MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Doanh nghiệp Việt năng động nhưng thiếu kiên định”

31-01-2015 - 20:07 PM | Doanh nghiệp

Đó là ý kiến của ông Trần Bá Trung – Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam (VACD) tại hội thảo “Đổi mới thể chế quản trị doanh nghiệp - Bài học thực tiễn và giải pháp”.

Tóm tắt:

TS. Hàn Mạnh Tiến: Doanh nghiệp Việt phải nhận thức một cách sâu sắc về vai trò của quản trị để có thể tồn tại và phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh đầy bất trắc và rủi ro.

TS. Trần Bá Trung: Tại Việt Nam nhiều ông chủ doanh nghiệp ngại nhìn thẳng vào các vấn đề quản trị vì đó chính là nhìn thẳng vào chính mình hoặc người tiền nhiệm của mình.

GS. Nguyễn Quang Thái: Kinh tế Việt Nam năm 2014 đang chuyển dần từ “gam màu” tối sang những “gam màu” sáng hơn.


Chiều ngày 30/1, Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam (VACD) tổ chức hội thảo “Đổi mới thể chế quản trị doanh nghiệp - Bài học thực tiễn và giải pháp”. Tại đây, các khách mời, chuyên gia kinh tế và các nhà quản trị doanh nghiệp đã cùng ngồi lại, chia sẻ các vấn đề về quản trị của doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Hàn Mạnh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp phải nhận thức một cách sâu sắc về vai trò của quản trị để có thể tồn tại và phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh đầy bất trắc và rủi ro.

Cụ thể, ông Tiến dẫn chứng, quản trị tốt phải dựa trên một thể chế minh bạch và đủ chặt chẽ, linh hoạt… Một thể chế trong đó quyền lợi của các cổ đông, kể cả các cổ đông nhỏ được bảo vệ. Đặc biệt, thể chế đó phải chăm lo số phận của từng thành viên, các thành viên được tự do sáng tạo, đóng góp nhiều nhất và giá trị vật chất và tinh thần cho doanh nghiệp.

“Thể chế doanh nghiệp quan trọng như vậy nhưng việc đổi mới như thế nào và ai làm lại là một câu hỏi lớn?” – ông Tiến băn khoăn.

Trong khi đó, theo TS. Trần Bá Trung - Phó Chủ tịch VACD, doanh nghiệp là một thực thể phức tạp, ở đó gắn kết mối quan hệ giữa nhiều người, nhiều thành phần, giữa ông chủ và người lao động.

“Doanh nghiệp Việt Nam năng động nhưng thiếu kiên định, hứng khởi nhanh nhưng chóng bi quan, đam mê kì vọng và ngại tính rủi ro, đánh giá tiêu chí không nhất quán, giải quyết khó khăn thiếu đoàn kết” – ông Trung cho biết.

Chính vì những yếu điểm đó, ông Trung cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi tư duy quản trị.  Đổi mới quản trị doanh nghiệp rất khó khăn; tầm nhìn dài hạn và kết cục đổi mới quản trị thường rất khó lường; khó khăn trước mắt rất lớn; yếu tố tầm nhìn, nhiều hệ quả nan giải; cần thời gian lên chiến lược và sách lược; thời gian cho chuyện lớn và chuyện nhỏ…

Tuy nhiên, theo ông Trung, tại Việt Nam nhiều ông chủ doanh nghiệp ngại nhìn thẳng vào các vấn đề quản trị vì đó chính là nhìn thẳng vào chính mình hoặc người tiền nhiệm của mình. Một số ông chủ chưa đủ khả năng và trách nhiệm để nghĩ về thay đổi….

Cũng tại hội thảo, nhận định về tình hình kinh tế VN, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái – Tổng thư ký hội khoa học kinh tế Việt Nam cho biết, kinh tế Việt Nam năm 2014 đang chuyển dần từ “gam màu” tối sang những “gam màu” sáng hơn.

Quý I: Nền kinh tế vẫn trong tình trạng “lo lắng” vì suy giảm nhiều năm, hy vọng từ cam kết trong thông điệp cải cách thể chế.

Quý II: Nền kinh tế “nặng nề” với sự kiện 981, nguồn thu từ du lịch giảm sút.

Quý III: Nền kinh tế “vật vã” vươn lên trong khó khăn, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong nước vẫn gặp khó, trong khi doanh nghiệp FDI tăng trưởng mạnh.

Quý IV: Dường như trời sáng hơn với tăng trưởng cao, giá dầu giảm; xuất khẩu tăng trưởng đáng ngưỡng mộ.

“Doanh nghiệp bất động sản phải biết lượng sức”

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên