MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp "ngại" sử dụng FTA

12-09-2014 - 07:32 AM | Doanh nghiệp

Vì sao nhiều DN không sử dụng các FTA trong khi các FTA có thể mang lại ưu thế lớn về thương mại? Phải chăng chỉ vì họ không biết đến chúng?...

Có nhiều lý do để các DN nên xem xét sử dụng các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) khi di chuyển hàng hóa xuyên biên giới. Trong đó, đơn giản và sát sườn nhất là vì hàng hóa được miễn/giảm thuế nhập khẩu. Tuy thế, tại sao vẫn có những DN không sử dụng ưu đãi FTA khi xuất khẩu?

Thay vì phải trả mức thuế suất thông thường khi đưa hàng hóa vào một nước, sản phẩm nhập khẩu từ những nước cùng trong một FTA có thể được hưởng mức thuế suất ưu đãi rất thấp hoặc bằng không.

Chẳng hạn như hầu hết các loại hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước ASEAN sẽ được miễn thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). FTA cho phép các nước thành viên tiếp cận thị trường của nhau dưới hình thức cắt giảm thuế và các hàng rào thương mại khác. Đồng thời FTA thường có những yêu cầu khá phức tạp gắn với quyền được hưởng các ưu đãi.

Tuy vậy, để được hưởng ưu đãi thương mại, hàng hóa giao dịch trong khu vực FTA nhìn chung phải đáp ứng các quy tắc về xuất xứ. Vì thế, điều quan trọng trước khi một doanh nghiệp (DN) cố gắng tận dụng những lợi ích của FTA là họ cần nắm vững những rủi ro cũng như những lợi ích mà một FTA có thể mang lại.

Lý giải nguyên nhân DN “ngại” sử dụng FTA?

Vì sao nhiều DN không sử dụng các FTA trong khi các FTA có thể mang lại ưu thế lớn về thương mại? Phải chăng chỉ vì họ không biết đến chúng? Lo ngại của các DN khi sử dụng các FTA là gì?

Ngoài lý do trước tiên rất đơn giản là nhiều khi các DN không hề biết tới sự tồn tại của các ưu đãi FTA, thì một nguyên nhân trái ngược với điều đó chính là vì tính phức tạp và số lượng lớn các quy tắc của các FTA mà các DN phải tuân thủ. Chỉ những sản phẩm đủ tiêu chuẩn mới có thể được hưởng các mức thuế suất ưu đãi của FTA. Nhưng làm thế nào để xác định một sản phẩm đủ tiêu chuẩn? Khó đưa ra một câu trả lời ngắn gọn. Tuy thế, về cơ bản, chỉ những sản phẩm đáp ứng các quy tắc xuất xứ của một FTA mới có thể hưởng các mức thuế suất ưu đãi của FTA đó.

Tiếp theo, tùy vào nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu thuộc quốc gia nào mà FTA nào được áp dụng. Các DN xuất khẩu sản phẩm sang những nước khác nhau phải hiểu rõ và tuân thủ những quy tắc này. Lấy ví dụ, một sản phẩm làm ra ở Việt Nam và đủ điều kiện “có xuất xứ Việt Nam” theo ATIGA có thể được hưởng thuế suất bằng không, hoặc ít ra là thấp hơn mức thông thường, khi xuất sang các nước ASEAN.

Tuy nhiên, cũng sản phẩm đó khi xuất sang Chi-lê, cho dù FTA giữa Việt Nam và Chi-lê đã ký và có hiệu lực, không có nghĩa là sản phẩm đó sẽ mặc nhiên được hưởng thuế suất ưu đãi theo FTA Việt Nam – Chi-lê. Là vì sản phẩm đó tuy đáp ứng các quy tắc xuất xứ của ATIGA nhưng chưa chắc đã đáp ứng các quy tắc xuất xứ theo quy định của FTA Việt Nam – Chi-lê.

Một lý do nữa khiến các DN không dùng ưu đãi của một FTA có thể là do tương quan giữa chi phí và lợi ích. Cơ quan hải quan ở nước nhập khẩu chỉ áp dụng mức thuế suất ưu đãi nếu hàng hóa đi kèm với một Giấy chứng nhận xuất xứ (CO) cho biết nước xuất xứ của sản phẩm. CO lúc này đóng vai trò như một quyển “hộ chiếu” cho hàng hóa.

Để có được CO này, nhà sản xuất hay nhà xuất khẩu phải đảm bảo hàng hóa của họ đáp ứng các quy tắc xuất xứ phức tạp, chuẩn bị sẵn và lưu giữ các chứng từ liên quan và xuất trình kèm theo đơn đề nghị được cấp chứng nhận xuất xứ với cơ quan cấp CO ở nước xuất khẩu.

Trong nhiều trường hợp, nhà xuất khẩu sau khi phải thực hiện nhiều việc để có được CO phù hợp yêu cầu của FTA lại không được hưởng khoản tiền tiết kiệm được từ thuế nhập khẩu, mà người hưởng lợi lại là nhà nhập khẩu. Nếu nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu có quan hệ sâu, điều này không phải vấn đề. Nhưng nếu giữa bên xuất khẩu và bên nhập khẩu không có mối quan hệ lâu dài, điều này có thể trở thành chuyện khó xử lý do người bán hàng trên thực tế phải làm mọi việc nhưng lại không có lợi gì. Tuy lợi ích của người xuất khẩu là bán được hàng, nhưng nếu đơn hàng quy mô nhỏ thì không đủ thuyết phục để họ cất công và chịu chi phí thực hiện các công đoạn xin CO phức tạp phù hợp với yêu cầu của một FTA.

80% DN xuất khẩu được khảo sát tại Việt Nam nói rằng việc sử dụng các FTA giúp cải thiện hoạt động giao thương và tạo nên nhiều cơ hội đầu tư mới.

Các DN cũng có thể quyết định không sử dụng các FTA do những phiền toái gắn với việc sử dụng chúng. Nhà nhập khẩu tuy tiết kiệm được thuế nhưng cũng phải chấp nhận một số rủi ro. Vì cơ quan hải quan cho phép các nhà nhập khẩu thông quan và áp dụng các mức thuế thấp hoặc bằng không, họ cần đảm bảo hàng hóa trên thực tế phải đáp ứng và tuân thủ các nguyên tắc của FTA.

Điều này có thể thực hiện tại thời điểm mở tờ khai hải quan hoặc về sau (thậm chí sau một vài năm), chẳng hạn như khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm toán sau thông quan. Những rắc rối của DN với cơ quan hải quan có thể chỉ là những chuyện nhỏ – ví dụ như lỗi chính tả, hay một vài ô nào đó không được tích vào trên tờ CO – cho tới những vấn đề phức tạp, chẳng hạn như khai sai xuất xứ hoặc có những cách diễn giải/cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan quản lý xuất khẩu và nhập khẩu.

Những rắc rối này có thể làm chậm trễ việc DN được nhận ưu đãi thuế hay thậm chí tệ hại hơn là rủi ro mất quyền được hưởng ưu đãi, bị truy thu thuế, bị áp dụng các khoản phạt...

Thay lời kết

Kết quả công bố hôm 7/8/2014 của một khảo sát do EIU (nhóm nghiên cứu của báo The Economist) thực hiện tổng hợp ý kiến của các nhà lãnh đạo cao cấp của 800 Cty tại Australia, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam (khoảng 80% các DN tham gia khảo sát có doanh thu từ 50-150 triệu USD/năm, 20% còn lại có doanh thu trên 150 triệu USD) cho thấy:

Trong các nền kinh tế nói trên, Việt Nam đứng thứ hai về tỷ lệ tận dụng cao các FTA, 37% (sau Indonesia). FTA được các DN Việt Nam tận dụng nhiều nhất là AFTA (FTA nội khối giữa các nước ASEAN) và ít nhất là AANZFTA (FTA giữa ASEAN với Australia và New Zealand). Khoảng 80% DN xuất khẩu được khảo sát tại Việt Nam nói rằng việc sử dụng các FTA giúp cải thiện hoạt động giao thương và tạo nên nhiều cơ hội đầu tư mới. Về những nguyên nhân gây hạn chế sử dụng FTA cho dù DN đã biết đến các hiệp định này, có tới 52% DN Việt Nam được hỏi cho biết đó là do các điều khoản của FTA quá phức tạp, 40% cho rằng do quy mô thị trường kém hấp dẫn và 38% cho biết vì lợi ích không đủ bù đắp khó khăn khi sử dụng.

Khoản chi phí tiết kiệm được nhờ không phải nộp (hoặc nộp rất ít) thuế nhập khẩu lớn hơn những phiền toái hay gánh nặng phải tuân thủ các quy định của FTA đối với các DN. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp mức thuế suất thông thường đối với hàng hóa cao hơn đáng kể so với mức thuế suất FTA ưu đãi. Nghĩa là việc tận dụng các FTA nhìn chung luôn có lợi cho các DN, ít nhất là trên khía cạnh thương mại.

Vì thế, nếu các DN đang sử dụng hoặc quyết định sẽ sử dụng các FTA, điều quan trọng là cần phải có kế hoạch đáp ứng các yêu cầu xuất xứ nhằm giảm thiểu các vấn đề về bất tuân thủ hiệp định cũng như tránh những rắc rối không đáng có với cơ quan hải quan. Tận dụng các ưu đãi FTA cũng là một phương án thay thế tốt cho các DN không thể hoặc không muốn dùng các cơ chế miễn/giảm thuế khác – như chương trình hoàn thuế hay miễn thuế của chính sách thu hút đầu tư, vì những đòi hỏi phức tạp của các cơ chế hay quy trình này.

* Cho đến nay, Việt Nam đã ký các hiệp định song phương như Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Chi-lê.Hiệp định đa phương là những thỏa thuận đàm phán giữa ba quốc gia hoặc nhiều hơn.

* Việt Nam cùng ASEAN đang thực hiện nhiều FTA đa phương như: nội khối ASEAN (AFTA), ASEAN – Ấn Độ (AIFTA), ASEAN – Australia – New Zealand (AANZFTA), ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), ASEAN – Nhật Bản (AJFTA), ASEAN – Trung Quốc (ACFTA).

* Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán các FTA đa phương như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tham gia cùng ASEAN đàm phán với EU, với Hồng Kông, và với 6 đối tác (RCEP hay ASEAN+6). Đồng thời, Việt Nam cũng đang đàm phán FTA song phương với một số đối tác như: với EU (EVFTA), với Liên minh hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan (VCUFTA), với khối EFTA (VN-EFTA FTA), và với Hàn Quốc.


>> Doanh nghiệp xin hải quan thôi ưu tiên

Theo ThSThái Sơn
Văn phòng Ủy ban quốc gia hợp tác
kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương


thunm

Báo Công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên