Doanh nghiệp với bước tiến mới nhờ biết đổi mới công nghệ
Câu chuyện đổi mới Công nghệ trong sản xuất để phát triển không phải mới, nhưng chưa bao giờ là cũ với các doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt khi đang đối diện với bài toán TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) nhiều thách thức, việc đổi mới công nghệ trong sản xuất để phát triển càng cấp bách hơn bao giờ hết.
Tháng 9/2009, qua 5 năm thành lập, giấc mơ về chiếc ô tô dành cho người Việt của Vinaxuki đã khép lại, để lại nhiều tiếc nuối. Bởi lẽ, khi mặt bằng công nghệ phụ trợ còn hạn chế, khả năng cạnh tranh bằng không, chúng ta chỉ đang đi xây ước mơ cho doanh nghiệp nước ngoài.
Vinaxuki chỉ là bài học nhỏ về công nghệ trong hiện thực vô vàn doanh nghiệp ngừng hoạt động vì thiếu năng lực cạnh tranh dù chưa được thị trường biết đến.
Xét về bối cảnh Việt Nam trong giai đoạn này, đầu tư công nghệ chính là một trong những “phép màu”dẫn đến thành công, mà minh chứng là cú lội ngược dòng ngoạn mục của công ty gốm sứ Minh Long 1.
Chia sẻ trong chương trình “Khởi nghiệp quốc gia - Cánh buồm khởi nghiệp” vừa qua, ông Lý Ngọc Minh – Chủ tịch hội động quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long I cho biết:
“Nhìn vào Minh Long, ai cũng nghĩ là một doanh nghiệp làm thô sơ, nhưng doanh nghiệp chúng tôi đã đầu tư tất cả máy móc thiết bị của Đức. Ai cũng thấy Minh Long đang đứng trên đỉnh vinh quang, không ai nghĩ rằng Minh Long đã đối đầu với một cú sốc tưởng chừng không thể vượt qua”.
“Cú sốc” ông Minh nhắc đến là khả năng đáp ứng nhu cầu “chất lượng cao – giá thành rẻ”. Để có được thành phẩm đạt chuẩn, Minh Long phải duy trì nhiệt độ lò trên 1.380 độ, trong khi đó, các doanh nghiệp thường ở mức 1.320 độ. 60 độ khác biệt tạo ra khó khăn vô cùng lớn bởi khi vượt qua nhiệt độ ngưỡng 1.280 mức nhiên liệu phải tiêu tốn gấp đôi.
Giữa lúc đối mặt với bài toán chi phí và chất lượng đầy khó khăn, ông Minh và Ban lãnh đạo quyết định đánh một canh bạc lớn mang tên: “Áp dụng công nghệ tiên tiến nhất vào trong quá trình sản xuất”. Ông Minh trăn trở:
“Công nghệ đốt một lần trên nhiệt độ cao, cho ra thành phẩm chất lượng châu Âu là vô cùng khó. Vậy Minh Long I muốn đốt một lần để bỏ bớt công đoạn, giảm chi phí lại khó đến nhường nào. Chúng tôi không có nơi nào tham khảo học hỏi nhưng vẫn quyết định phải đánh canh bạc này. Bởi chúng tôi không có cách khác!”
Sau 8 năm miệt mài nghiên cứu, cuối cùng Minh Long I đã thành công đưa công nghệ mới vào sản xuất. Năng suất của công ty tăng gấp đôi, đạt 120.000 sản phẩm/ngày, thời gian sản xuất giảm xuống ba lần chỉ còn 3 ngày, thành phẩm loại 1 đạt mức 80%. So sánh về độ trắng, sáng, cứng, sốc nhiệt, gốm sứ Minh Long I không thua kém các thương hiệu hàng đầu như Noritake (Nhật Bản); Rosenthal Porcelain (Đức); Copenhagen (Bắc Âu).
Đối với Minh Long I công nghệ không chỉ dừng lại ở vấn đề máy móc, thiết bị tối tân nhất mà nó còn bao gồm cả công nghệ pha màu, phối nguyên liệu… trong các tác phẩm mỹ thuật đơn cữ như tượng linh vật kỳ lân tám màu – giúp xua đuổi tà ma, hóa giải tam sát và mang đến điềm lành. Chế tác tỷ mỉ bằng những vật liệu quý, nung ở điều kiện nhiệt độ cao mà không hề có dấu hiệu bất ổn nào bởi sự co rút, tượng kỳ lân đóng góp vào tác phẩm gốm sứ mỹ nghệ có một không hai bởi sự đẳng cấp và giá trị văn hóa tâm linh
Tổng kết năm tài chính 2015, Minh Long I đón nhận niềm vui lớn khi sản phẩm áp dụng công nghệ mới được thị trường đón nhận tích cực mang về doanh số tăng gấp 2,2 lần so với năm 2010 và đạt mức trên tăng trưởng 20,9%, cao nhất trong 6 năm trở lại đây.
Thực tiễn đã chứng minh, nhờ quyết liệt trong đầu tư và nghiên cứu công nghệ mới, qua 45 năm thành lập và phát triển, Minh Long I không những trở thành đơn vị dẫn đầu ngành gốm sứ Việt Nam mà còn là một trong số ít thương hiệu Việt Nam thành công trên thị trường quốc tế.
Bày tỏ trước câu chuyện “Đặt cược vào công nghệ” của ông Lý Ngọc Minh, nhà báo Tạ Bích Loan không kiềm được cảm xúc:
“Ông Lý Ngọc Minh đã chia sẻ một câu chuyện mà tôi và mọi người không thể nghĩ tới. Như vậy cuối cùng vẫn phải là cải tiến công nghệ. Không chỉ là mô hình khác mà những doanh nghiệp truyền thống cũng phải cải tiến công nghệ thường xuyên.”
Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, trình độ công nghệ của Việt Nam hiện nay đang xếp hạng 99/144 quốc gia được khảo sát. Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới công nghệ trong sản xuất, đồng thời cần được quan tâm tạo điều kiện từ phía Nhà nước.
Giống Việt Nam ở quy mô nhỏ, nhưng Israel lại trở thành đất nước đứng đầu thế giới về công nghệ, sáng kiến. Đó là nhờ tinh thần càng nhiều khó khăn thì càng nhiều sáng tạo, chấp nhận rủi ro, dùng công nghệ để thích nghi và phát triển.
Xin kết lại câu chuyện công nghệ bằng quan điểm của Nhà kinh tế Phạm Chi Lan với ước vọng quốc gia khởi nghiệp trong tình hình hiện nay:
“Toàn cầu hóa đang đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia. Việt Nam đang đứng trước thời đại hoặc là bừng tỉnh mà bứt phá hoặc mãi chìm trong tụt hậu. Đã đến lúc cần thay đổi để đi tới. Việt Nam cần phải có những ngành kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ tốt hơn nếu thực sự muốn vươn lên”.