MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nhân – Nhà báo: Xung đột và hợp tác

18-06-2015 - 11:54 AM | Doanh nghiệp

Doanh nhân hay nhà báo, ai cũng mang trong mình những sứ mệnh cao đẹp cùng với trách nhiệm nặng nề và đầy áp lực để hoàn thành sứ mệnh ấy. Mối duyên đồng hành của họ sẽ mãi là đề tài muôn thuở, cũng như tiếp thêm lửa cho tình yêu nghề.

Một câu chuyện muôn thuở khi doanh nhân nói về nhà báo. Thú vị đây. Doanh nhân thì rất ngại nhà báo, ngại họ biết sâu về công việc, dù làm tốt hay…chưa tốt, dù có “phốt” hay không. Nhắc đến nhà báo là doanh nhân lại: “Chẹp chẹp, hỗn độn quá, thông tin giờ không biết thế nào, tránh xa cho lành…”. Nhà báo thì lắc đầu: “Chả hiểu các bác ấy làm ăn ra sao, lướt và chém thì siêu, nhưng lùm xùm lắm. Lúc lên voi lúc xuống…ruộng. Nói động đến thì giãy lên…”

Thế nhưng, chẳng ai có thể phủ nhận được rằng, doanh nhân - nhà báo lại có một “mối tình” vô cùng…thắm thiết bao lâu nay. Suy cho cùng, đó là một mối quan hệ vừa thân tình, vừa thâm tình. Tại sao không? Ai có thể phủ nhận được rằng hầu như tất cả các doanh nhân sẽ bắt đầu một ngày làm việc của mình bằng việc lướt web, đọc báo, xem tin…, và kết thúc một ngày cũng như vậy. Do đó có thể nói rằng báo chí chính là một “người tình” thân thiết từ “vươn thở đến tiếng thơ” của doanh nhân mỗi ngày. Còn doanh nghiệp - doanh nhân, đó luôn là đề tài nóng hổi, hấp dẫn và khơi nguồn cảm hứng cho các nhà báo trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hội nhập đầy biến động và thách thức này.

Vậy tại sao, “mối tình” ấy là nhiều lúc cơm không lành canh không ngọt, dẫn điến việc doanh nhân và nhà báo có cái nhìn thiếu thiện chí về nhau?

Nếu xét từ cái nhìn của doanh nhân thì họ cho rằng sứ mệnh tồn tại của các doanh nghiệp đa phần là tốt đẹp. Nếu có những việc làm gọi là chưa đúng, thì báo chí cần phải phân tích và đưa ra những thông tin khách quan, đa chiều và xác đáng. Nếu không tìm hiểu kĩ thông tin hoặc có đủ hiểu biết sâu về lĩnh vực mình đang viết, các nhà báo có thể làm tổn hại rất lớn đến thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp, thậm chí là làm kết thúc sinh mệnh của một doanh nghiệp. Cũng có những trường hợp, trong cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt trên thương trường, doanh nghiệp này mượn tay báo chí để truyền bá những thông tin bất lợi của doanh nghiệp kia, và ở đây, thứ quyền lực báo chí mà người ta gọi là “quyền lực thứ tư” đã phát huy tác dụng vô cùng mạnh mẽ khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng.

Doanh nhân cũng đang cho rằng, các cây bút kinh tế - tài chính - ngân hàng, đặc biệt là trên các bảo điện tử hiện nay đa phần là các cây bút trẻ và sắc sảo. Họ rất nhiệt tình, năng động, ham học hỏi, nhưng đôi khi hấp tấp, nóng vội, dễ bị hấp dẫn bởi các thông tin trái chiều, tiêu cực vì rõ ràng đây là những đề tài ăn khách. Trong khi các cây bút này lại chưa nắm rõ thông tin hoặc chưa có đủ kiến thức phản biện, nên đã vội viết và quy kết. Có một số phóng viên chưa hiểu, chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng, vai trò của các doanh nhân trong thời kỳ mở cửa, đặc biệt là các chủ doanh nghiệp ngoài quốc doanh mà người ta hay gọi là “đại gia” nên đôi khi có cái nhìn thiếu tích cực và thiện chí với những người mà Đảng và nhà nước đã công nhận là “Người lính trên mặt trận kinh tế”. Có doanh nhân than thở rằng “Khi đọc báo, tôi thực sự không còn nhận ra mình”, mặc dù đây là một tờ báo chính thống…

Câu chuyện than thở của các doanh nhân đối với báo chí còn dài lắm, nếu như có thời gian trà dư tửu hậu. Nhưng hãy nghe các nhà báo nói gì về doanh nhân. Các doanh nghiệp trong mối quan hệ với báo chí thì cũng nên sòng phẳng chứ. Khi cần PR, khuếch trương cho doanh nghiệp thì ai cũng thấy tầm quan trọng của báo chí. Nhà báo được doanh nghiệp niềm nở mời chào, đưa rước. Còn khi các nhà báo đưa ra các thông tin phản biện về doanh nghiệp thì doanh nghiệp thường phản ứng tiêu cực và thiếu hợp tác. Ví dụ như khi “có chuyện”, “có động” thì nhà báo rất khó để có thể phỏng vấn được các vị lãnh đạo cao cấp  hay ban điều hành vì họ thường tránh mặt, cũng như rất khó để lấy thông tin vì doanh nghiệp thường từ chối không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin muộn.

Doanh nghiệp hay có một động tác quen thuộc là tìm mọi cách gỡ bài gây bất lợi cho doanh nghiệp mình xuống hơn là chủ động đính chính và chia sẻ cởi mở với báo chí để có các bài viết ủng hộ doanh nghiệp, cải đăng đối với những thông tin chưa chuẩn xác. Doanh nghiệp cũng nên hiểu rằng, ngoài chức năng ngợi ca, nêu gương người tốt việc tốt, thì báo chí còn có chức năng phản biện, hạn chế, chấn chỉnh, thậm chí là vạch trần những tiêu cực của doanh nghiệp. Do đó xung đột giữa doanh nghiệp và báo chí sẽ xảy ra khi doanh nghiệp có những hành động trái quy định, trái pháp luật và điều này là khó tránh khỏi. Còn công lao của báo chí đối với doanh nghiệp ư, phải chăng trong suốt một thời gian qua, báo chí cũng bền bỉ tiếp lửa cho doanh nghiệp để vượt qua khủng hoảng kinh tế bằng những bài viết khách quan, mạch lạc, thông tin đầy đủ, đa chiều, tấn công đến cả tầng cao của cơ chế chính sách, giúp doanh nghiệp nguồn tham chiếu bổ ích và vững bước tiến lên.

Vậy có thể kết luận, “tình nghĩa” giữa doanh nhân - nhà báo sẽ không bao giờ kết thúc được. Muốn cho “tình thêm nồng”, “nghĩa thêm sâu”, cả hai bên đều cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp trong mối quan hệ đồng hành này và xây dựng những cơ chế đối thoại cởi mở thông qua các câu lạc bộ, diễn đàn hoặc khi có cơ hội tiếp xúc tương tác. Các cơ quan thông tấn báo chí cần nghiêm ngặt hơn về quy chế tuyển dụng, đào tạo và trang bị kiến thức để xây dựng được một đội ngũ phóng viên và cộng tác viên chắc tay bút, có độ “đầm” nhất định, không ngừng nâng cao hiểu biết chuyên ngành để có các bài viết phân tích sâu sắc và sát thực tế. Ngoài ra, với các đề tài khen ngợi, nêu gương, phóng viên cũng cần viết hay, sắc sảo, nóng hổi như đề tài phản biện bởi với đề tài này thì xem ra các cây bút lại có vẻ “nguội”  hơn. Về phía các doanh nghiệp, cần có những hoạt động gắn kết hơn nữa với báo chí, sẵn sàng chia sẻ cởi mở để giúp cho các phóng viên có được nguồn thông tin xác đáng và bổ ích. Một điều quan trọng nữa là các doanh nghiệp, các Hiệp hội ngành nghề cần giúp cho Hội nhà báo tập huấn cho các cây bút những kiến thức về kinh tế - tài chính, vì đây là mảng còn yếu của các phóng viên. Từ đó, các phóng viên trẻ sẽ có thêm hiểu biết sâu khi viết, để viết sát, viết khách quan, để dẫn dắt dư luận theo hướng đúng đắn và thuận lợi cho cả doanh nghiệp cũng như xã hội trong thời buổi các phương tiện truyền thông đang phát triển ồ ạt, dẫn đến việc nhiễu hay bội thức thông tin này.

Doanh nhân hay nhà báo, ai cũng mang trong mình những sứ mệnh cao đẹp cùng với trách nhiệm nặng nề và đầy áp lực để hoàn thành sứ mệnh ấy. Mối duyên đồng hành của họ sẽ mãi là đề tài muôn thuở, cũng như tiếp thêm lửa cho tình yêu nghề. Dù ở đất nước hay chính thể nào thì họ luôn cần có nhau để phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp mà mỗi người đã trót theo đuổi: Phụng sự xã hội!

An Khanh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên