MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp nợ BHXH: Chỉ bị phạt tiền thôi thì... không sợ!

10-08-2015 - 12:19 PM | Doanh nghiệp

Giao quyền khởi kiện doanh nghiệp (DN) nợ BHXH cho công đoàn (CĐ) và CĐ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản DN, tuy nhiên luật chỉ mới giao thôi chứ không có cơ chế thực hiện hay tình trạng DN nợ BHXH ngày càng tăng có nguyên nhân pháp luật chưa nghiêm…

Thiếu cơ chế để công đoàn kiện doanh nghiệp

Theo khoản 7, Điều 10, Luật BHXH 2014, Bộ LĐTBXH sẽ trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động (NLĐ). Ông Nguyễn Đăng Tiến - Phó Giám đốc BHXH TPHCM - đặt câu hỏi: “Chủ DN bỏ trốn có phải là trường hợp khẩn cấp không? Nếu Bộ LĐTBXH kiến nghị Chính phủ thì mất bao lâu mới có quyết định biện pháp xử lý khi mà quá 3 tháng thì NLĐ sẽ trễ hạn đăng ký bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)?”.

Ông Lê Thành Nhơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho rằng: Hiện nay, tình trạng DN nợ BHXH, nợ lương, bỏ trốn tràn lan, không chỉ NLĐ chịu thiệt mà ngân sách địa phương cũng phải gánh. “Trong khi nghị định của Chính phủ quy định, khi chủ DN bỏ trốn, địa phương sẽ trích ngân sách trả lương. Còn BHXH thì không có quy định, BHXH muốn đòi thì phải kiện nhưng thi hành án thì khó trăm bề, coi như mất trắng. NLĐ muốn được hưởng BHTN thì phải có quyết định chấm dứt HĐLĐ của chủ DN, mà chủ đã bỏ trốn thì ai ra quyết định? Cơ quan quản lý Nhà nước phải có ý kiến về việc này” - ông Nhơn nhấn mạnh.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng cho rằng, Điều 14, Luật BHXH 2014 quy định, tổ chức CĐ sẽ “khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ theo quy định tại khoản 8, Điều 10 của Luật CĐ” là khó thực hiện. Theo ông Nguyễn Đăng Tiến, chính cơ quan BHXH nắm rõ tình trạng đóng BHXH của DN mà kiện DN nợ BHXH cũng chỉ thu hồi được 10 - 20%, trong khi CĐ “tay không”, CĐ dựa vào đâu để kiện?

Theo ông Lê Thành Nhơn, pháp luật hiện nay còn trống ở cơ chế quản lý DN sang nhượng, đơn cử như Cty Diễn Viên và Liêm Trinh ở Bình Dương đã âm thầm sang nhượng, trong khi cục nợ BHXH hơn 12 tỉ đồng không ai nhận khiến hàng ngàn LĐ mất quyền lợi. “Dựa vào cả luật phá sản cũ và mới thì Việt Nam chẳng có DN nào phá sản. Luật lại giao cho tổ chức CĐ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản DN nhưng chỉ mới nói giao thôi chứ không có cơ chế thực hiện!” - ông Nhơn nói.

Luật chưa nghiêm thì bàn nhiều cũng vậy!

“Với hình thức phạt tiền như hiện nay, tình trạng chiếm đóng BHXH sẽ tiếp diễn. Luật cho phép DN thu phần tiền BHXH của NLĐ rồi đóng cho cơ quan BHXH nhưng DN lại chiếm dụng. Vậy hành vi này là hành vi gì? Cần làm rõ để đưa vào Luật Hình sự. Chúng ta đã bàn về nợ BHXH từ năm 2006, nhưng nợ càng ngày càng tăng. Luật pháp phải nghiêm để tất cả các đối tượng mà luật điều chỉnh phải chấp hành. Nếu luật chưa nghiêm thì bàn nhiều cũng vậy” - ông Nguyễn Đăng Tiến nói.

Đối với kiến nghị đưa tội danh trốn đóng BHXH vào Bộ luật Hình sự, các ý kiến cho rằng: “Cần phải làm tới nơi tới chốn, chứ không phải lấy việc xử lý hình sự ra làm “ngáo ộp” để dọa DN”. Theo TS Đỗ Ngân Bình (Đại học Luật Hà Nội), để tăng tính răn đe đối với hành vi trốn đóng BHXH nên tăng hình phạt cho pháp nhân chứ không phải là phạt tiền như hiện nay. “Khi DN đã trốn đóng, nợ BHXH thì đã không có tiền mà còn phạt tiền thì có hợp lý không? Cần bổ sung các biện pháp khác như tước quyền sử dụng giấy phép, cấm kinh doanh, không được huy động vốn… Như vậy mới đảm bảo tính răn đe” - bà Bình kiến nghị.

Theo LÊ TUYẾT

Lao động

Trở lên trên