn cử, chúng tôi đang phân phối sản phẩm smartphone Wiko Sunset 2, được trang bị màn hình cảm ứng 4”, hệ điều hành Android với giá chỉ 999.000đ. Tính đến nay, đã có 100.000 sản phẩm này được bán ra thị trường.

Ngoài các thương hiệu lớn mà Digiworld đang phân phối như Nokia/Microsoft, chúng tôi cũng đang xúc tiến đàm phán với các đối tác quan trọng như Apple, Sony.

Bên cạnh Wiko – thương hiệu smartphone đứng thứ hai tại Pháp, trong tháng 9 Digiworld sẽ cho ra mắt nhãn hiệu OBI do tỷ phú John Sculley, cựu chủ tich, kiêm CEO của Apple sáng lập. Digiworld tin tưởng với tầm nhìn của John và sự khác biệt nổi trội của sản phẩm, OBI sẽ đạt được thành công ở Việt Nam. Cũng trong tháng 9, chúng tôi sẽ giới thiệu một nhãn hiệu smartphone nữa đến từ Hàn Quốc, đáp ứng nhu cầu của giới trẻ sành điệu.

- Những nhãn hiệu điện thoại mà Digiworld phân phối vẫn chưa thực sự phổ biến tại thị trường Việt Nam. Điều đó có gây khó khăn nào cho công ty không thưa ông?

Việc khai thác các nhãn hiệu mới có tiềm năng là chiến lược quan trọng, bởi các tay chơi mới thường nhanh nhạy, có sự sáng tạo và đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng đa dạng của người dùng. Chúng tôi cũng tin rằng, với kinh nghiệm gần 20 năm trong lĩnh vực phân phối sản phẩm CNTT và kỹ thuật số, Digiworld sẽ mang lại những sản phẩm khác biệt, nổi bật cùng với chế độ hậu mãi chuyên nghiệp cho thị trường trong nước. Bên cạnh đó, người dùng Việt Nam trẻ và cởi mở, họ sẵn sàng đón nhận những sản phẩm, thương hiệu mới một cách dễ dàng hơn. Đó là lý do mà Wiko, sau gần một năm ra mắt đã đạt được những thành công nhất định.

- Kỳ vọng của Digiworld là gì khi đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết? Liệu công ty có kế hoạch huy động vốn thêm sau khi lên sàn không?

Việc niêm yết trên sàn chứng khoán tạo động lực cho ban lãnh đạo Digiworld quản trị tốt hơn và giúp Digiworld tiếp cận thêm nhiều kênh huy động vốn, hiện thực hóa kế hoạch trở thành công ty có doanh thu tỷ đô vào năm 2020.

- Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Digiworld không thực sự khả quan. Ông có nghĩ cổ phiếu DGW sẽ hấp dẫn nhà đầu tư với kết quả như vậy?

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận sau thuế đạt 38% kế hoạch năm và 95% kế hoạch 6 tháng. Thị trường công nghệ luôn có tính thời vụ có tỷ trọng cao vào cuối năm với các mùa mua sắm lớn như mùa tựu trường, Noel, Tết Dương lịch. Trong Quý III, IV, với việc giới thiệu 2-3 nhãn hiệu mới Digiworld tin tưởng sẽ đạt kế hoạch kinh doanh của năm.

- Xin chân thành cảm ơn ông, và chúc cho công ty thành công với những kế hoạch sắp tới

Đan Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên