MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp “quên” niêm yết cổ phiếu

26-08-2014 - 10:43 AM | Doanh nghiệp

Các doanh nghiệp (DN) đã trở thành công ty đại chúng, hội đủ điều kiện cần thiết thì phải niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Quy định rõ ràng là vậy, song việc niêm yết cổ phiếu lại phụ thuộc quyết định của nhóm cổ đông nắm quyền chi phối trong DN.

Có một thực tế khá phổ biến là nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cổ phần hóa (CPH) tới 3 -4 năm, thậm chí chục năm rồi vẫn chưa niêm yết cổ phiếu lên sàn. Tâm lý ngại niêm yết có thể thấy ở các DNNN kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ triền miên nên không đủ điều kiện lên sàn. Ngay cả DN có tiếng làm ăn có lãi, cổ tức cao cũng “ngại” niêm yết cổ phiếu vì nhiều nguyên nhân, phớt lờ những bức xúc của cổ đông, nhà đầu tư (NĐT).

Cổ phiếu bị “ngâm”

Ngày 26/8/2014 có lẽ là ngày đáng nhớ nhất của cổ đông Công ty CP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang (mã: DGC) - là DN chuyên sản xuất bột giặt, chất tẩy rửa… Bởi họ đã phải chờ đợi tới 11 năm, kể từ khi CPH (năm 2003) để cổ phiếu DGC chính thức được niêm yết ở Sở GDCK Hà Nội - HNX, với số lượng 33,5 triệu cổ phiếu (tương ứng vốn điều lệ 335 tỷ đồng). Giá trị sổ sách của cổ phiếu DGC đạt ở mức 18.700 đồng/cổ phiếu (tại thời điểm 31/12/2013).

Nhưng cũng chừng ấy thời gian, nhiều cổ đông, NĐT đã phải canh cánh nỗi lo rủi ro, thiệt hại khi cổ phiếu DGC chỉ được mua bán hạn chế trên thị trường tự do (sàn OTC). Và việc công bố thông tin của DN, minh bạch tài chính, giá trị cổ phiếu, thanh khoản… cũng bị hạn chế hơn hẳn so với cổ phiếu của DN đã niêm yết khác.

Kết quả kinh doanh của Công ty Đức Giang trong 2 năm gần đây khá tốt. Cụ thể, năm 2012 - 2013, lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 214 tỷ đồng và 189 tỷ đồng, chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 47% và 35%.

DN này cũng chơi trội khi liên tục trả cổ tức cao tới 62% (năm 2012), 38% (năm 2013). Tuy vậy, trong giai đoạn 2014 - 2018, mục tiêu lợi nhuận đưa ra khá khiêm tốn, chỉ khoảng 140 - 200 tỷ đồng, tức giảm 6 - 26% so với mức hiện tại, cổ tức giảm xuống 25%.

Trong khi đó, cổ đông của Tổng Công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam (VEIC) hiện chưa rõ khi nào cổ phiếu sẽ được niêm yết, dù đã CPH từ năm 2006 (vốn điều lệ là 438 tỷ đồng).


Đầu tư cổ phiếu chưa lên sàn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Kế hoạch niêm yết cổ phiếu của Công ty Vinaxed - chuyên kinh doanh lĩnh vực quảng cáo, tổ chức sự kiện cũng đã bị “ngâm” quá lâu. Và, yếu tố “thời điểm thị trường chưa thuận lợi” luôn được lãnh đạo công ty dẫn ra làm nguyên nhân cho việc chưa niêm yết này.

Và gánh rủi ro!

Theo đuổi những cổ phiếu chưa niêm yết và tiềm năng tăng giá trong tương lai, anh Chu Nam (NĐT ở Hà Nội) đã từng hi vọng sẽ kiếm lời lớn. Hàng chục mã cổ phiếu của các DNNN sau CPH được anh mua từ thời đấu giá, như Vinaxed, Dệt Phong Phú, VEIC… Hơn 3 năm qua, TTCK suy giảm cũng là quãng thời gian anh Nam thất vọng với kế hoạch đầu tư cổ phiếu chưa lên sàn.

“Những cổ phiếu chưa niêm yết có tính thanh khoản rất thấp hoặc không có giao dịch, khiến NĐT, cổ đông bị “kẹt chân” không thể chuyển nhượng để rút vốn được. Hơn nữa, có DN trả cổ tức, có nơi không với tỷ lệ thấp hơn cả lãi suất ngân hàng. Chưa kể, cổ đông bị nợ đọng cổ tức nhiều năm liền”, anh Nam than vãn.

Nhưng, theo anh Nam, điều đáng trách nhất là một số DN chưa niêm yết có thái độ coi thường quyền lợi cổ đông, thể hiện ở sự không tuân thủ công bố thông tin (báo cáo tài chính, hoạt động đầu tư…), tổ chức ĐHCĐ theo kiểu “làm cho có”, vi phạm quy trình, thủ tục đại hội, ngăn cản cổ đông phát biểu hay phớt lờ các kiến nghị… Những điều này sẽ gây thiệt hại, bức xúc cho cổ đông, dẫn tới những cuộc kiện cáo ầm ĩ diễn ra thời gian qua ở nhiều DN.

Một cổ đông sở hữu 2 mã cổ phiếu chưa niêm yết cho biết: “Quy định là DN phải niêm yết cổ phiếu sau 1 năm CPH, nhưng họ không niêm yết thì chúng tôi cũng đành chịu, vì cũng chẳng ai xử phạt việc chậm niêm yết cả”. Mặc dù, cổ đông đã kiến nghị, thậm chí chỉ trích gay gắt ở ĐHCĐ, nhưng lần nào HĐQT cũng ậm ừ, hứa hẹn chọn thời điểm có lợi để lên sàn…

Đầu tư cổ phiếu chưa lên sàn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng những rủi ro đến từ chính DN với sự quản trị yếu kém, thiếu sự giám sát, làm ăn bết bát, đặc biệt là bị chi phối bởi nhóm cổ đông lớn thì quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ cũng bị bỏ quên luôn!

>> Thanh lọc Doanh nghiệp niêm yết

Theo Thu Hằng

thunm

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên