MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp chưa vào được “chuỗi giá trị toàn cầu”

25-11-2014 - 07:47 AM | Doanh nghiệp

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trước khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phải xác định chúng ta là ai, lựa chọn quan tâm sản phẩm nào trong chuỗi giá trị đó và tham gia vào đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Việc các doanh nghiệp (DN) trong nước cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các tập đoàn đa quốc gia, các DN đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam là một cách hữu hiệu để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, các DN Việt Nam hiện vẫn loay hoay vì chưa thể xác định vị trí của mình ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Vẫn đứng ngoài cuộc

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), trong quá trình thu hút vốn FDI, ngoài việc huy động nguồn vốn, công nghệ của DN FDI đó, bất kì quốc gia nào cũng mong muốn móc nối hoạt động của các DN trong nước với các DN FDI, nhất là các tập đoàn đa quốc gia để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và của cả nền kinh tế.

Tuy nhiên, ở nước ta, mặc dù nhiều tập đoàn đa quốc gia đã có hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nhưng các DN trong nước gần như đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu mà các DN FDI đang sản xuất tại Việt Nam. Lo ngại lớn hơn khi vừa qua hãng điện tử Samsung công bố danh sách nhu cầu cần được cung cấp hàng trăm loại linh kiện như ốc vít, sạc pin, tai nghe… nhưng họ lại không tìm nổi nhà cung cấp tại Việt Nam. Hãng Canon cho biết, DN trong nước mới chỉ đáp ứng được hộp, bìa các-tông đóng gói sản phẩm cho họ. Còn, các loại thiết bị linh kiện khác thì không thể tìm được nhà cung cấp tại Việt Nam.

Chuỗi giá trị toàn cầu là chuỗi sản xuất các sản phẩm mang đẳng cấp quốc tế, trong đó huy động nhiều DN, nhà cung cấp linh kiện, nguyên liệu trên toàn cầu tham gia vào các công đoạn khác nhau của quá trình sản xuất sản phẩm.

“Đến nay, Việt Nam đã huy động được một lượng vốn FDI đáng kể, thu hút được nhiều tập đoàn đa quốc gia đến mở rộng đầu tư ở nước ta nhưng vẫn chưa tạo được sự liên kết được sản xuất giữa DN trong nước với các DN FDI. Vì vậy, mặc dù DN FDI vào hoạt động ở Việt Nam nhưng các DN trong nước vẫn cặm cụi làm công việc của riêng mình. Không nhiều DN mạnh dạn ‘bắt tay’ sản xuất cùng các DN FDI”, PGS Thắng cho biết.

Vậy cần làm gì để DN Việt có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu này? Các chuyên gia cho rằng nó không đơn thuần nằm ở yếu tố kỹ thuật, năng lực sản xuất. Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển DN, đối với DN, phải nhìn nhận dưới hai góc độ: năng lực tư duy và năng lực thực hành. Về năng lực tư duy, có thể khẳng định DN Việt Nam không thua kém các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, các DN hiện đầu tư rất ít cho khoa học công nghệ khiến cho năng suất lao động thấp và năng lực thực hành yếu. Điều này cản trở việc DN có đủ điều kiện để tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Với góc nhìn của DN, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thanglongtech (chuyên sản xuất các loại linh kiện) cho rằng, không phải do DN không sản xuất được mà do thiếu sự liên kết với nhau. Theo ông Tuấn, DN phải tự tìm ra chiến lược và chỗ đứng cho mình trên thị trường. Trong chuỗi sản xuất cung ứng một sản phẩm, thay vì chỉ một DN đứng ra sản xuất thì có thể hợp tác với các DN khác để chuyên môn hóa từng khâu, từng công đoạn sản xuất.

Xác định khâu then chốt

Chuỗi giá trị toàn cầu bao gồm rất nhiều công đoạn. Chẳng hạn, để sản xuất một chiếc iPhone, hãng Apple phải sử dụng linh kiện điện tử của hàng trăm nhà cung cấp trên thế giới. Vậy Việt Nam nên tham gia vào khâu nào trong chuỗi giá trị này? Theo các chuyên gia, Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn cho khoa học công nghệ để tham gia vào công đoạn có giá trị lớn nhất trong chuỗi giá trị gia tăng, đó là nghiên cứu, thiết kế phát triển… Một thực tế đáng lo ngại là phần lớn DN Việt Nam đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 - 3 thế hệ. DN Việt Nam đầu tư cho đổi mới công nghệ chỉ dưới 0,5% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trước khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phải xác định chúng ta là ai, lựa chọn quan tâm sản phẩm nào trong chuỗi giá trị đó và tham gia vào đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu. “Chuỗi giá trị toàn cầu thì có rất nhiều người tham gia, nhưng muốn khẳng định vị thế thì phải tạo ra sản phẩm dẫn đầu trong chuỗi giá trị toàn cầu đó. Nếu chúng ta chỉ tham gia sản xuất con ốc vít thì chúng ta chỉ chạy theo đuôi chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Vũ Đình Ánh nói.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng mới đây, một số DN Việt Nam đã mạnh dạn đi tiên phong đầu tư xây dựng các cơ sở nghiên cứu với trang thiết bị hiện đại, nhân lực trình độ công nghệ cao... để triển khai nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế cả về chất lượng và giá thành. Ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav cho rằng, việc các DN trong nước sản xuất linh kiện cung ứng cho các tập đoàn nước ngoài không quá quan trọng vì các DN nước ngoài có ứng dụng công nghệ và tự động hóa, đồng thời có hệ thống cung ứng toàn cầu nên giá linh kiện rất rẻ. DN Việt Nam đi sau thì nên tìm cách tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những lĩnh vực có giá trị lớn như công nghệ thông tin và thiết bị điện tử. Từ 10 năm trước, Bkav đã quyết định làm chủ công nghệ để tham gia vào công đoạn có giá trị lớn nhất trong chuỗi giá trị gia tăng, đó là nghiên cứu, thiết kế phát triển… trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

>> “Chúng ta thừa khả năng để sản xuất con ốc vít, nhưng chúng có đáng làm hay không?”
Theo Hoàng Dương

thunm

Báo tin tức

Trở lên trên