MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Doanh nghiệp bị ép tứ bề”

11-10-2014 - 11:20 AM | Doanh nghiệp

“Tôi cảm nhận được nỗi thống khổ của DN xuất nhập khẩu. DN đang bị ép tứ bề, từ cơ quan Nhà nước, chủ tàu, cảng… Tiền mực in cả trăm triệu, đi nộp hồ sơ phải dùng ô tô để chở…"

Đó là nhận định của Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý TW (CIEM) - TS Nguyễn Đình Cung tại Hội thảo “Triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ: Đơn giản hóa thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” sáng 10/10 tại Hà Nội.

Ở “luồng xanh” nhưng muốn sang “luồng đỏ”

Bà Đặng Bình An, chuyên gia tư vấn Dự án USAID GIG (Nguyên Tổng cục phó Tổng cục Hải quan, Nguyên Tổng cục phó Tổng cục Thuế) cho biết, việc triển khai thông quan điện tử đang hoạt động khá nhanh nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn đối với DN. Chẳng hạn, thủ tục hải quan điện tử nhưng vẫn yêu cầu DN xuất trình hồ sơ bằng giấy. Ngoài ra, yêu cầu xuất trình giấy tờ ở mỗi địa điểm làm thủ tục còn khác nhau, chưa thống nhất.

Hiện mỗi tờ khai hải quan chỉ được khai 50 dòng nên DN càng nhiều hàng hóa càng phải sử dụng nhiều tờ khai. Thậm chí có DN phải thuê người phụ trách hoạt động này để đỡ mất thời gian. Thủ tục giám sát kho bãi của hải quan cũng chưa có sự phối hợp với cảng, làm mất nhiều thời gian của DN.

Điều đáng nói là một số DN được xếp vào “luồng xanh”, tức là được miễn kiểm tra hồ sơ trên giấy và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa. Lô hàng được cơ quan hải quan chấp nhận thông quan thì sẽ chuyển sang in tờ khai trên hệ thống của mình để đi lấy hàng. Nghe có vẻ đơn giản nhưng trong thực tế DN mất nhiều thời gian làm thủ tục không khác gì DN ở “luồng đỏ”. Rốt cuộc, DN vẫn phải đến cơ quan hải quan đăng ký, rồi đến cơ quan thuế xác nhận mới lấy được hàng.

Việc luân chuyển chứng từ nộp thuế từ ngân hàng đến kho bạc còn chưa kịp thời nên rất nhiều trường hợp DN bị hải quan giữ lại vì tưởng chưa nộp thuế. Thực tế DN đã nộp nhưng vì cập nhật chậm. Việc xin hoàn thuế và chuyển thuế xuất nhập khẩu đã nộp theo tờ khai sau đó hủy cũng rất khó khăn. Vì thế nhiều DN cho biết họ đang muốn được sang luồng đỏ chứ không cần ở luồng xanh, bà Đặng Bình An dẫn chứng những khó khăn của DN xuất nhập khẩu.

Chuyên gia này cũng cho biết, Tập đoàn Samsung đã tốn 70 triệu đồng chỉ để in báo cáo và phải dùng đến ô tô để chở báo cáo đi nộp. Vì thế mới có chuyện, chỉ trong thời gian 2 tuần mà chứng từ lưu lại của 1 phòng tại Bộ Công thương tận 51 bao.

Bàn về vấn đề này, ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát và Quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan, cho rằng, có 19 luật liên quan đến quản lý chuyên ngành, hơn 30 nghị định, 200 thông tư quyết định và các văn bản hướng dẫn cá biệt liên quan đến quản lý chuyên ngành…tuy nhiên, lại chưa có sự kết nối đồng bộ. Trong đó, có những văn bản đang thực hiện năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về yêu cầu kiểm dịch động, thực vật …đến nay chưa hề được “updated”. Cách quản lý chồng chéo, thiếu bài bản như vậy tất yếu sẽ không mang lại hiệu quả, ngoài việc gây tốn kém về thời gian, tiền bạc cho DN còn gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước.

Vì thế mới có chuyện chỉ một mặt hàng sữa mà có đến ba Bộ: Y tế, Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Công Thương quản lý, trong khi nhiều quốc gia khác họ không quản lý theo cách như vậy. Với mặt hàng sữa chỉ một bộ duy nhất quản lý nhưng vẫn chặt chẽ hơn chúng ta., ông Ngô Minh Hải cho hay.

“Quản lý nhà nước tạo điều kiện cho DN chứ không phải cản trở”

Tại Hội thảo, nhiều quan điểm cho rằng, rằng cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc xác định mặt hàng, cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Cần kết nối thông tin giữa các bộ ngành, đơn vị cung ứng dịch vụ, cơ quan hải quan để quản lý thống nhất chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần cập nhật những văn bản chính sách mới để việc quản lý, kiểm tra và hướng dẫn cho DN được chính xác, đồng bộ. Trên website các bộ, ngành cần cập nhật thường xuyên những văn bản pháp luật chỉnh sửa, ban hành mới để DN có thể tìm xem, thực hiện theo.

Tìm lời giải cho vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung nhận định: hiện DN đang phải chi phí rất nhiều khoản, dẫn tới đầu tư kinh doanh không hiệu quả, không phát triển…, DN không phát triển thì việc thu ngân sách cũng sẽ rất khó. Vì thế, không còn cách nào khác là phải tạo thuận lợi cho DN. Quản lý Nhà nước là tạo điều kiện cho DN chứ không phải cản trở sự phát triển của DN.

Cần phải làm thế nào để DN chỉ lo đối mặt với đối thủ thôi, không nên để họ quá bức xúc và đối phó với thủ tục hành chính. Tôi cảm nhận được nỗi thống khổ của DN xuất nhập khẩu. DN bị ép tứ bề, từ cơ quan nhà nước, chủ tàu, cảng… Tiền mực in cả trăm triệu, đi nộp hồ sơ phải dùng ô tô để chở… Vấn đề này nói là khó sửa nhưng theo tôi muốn sửa thì rất dễ, chỉ cần người đứng đầu làm đúng phận sự và có trách nhiệm, lãnh đạo này nói.

Dẫn chứng thêm về sự “nhiêu khê” và cần phải xử lý của thủ tục hành chính, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: DN đã làm thủ tục kê khai thông tin rồi, nếu các cơ quan quản lý Nhà nước cần thì lấy từ cơ quan mà DN đã kê khai chứ không nên bắt DN phải chạy đi chạy lại khai báo nhiều lần. Trong các hoạt động như thế này, yếu tố con người luôn rất cần thiết. Tôi cho rằng DN đang bị “quản lý” chứ không phải được tạo điều kiện để hoạt động và phát triển.

Ngành thủy sản: Miễn thuế GTGT, doanh nghiệp vẫn đối mặt với thuế Chống bán phá giá

Theo Quỳnh Anh

huongtt

Toquoc.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên