MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp vận tải bức xúc khi bị tố “chây ì” giảm giá cước

15-09-2015 - 14:51 PM | Doanh nghiệp

Nói doanh nghiệp vận tải "cố tình chây ì", "móc túi người tiêu dùng" là quá nặng nề. Các cơ quan quản lý nhà nước không nên dùng các biện pháp ép doanh nghiệp phải giảm giá cước vận tải mà nên để tự điều tiết theo cơ chế thị trường.

Đó là những ý kiến được đưa ra bởi một doanh nghiệp vận tải sau hàng loạt thông tin thời gian vừa qua liên quan đến vấn đề tăng, giảm giá cước vận tải trước diễn biến giá xăng dầu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, ông đồng tình với những quan điểm "khách quan", đúng đắn của đại diện doanh nghiệp trên nêu ra.

Cụ thể, theo vị này thực chất từ ngày 21/1/2015 đến 3/9/2015 giá dầu diesel tăng 2 lần và giảm 7 lần bù trừ thì tổng giá dầu diesel chỉ giảm 1.860 đồng chiếm 11,5% chứ không phải chỉ giảm 3.300 đồng/lít như báo đưa tin. Mức nhiên liệu giảm 11,5% với chi phí nhiên liệu chiếm từ 30-40% giá thành vận tải thì tỷ lệ giảm giá vé chỉ từ 3,45 - 4,6%.

"Tuyến vận tải hành khách cố định của các tỉnh chủ yếu có cự ly dưới 100 km giá vé chỉ từ 15.000 - 50.000 đồng thì mức giảm tương ứng từ 300 - 2.000 đồng/vé thì có đáng để các cơ quan truyền thông báo chí sử dụng những ngôn từ “nặng nề” như vậy chụp lên đầu các doanh nghiệp vận tải, thổi phồng sự việc gây bức xúc trong dư luận?", vị đại diện nêu quan điểm.

Cũng theo vị này, hiện nay kinh doanh vận chuyển hành khách tuyến cố định rất khó khăn cung vượt cầu, xe nhiều khách ít phải cạnh tranh khốc liệt, sản lượng hành khách giảm từ 5 - 10%, cả tuần chỉ được 2 ngày thứ 7 và chủ nhật đủ khách còn những ngày giữa tuần chạy xe lượng khách không nổi 50% số ghế thì lấy đâu ra lợi nhuận để tích lũy phát triển.

Ngoài ra, trong lĩnh vực vận tải hành khách theo tuyến cố định, các doanh nghiệp đầu tư phương tiện vận tải giá thành cao gấp 2-3 lần so với các nước trong khu vực đồng thời một số chi phí khác tăng cao như: lương, bảo hiểm xã hội, vật tư sửa chữa, vé cầu đường các tuyến BOT.

Thêm nữa, chỉ số lợi nhuận trong bảng kê khai giá cước của các doanh nghiệp vận tải quá thấp chỉ từ 3-5% thì doanh nghiệp khó có khả năng tái đầu tư phương tiện mới, phục vụ tốt hơn cho hành khách.

"Doanh nghiệp phải tự bươn chải cạnh tranh trong 2 lần tăng giá vừa qua có được tăng giá vé đâu, giá dầu mới giảm hơn 1.800 đồng đã dùng các biện pháp ép doanh nghiệp phải giảm giá cước, như vậy chúng tôi thấy không công bằng", vị này cho hay.

Theo thống kê trước đó, tại 4 bến xe lớn ở Hà Nội là Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm mới có 22/500 doanh nghiệp vận tải giảm giá cước.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết: Hiện nay, mới có 8/200 doanh nghiệp giảm giá vé, hoạt động trên 11 tuyến đường với mức giảm từ 3-17% giá cước.

Đại diện bến xe Nước Ngầm cũng cho biết, đến 11/9 bến xe Nước Ngầm mới có 2/95 doanh nghiệp xin điều chỉnh giảm giá cước vận tải. Với mức giảm nhẹ là 3,23%.

Trong khi bến xe Gia Lâm mới có 2 doanh nghiệp tuyến Hà Nội – Yên Bái điều chỉnh giảm giá vé, mức giảm từ 5-10.000 đồng/chuyến.

Theo TÂM AN

Bizlive

Trở lên trên