MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Hà Nội: Cần “luồng gió mới”

31-03-2013 - 11:45 AM | Doanh nghiệp

Hiện nay, giá thuê đất tại Hà Nội cao hơn rất nhiều so với trước đây 5 năm, chênh lệch đáng kể không những so với chính mảnh đất đó mà so với những địa phương khác cùng thời điểm này.

Tại Hội nghị triển khai các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN Hà Nội vừa qua, Phó chủ tịch Hội DN trẻ TP Hà Nội - Trần Anh Vương chia sẻ, điều mà hầu hết các SME hiện nay mong muốn là lấy lại niềm tin trước bối cảnh sự suy thoái kinh tế đang được thừa nhận, nhiều chính sách kinh tế, chính sách tiền tệ và rất nhiều những “gói giải cứu” được tuyên bố nhưng không đủ liều cho DN phục hồi.

Nhìn từ PCI

Theo ông Trần Anh Vương, bên cạnh những hỗ trợ trực tiếp, thiết thực thì còn có nhiều vấn đề nảy sinh từ khâu ban hành các chính sách đến công tác thực thi chính sách, không ít các DN gặp khó khăn, đình trệ sản xuất và nguy cơ phá sản.... khiến niềm tin của các DN đi xuống. DN hiện đang cần một niềm tin và niềm tin chỉ có thể đến từ sự minh bạch, nhất quán của chính sách. Nếu hiện nay không thể đưa ra được một thông điệp dài hạn và rõ ràng rằng môi trường kinh doanh khẳng định sẽ tốt lên vào 2013 thì hầu hết các SME đều tin rằng tình hình sẽ xấu đi.

Điều này cũng được Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thừa nhận tại hội nghị. Kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2012 khi Hà Nội tụt sâu tới 15 bậc, từ 36 (2011) xuống còn 51 trên 63 tỉnh - vị trí thấp nhất của thủ đô từ khi VCCI bắt đầu thực hiện khảo sát từ 2005 đến nay. 

Trong số 9 tiêu chí để đánh giá, Hà Nội bị chấm điểm thấp ở các tiêu chí như thiết chế pháp lý và tính năng động của lãnh đạo, đều chưa được 3 điểm trên thang 10. Thậm chí trong lĩnh vực tiếp cận đất đai, Hà Nội đứng cuối bảng về chỉ số này với 4,20 điểm. Ông nhận định, kết quả PCI mặc dù chỉ dựa trên cơ sở cảm nhận của các DN, không phải kết quả thanh tra kiểm tra để kết luận, nhưng điều này cho thấy DN “chê” chính quyền TP HN. Đây là một kết quả đáng buồn cho Hà Nội, thể hiện niềm tin của DN với chính quyền giảm.

Lãi suất và đất

Cũng tại hội nghị, khó khăn về tiếp cận vốn cũng là một trong những vấn đề DN bức xúc. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội. Ông Hiển là Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) nhưng ông cũng phải thừa nhận, khó khăn lớn nhất của DN hiện nay là tiếp cận vốn vay, lãi suất cho vay cao. “Nhiều DN còn lúng túng trong việc thu xếp tài sản bảo đảm, thế chấp khi đặt vấn đề vay vốn của ngân hàng. Theo quy định, ngân hàng nào cũng đòi tài sản đảm bảo nhưng DNNVV có tài sản gì để thế chấp?”, ông Hiển trăn trở.

Cũng chung bức xúc trên, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch Aprocimex cho biết, tổng kết của ngành thức ăn chăn nuôi vừa qua cho thấy có tới 44 DN phá sản, giải thể. DN không cạnh tranh nổi trên sân nhà do vốn ít, công nghệ thấp, lãi suất dù đã giảm nhưng vẫn còn cao so với các nước. Vì vậy, ông Lý đề nghị hạ lãi suất cho vay xuống dưới 10% ngay trong quý III/2013 để DN có sức trụ thêm, đặc biệt với các DNNVV

Giá thuê đất tại Hà Nội cũng được các DN tại Hà Nội quan tâm. Hiện nay, giá thuê đất tại Hà Nội cao hơn rất nhiều so với trước đây 5 năm, chênh lệch đáng kể không những so với chính mảnh đất đó mà so với những địa phương khác cùng thời điểm này.

Ông Vương đưa ví dụ : Một DN tại huyện Thanh Oai trước đây đóng tiền thuê đất hàng năm là 20.160.000 đ/ha thì năm 2012 mức thông báo là 830.000.000 đ/ha, như vậy gấp hơn 40 lần. Mặt khác, trước đây, khi đầu tư vào các KCN mà DN tự đền bù giải phóng mặt bằng thi số tiền đền bù này sẽ được trừ vào tiền thuê đất hàng năm. Nếu giờ lấy số tiền đền bù của 5 năm trước đây trừ cho tiền thuê đất theo cách tính bây giờ (cao gấp 40 lần) là một phép tính hết sức phi lý và khó khăn cho DN.

Để tháo gỡ những khó khăn của DN, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định sẽ chỉ đạo các ngành tiến hành ngay những giải pháp khả thi tránh câu chuyện độ trễ chính sách như các DN phản ánh. Thực hiện lộ trình tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất. Triển khai gói hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của TP từ nguồn ngân sách 100 tỉ đồng để giảm khó khăn cho DN mở rộng sản xuất kinh doanh theo chính sách Thành phố đã ban hành. Triển khai thực hiện quỹ bảo lãnh tín dụng của TP cho các DNNVV với kinh phí 80 tỉ đồng. Đặc biệt, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, khôi phục và nâng cao chỉ số cạnh tranh; sẽ tăng cường đối thoại với DN. Trong tháng 4 sẽ thành lập Ban chỉ đạo và đường dây nóng để tháo gỡ khó khăn kinh tế, trong đó có cả các DN tham gia.

Theo Khắc Lãng - Bá Tú

thunm

DĐDN

Trở lên trên