MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nhân thành đạt bàn về yếu tố khởi nghiệp thành công

10-02-2016 - 20:42 PM | Doanh nghiệp

Suốt năm 2015, cụm từ "startup" (khởi nghiệp) thường xuyên được nhắc tới trong bối cảnh tình hình kinh tế Việt Nam đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực.

Trong 11 tháng đầu năm 2015, cả nước có 86.853 doanh nghiệp (DN) được thành lập với tổng số vốn đăng ký là 538.671 tỷ đồng, tăng 28,12% về số lượng và 37,66% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài yếu tố thuận lợi về thị trường, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam còn tăng cao nhờ các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp khá cởi mở. Đơn cử như nguồn quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của UBND TP.HCM tính đến những ngày cuối năm đã cho được gần 50 dự án khởi nghiệp vay vốn.

Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận, số DN chấm dứt hoạt động kinh doanh trong 11 tháng đầu năm 2015 của cả nước cũng là 8.468, chưa kể đến số DN chưa hoàn tất thủ tục giải thể. Sự khốc liệt chưa bao giờ thôi hiện diện trên con đường làm giàu.

Đã có một thị trường cởi mở, đã có sự hỗ trợ lớn từ chính sách, công nghệ..., người khởi nghiệp cần thêm điều gì để thực hiện những dự án của mình? Câu trả lời của những gương mặt không mới nhưng lại trẻ của kinh tế Việt Nam dành cho những người khởi nghiệp rất đáng trân trọng.

Kiên định với mục tiêu (Ông Trần Vinh Dự, CEO Công ty TNK Capital Partner, Chủ tịch Trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ VATC)

Khi quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, tôi không nghĩ những khó khăn mình phải đối mặt lại liên quan chủ yếu đến cơ chế quản lý nhiều đến vậy.

Để có thể bước vào con đường này, tôi cùng các đồng sáng lập ngoài đầu tư cơ sở vật chất kỹ lưỡng còn phải mất một năm thuyết phục Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chịu dành thời gian nghe chúng tôi trình bày dự án của mình. Sau đó đến lượt các cơ quan quản lý thảo luận, thẩm định các chương trình chúng tôi ứng dụng...

Cả nhóm dốc tiền đầu tư cả 10 tỷ đồng, vậy mà trong 2 năm rưỡi không có đến một đồng doanh thu. Chúng tôi phải liên tục "bơm" thêm tiền đầu tư, có những lúc cực kỳ chán nản, cả nhóm cùng ngồi lại với nhau, mổ xẻ lại dự án của mình xem đúng, sai chỗ nào, cần thêm cái gì, sửa cái gì... Sau khi tổng hợp tất cả các yếu tố lại, chúng tôi quyết định tiếp tục kiên định với con đường đã chọn, và rất may là đã trụ lại được trong giai đoạn khó khăn ấy. Đến năm thứ 3, VATC bắt đầu có doanh thu và hiện doanh thu của chúng tôi khá tốt.

Câu chuyện khởi nghiệp của VATC, đến nay, chính bản thân những người sáng lập vẫn thấy không dễ dàng chút nào. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang là môi trường tốt cho khởi nghiệp, nhưng không phải vậy. Khởi nghiệp ở Việt Nam cũng như bất cứ nơi nào đều rất khó. Bước qua khó khăn, tôi nghiệm ra, chìa khóa của khởi nghiệp là lòng kiên trì.

Nếu đã làm tốt tất cả mọi thứ mà thành công chưa đến thì phải kiên trì hơn một chút, quyết tâm hơn một chút, rồi thành công sẽ đến. Nhiều người vẫn nhớ chuyện khởi nghiệp của Steve Wozniak, đồng sáng lập Apple. Ông ấy là người cùng Steve Jobs làm nên chiếc máy tính đầu tiên của Apple. Họ cùng nhau đi thuyết phục nhà đầu tư nhưng phải rất lâu sau đó mới gặp được người nhìn ra tiềm năng công việc họ làm, từ đó mới có tiền sản xuất máy.

Những người khởi nghiệp phần lớn là ít vốn, các bạn phải đảm bảo DN của mình "sống" được để đợi doanh thu, có thể trong vòng 3 - 4 năm. Trong điều kiện quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam chưa có nhiều và chỉ đang tập trung vào khối công nghệ thông tin, thì việc tìm đến các nhà đầu tư cá nhân sẽ giúp mang đến cơ hội.

Có dịp trao đổi với những người đang chuẩn bị khởi nghiệp mới thấy, những bạn trẻ khát vốn lại thường chẳng chuẩn bị gì nhiều khi đi gọi vốn. Thực chất, việc huy động vốn là bán hàng, mà là bán hàng mình chưa có. Nếu chưa chuẩn bị tốt thì rõ ràng khó mong bán được hàng. Tôi nghĩ, các bạn trẻ đừng nên kỳ vọng nhà đầu tư sẽ có cùng kiến thức với mình.

Tất cả đều phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, bởi nhà đầu tư sẽ quan tâm: Có sản phẩm dùng thử không? Có bán hàng được không? Kế hoạch cụ thể sau khi có được cái gật đầu của nhà đầu tư? Trả lời tốt những câu hỏi này chứng tỏ người khởi nghiệp có chuẩn bị, có vạch ra đường đi cho đồng tiền của nhà đầu tư. Lúc đó họ mới dễ dàng chấp thuận.

10 ngàn giờ trải nghiệm (Ông Phạm Đình Nguyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP PhinDeli)

Nếu xét về mặt kinh doanh riêng thì tôi khởi nghiệp khá trễ, nhưng tràn đầy quyết tâm. Đó chính là lý do tôi phải gây chấn động cho giới truyền thông trong nước và quốc tế vào năm 2012 bằng việc trở thành người Việt đầu tiên mua thị trấn Buford của nước Mỹ với giá xấp xỉ 1 triệu USD, trở thành Thị trưởng của thị trấn này. Với tôi, đó cũng chỉ là thương vụ để mua sự nổi tiếng. Kết quả là lại dùng thị trấn ấy để kinh doanh cà phê. Thực sự, ý tưởng kinh doanh ấy cũng đến rất bất ngờ. Tôi nghĩ, ý tưởng đến là một quá trình. Có lẽ, thời gian đi làm đã giúp tôi tích lũy kiến thức, đến thời điểm thì bật ra.

Theo tôi, điều đầu tiên cần có để khởi nghiệp không phải là tiền hay ý tưởng, mà là mình biết mình là ai, khả năng đến đâu... Một người khởi nghiệp cần ít nhất 10 ngàn giờ trải nghiệm với lĩnh vực muốn khởi nghiệp để biết có đam mê thực sự hay không trước khi bắt đầu. Trước khi khởi nghiệp, tôi có thời gian làm việc khá lâu ở nhiều công ty khác nhau, nên khi bước chân vào thương trường với tư cách người khởi nghiệp, nỗi sợ hãi cũng giảm đi rất nhiều.

Tôi không hiểu nhiều về cà phê nhưng lại hiểu nhu cầu thị trường cả ở Việt Nam lẫn Mỹ. Với thị trường cà phê vốn đang nóng thì PhinDeli mới chỉ là em bé 2 tuổi, uống nước gạo để sống, không có chi phí dành cho việc tiếp thị hay quảng bá. Thế nên, PhinDeli phải đi con đường khác: Xuất hiện và bán ở Mỹ trước, sau đó quay ngược về Việt Nam.

Nếu so với thế hệ của tôi, những người khởi nghiệp hiện nay có nền tảng tốt hơn rất nhiều, nhất là khi có sự hỗ trợ của mạng xã hội, của công nghệ số. Nếu các bạn biết tận dụng thì đó sẽ là một lợi thế lớn. Các chuyên gia đã chứng minh, một ý tưởng hay có giá trị 0 đồng. Các bạn trẻ cần phải có những công cụ để hiện thực hóa ý tưởng, cần trải nghiệm đủ sâu và cần cả sự quyết liệt để thực hiện ước mơ của mình. Thực tế, những gương khởi nghiệp thành công không nhiều, hãy làm tất cả những gì có thể để ghi tên mình vào danh sách

Chủ động tốt sẽ hội nhập tốt (Ông Lâm Ngọc Minh, CEO Công ty Nệm mousse Liên Á, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM)

Cuối năm 2015, Việt Nam đã chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Thị trường bây giờ không còn là 90 triệu dân mà là hơn 600 triệu dân và dòng chảy của lao động và dịch chuyển đầu tư trong AEC là điều không tránh khỏi. Các DN trong cùng ngành sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn, như DN chế biến cao su của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các DN cao su của Indonesia...

Báo cáo kết quả về khảo sát thị trường ASEAN 2015 cho thấy, cùng với sự phát triển dân số, số hộ gia đình cũng đang tăng cao, dẫn đến nhu cầu mua sắm cũng cao hơn. Đồng thời, tầng lớp thu nhập cao cũng tăng. Tất cả những điều này làm cho thị trường ASEAN trở nên cực kỳ hấp dẫn trong thời gian tới. Câu hỏi đặt ra là: Liệu những người mới bước vào thương trường có tận dụng được cơ hội này không, hay chỉ là cơ hội lẫn thách thức dành cho những DN đã định danh, đã có bề dày hoạt động?

Câu trả lời là có. Cũng như Việt Nam, người tiêu dùng trong khu vực ASEAN đang chuyển sang mua hàng trực tuyến. Có những quốc gia có đến 75% dân số sử dụng điện thoại di động. Trong điều kiện này, người khởi nghiệp có thể thử sức trong những dịch vụ bán hàng không phải qua kênh phân phối truyền thống, mà là kênh trực tuyến để đón đầu xu thế. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh phải dựa trên thế mạnh riêng của khu vực. Ví dụ như những ngày đầu của Liên Á, chúng tôi đã dựa vào cao su rồi từ đó mới phát triển những sản phẩm cao cấp hơn để phục vụ thị trường trong nước và khu vực.

Với những bạn trẻ không chọn con đường làm thuê thì cơ hội cũng như cạnh tranh sau khi Việt Nam gia nhập AEC không phải là không có, bởi khi đã gia nhập cộng đồng chung thì việc dịch chuyển lao động giữa các quốc gia không còn khó khăn. Thực tế là AEC đang chia làm 2 nhóm. Một là các quốc gia còn chưa phát triển, gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam; nhóm 6 quốc gia còn lại mạnh hơn về tài lực lẫn tiềm lực. Xuất phát điểm này sẽ khiến các bạn trẻ Việt có phần yếu thế hơn. Không dừng lại ở đó, người trẻ Việt cũng đang bị hạn chế về ngoại ngữ so với các quốc gia khác trong khu vực nên khả năng cạnh tranh cũng còn nhiều hạn chế.

Như vậy, có thể thấy, việc lập thân trong thời kỳ mới sẽ không đơn giản nếu các bạn trẻ không biết chuẩn bị từ bây giờ. Cũng cần nhớ rằng, AEC chỉ là một cộng đồng nhỏ, vẫn còn những hiệp định khác lớn hơn chúng ta chưa tham gia. Đã đến lúc các bạn trẻ phải vận động cật lực để có thể trở thành công dân toàn cầu.

Đừng bao giờ bỏ cuộc! (Ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng giám đốc iNet Solutions)

Năm 2006, tôi quyết định từ bỏ lĩnh vực gia công phần mềm, mở công ty để tạo ra một "cái gì đó” cho riêng mình. Với kinh nghiệm làm Giám đốc Kỹ thuật của Harvest Việt Nam, Pyramid Consulting Việt Nam tôi quyết định phát triển sản phẩm xây dựng nền tảng công nghệ dựa trên mã nguồn mở.

Có thể hiểu nôm na đây là việc quy hoạch các phần mềm trong công ty, tương tự như quy hoạch đất đai trong xây dựng. Việc quy hoạch đúng sẽ giúp công ty có thể bổ sung hoặc loại bỏ các phần mềm khi cần mà không tốn nhiều thời gian, chi phí hoặc làm gián đoạn công việc kinh doanh. Quan trọng hơn, khi đã được quy hoạch tốt, hệ thống phần mềm của công ty có thể sử dụng đến 30 năm.

Tôi chọn đối tượng là cơ quan nhà nước để tiếp cận vì đây là nhóm luôn có kế hoạch quy hoạch sẵn các phần mềm sẽ sử dụng. Nếu có lời khuyên dành cho các bạn trong lĩnh vực phần mềm, tôi có ba điều sau muốn chia sẻ. Thứ nhất là đừng lấy việc tay trái nuôi việc tay phải, vì cuối cùng sẽ chẳng đi đến đâu. Thời điểm mới mở công ty, chúng tôi cũng xác định sẽ dùng việc gia công phần mềm để nuôi mục đích xây dựng nền tảng công nghệ. Tuy nhiên, không lâu sau đó, tôi quyết định dừng việc này vì càng làm chúng tôi càng xa rời mục tiêu ban đầu, không thể tập trung vào việc chính khi cứ phải loay hoay giải quyết các việc khác.

Đầu tư vào startup Việt Nam trong năm 2015 Thứ hai là giữ chân được đội ngũ tâm huyết. Việc quyết định phục vụ đối tượng cơ quan nhà nước khiến chúng tôi gần 7 năm không có lợi nhuận, nhiều người trong công ty bắt đầu nản. Khởi đầu với 8 nhân sự, chúng tôi phát triển lên 45 người và cuối cùng chỉ còn lại 7 người. Xác định đây là những nhân sự tâm huyết với iNet Solutions, tôi tiến hành cổ phần hóa Công ty và chia cổ phần dựa trên mức đóng góp của từng cá nhân. Song song đó, tôi tiếp tục bán các tài sản cá nhân để bổ sung nguồn vốn cho Công ty hoạt động. Nhưng quan trọng nhất là giữ vững tinh thần của những người ở lại, đồng thời phải cho họ thấy bản thân người chủ cũng hết mình với lý tưởng đã đề ra.

Và cuối cùng là biết người biết ta. Chúng ta phải liên tục thay đổi chiến lược kinh doanh, iNet Solutions cũng không ngoại lệ. Với nguồn tài chính hạn hẹp, Công ty không thể đeo đuổi các thị trường có tiềm năng lớn nhưng không cùng hệ tư tưởng, mà nhắm vào các thị trường nhỏ hơn nhưng chú trọng vào năng lực của doanh nghiệp cung cấp. Với doanh thu 10 tỷ đồng năm ngoái, con số này chẳng thấm vào đâu so với ngành gia công phần mềm. Nhưng đó là giá trị cho "cái của riêng mình" mà tôi đã xây dựng trong gần 10 năm qua. Hội nhập sẽ là cơ hội để chúng tôi phát triển.

Bản thân tôi cũng có những lúc nản chí, nhưng tôi luôn tự nhủ trong trường đua, người về nhất chưa phải là người chiến thắng. Tôi có thể không về nhất, nhưng sự quyết tâm và làm việc bằng tất cả trách nhiệm sẽ giúp tôi lấy được cảm tình của khách hàng.

Tham vọng chuỗi cửa hàng riêng (Ông Hoàng Nhị Khoa, CEO Muasammypham.com)

Năm 2013, sau khi xin nghỉ ở Dienmay.com, tôi qua Singapore du lịch và rất ấn tượng với Sephora, chuỗi cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm tập trung của Mỹ. Điều này thôi thúc tôi đem mô hình này về nước vì ở Việt Nam chưa có mô hình nào tương tự, thị trường mỹ phẩm cũng đang trong tình trạng thật giả lẫn lộn.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam cũng đã có mô hình bán lẻ tương tự khá thành công là Thế Giới Di Động. Theo thống kê năm 2013, thị trường mua sắm mỹ phẩm ở Việt Nam vào khoảng 750 triệu USD và có xu hướng tăng vào các năm sau. Tháng 12/2013, tôi thành lập website và mới thấy mọi chuyện không hề dễ dàng. Mới thành lập, không có khách hàng, nên không có hãng nào chịu đưa sản phẩm vào. Để "chữa cháy", tôi đăng hình ảnh sản phẩm và lấy lại ở những đại lý khác, miễn phí vận chuyển để thu hút khách hàng, lúc đó lấy công làm lời là chính. Nhiều khi chạy từ quận 3 đến Bình Dương để giao chai dầu gội đầu giá chưa tới 100 ngàn đồng. Đơn hàng có, khách hàng tăng nhưng càng làm càng lỗ.

Tôi cũng từng nghĩ đến việc bán hàng xách tay nhưng rồi lại thôi vì sẽ khó theo đuổi giấc mơ chuỗi cửa hàng mỹ phẩm như ban đầu. Hơn nữa, gia đình tôi có hơn 20 năm buôn bán ở chợ, ba mẹ luôn cặn dặn kinh doanh mà không có chữ tín sẽ không thể đi đường dài. Đến lúc tưởng phải đóng cửa thì tháng 8/2014, thật may mắn khi Kỳ Phong, công ty phân phối sản phẩm thương hiệu Lanopearl đồng ý hợp tác với muasammypham.com. Làm tốt với Kỳ Phong, các hãng lớn khác bắt đầu tìm đến muasammypham.com, như L'Oréal, Maybelline, Vichy, Yves Rocher...

Mặc dù vậy, việc tạo lòng tin nơi khách hàng không phải dễ dù đã có nhiều doanh nghiệp lớn là đối tác. Giá bán đắt gần gấp đôi so với hàng xách tay trên thị trường khiến muasammypham.com thường xuyên bị đem lên bàn cân so sánh, và lần nào cũng là người thua cuộc. Muasammypham.com lại đối mặt với nguy cơ đóng cửa.

Bán mỹ phẩm không thể chỉ bán trực tuyến vì có những khách hàng đòi hỏi phải tận mắt thấy sản phẩm mới quyết định mua. Chính vì thế, đầu tháng 6/2015, tôi quyết định mở cửa hàng ở quận Tân Bình để tiếp tục cuộc chơi... Đơn hàng tăng nhưng lợi nhuận của ngành bán lẻ mỹ phẩm chỉ khoảng 3% nếu quản lý tốt. Do vậy, tôi đầu tư công nghệ vào hệ thống vận hành để giúp tiết kiệm chi phí nhân sự và rút ngắn thời gian xử lý đơn hàng. Hiện nay, tổng doanh thu từ cửa hàng và bán trực tuyến của muasammypham.com dao động từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/tháng. Có làm mới biết việc mở chuỗi cửa hàng như Sephora là con đường gian nan lắm.

Từng đi làm công nên tôi biết người làm chủ một công ty lớn phải chịu áp lực nặng nề như thế nào, nhưng tôi vẫn theo đuổi tham vọng "Sephora Việt Nam" vì tôi quan niệm khởi nghiệp là để làm một cái gì cho riêng mình. Tôi thậm chí chấp nhận liều một phen để xem mô hình bán lẻ Sephora có phù hợp với thị trường Việt Nam hay không.

Khởi nghiệp đừng chỉ vì tiền (Ông Mai Phú Phong, CEO PhonGee)

Năm 2009, tôi thành lập cửa hàng PhonGee đầu tiên trong bối cảnh hàng loạt hãng công nghệ lớn trên thế giới liên tục ra mắt các sản phẩm "bom tấn" như Palm Pre, Dell Streak, iPhone 3Gs... Chi phí xây dựng hết 100 triệu đồng, số còn lại là tiền vận hành. Hai năm sau, PhonGee phát triển lên 10 điểm giao dịch.

Gee Audio, dự án tai nghe thương hiệu Việt gần đây của tôi, là dự án hợp nhất giữa tư duy kinh doanh và chất nghệ sĩ của nhạc sĩ Dương Khắc Linh. Nó ra đời bởi tôi luôn có cảm tình đặc biệt với mặt hàng tai nghe và ấp ủ ước mơ một ngày nào đó sẽ có sản phẩm của riêng mình. Gee Audio cũng sẽ như PhonGee, lấy dịch vụ và chất lượng làm yếu tố cạnh tranh.

Vì sao? Vì bí quyết thành công của tôi là giữ niềm tin của khách hàng. Trước khi thành lập PhoneGee tôi đã có hơn một năm bán "dạo" các sản phẩm công nghệ, khách hàng tin cách tôi kinh doanh hơn là nhìn vào cơ sở vật chất hoành tráng. Do đó, tôi luôn chú trọng đẩy mạnh chất lượng sản phẩm và dịch vụ, quyết không cạnh tranh về giá vì đó là kiểu cạnh tranh của người không tự tin, thiếu sáng tạo.

Theo tôi, khách hàng là tài sản cốt lõi quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Hơn nữa, trong kinh doanh, luật nhân quả còn diễn ra nhanh hơn chúng ta tưởng. Quan điểm này đã đem lại cho tôi sự thanh bình giữa vòng xoáy khắc nghiệt trong kinh doanh.

Tôi chia sẻ một câu chuyện sau, lần đó, có anh bạn trẻ mua máy nghe nhạc ipod Touch của PhonGee. Theo chính sách của Công ty, hàng lỗi không phải do khách hàng sẽ được đổi hàng mới. Cứ mấy hôm, máy bạn ấy bật nguồn không lên, đem ra đổi, đến chiếc thứ năm, bạn ấy gặp tôi và xin trả lại tiền cho PhonGee vì phát hiện ra ổ cắm điện ở nhà bị loạn nguồn chứ không phải lỗi ở máy của Công ty.

Tôi kể lại chuyện này cho đối tác, bạn hàng nghe vì tôi rất quý tính trung thực của bạn trẻ ấy. Sau đó, bạn bè, người thân của anh bạn này chỉ chọn sản phẩm, dịch vụ của chúng tôi. Và tôi đã chứng minh được trong kinh doanh cũng có luật "gieo nhân nào, gặt quả đó”.

Tôi muốn khuyên các bạn trẻ nếu lần đầu khởi nghiệp thất bại cũng đừng nản, hãy tiếp tục đứng lên vì đa số những người thành công là nhờ kinh nghiệm, và kinh nghiệm là rút tỉa từ những lần vấp té. Té càng đau, kinh nghiệm càng nhiều.

Còn nếu không làm chủ được cũng đừng buồn vì khả năng của mình đến đâu thì làm tốt đến đấy. Và đừng nghĩ làm nhân viên là mình kém quan trọng vì nên nhớ không có công ty nào thành công mà không có sự góp sức của những nhân viên tâm huyết. Từng đơn vị cấu thành doanh nghiệp phát triển thì doanh nghiệp mới phát triển.

Không sợ đông, sợ cũ (Ông Nguyễn Hải Ninh, Người sáng lập chuỗi cà phê The Coffee House)

Sau khi rời bỏ vị trí quản trị ở Urban Station dù vẫn nắm giữ 26% cổ phần ở chuỗi, tôi tiếp tục theo đuổi giấc mơ cà phê của mình với The Coffee House. Tại sao ở một thị trường được đánh giá là đã có quá nhiều thương hiệu chuỗi cửa hàng cà phê giải khát thành công mà tôi vẫn kiên trì đi theo con đường tỏa hương thơm lẫn có vị đắng ấy?

Với sự hiện diện của rất nhiều thương hiệu lớn như hiện nay, tôi cũng tin là thị trường Việt Nam không còn cần chuỗi cà phê nữa. Điều này đúng, nhưng thiếu. Với mức sống và thu nhập của người dân ngày càng cao hơn thì thị trường vẫn cần những người có thể làm tốt hơn hiện tại. Trong ngành dịch vụ, giữ chân khách hàng còn quan trọng hơn cả việc thu hút họ.

Do vậy, tôi quyết tâm đi lại con đường đã đi, và lần này tất nhiên là với một tâm thế khác. Tôi chọn cách không đầu tư tiếp thị cho The Coffee House, và mọi quyết định của tôi đều nhắm đến việc khách hàng được lợi gì trước khi nghĩ đến lợi ích của DN.

Tôi nghĩ, khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay phải thực sự yêu quý khách hàng, mong muốn đem lại điều tốt nhất cho họ thì mới mong lấy được tình cảm của họ. Bởi thị trường bây giờ phần lớn là "đại dương đỏ”, ai có thể mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, mang lại giá trị nhiều hơn so với số tiền khách hàng bỏ ra, người đó sẽ có cơ hội.

Rất nhiều bạn trẻ cho rằng, chỉ cần có ý tưởng hay thì sẽ khởi nghiệp thành công. Xin thưa, đó là quan niệm sai lầm nhất trong khởi nghiệp. Ý tưởng chỉ chiếm 1% dẫn đến thành công, còn quyết tâm làm đến cùng chiếm 99%. Đầu năm 2015, The Coffee House chỉ có 3 cửa hàng nhưng tôi vẫn mạnh dạn tuyên bố trước HĐQT là cuối năm, chúng tôi sẽ có 20 cửa hàng dù chưa biết làm thế nào. Tuyên bố như vậy là tôi thể hiện quyết tâm đốt cháy bản thân, cho thấy mình có thể làm việc với 200% năng lượng.

Đó là điều chúng tôi, những người khởi nghiệp, cần. Đã muốn khởi nghiệp thì không bao giờ hỏi thất bại sẽ thế nào. Chỉ có một cách duy nhất là chiến đấu và kiên định với con đường đã chọn, bởi chắc chắn không có sự an toàn khi khởi nghiệp.

Cố gắng hơn 1% mỗi ngày (Ông Nguyễn Trung Tín, CEO Trung Thủy Group)

Sau khi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, trở về Việt Nam năm 2010, tôi chọn con đường làm trợ lý cho mẹ là Chủ tịch HĐQT một công ty lớn để học việc. Thời điểm đó, tôi như người lạc lối vì không định hướng được sẽ làm gì. Do vậy, tôi chấp nhận làm "miếng bọt biển", hấp thụ kinh nghiệm kinh doanh của những người tôi biết. Sau 6 tháng nghiên cứu, thấy thị trường giải trí hấp dẫn, tôi vay tiền bố mẹ mở trung tâm giải trí và thành công. Lấy lợi nhuận làm vốn, tôi tham lam triển khai thêm 4 dự án ở 4 lĩnh vực khác và... nếm mùi thất bại.

Rất mừng là thất bại chỉ có 1, còn thành công đến 3. Tôi nghĩ, khởi nghiệp thì yếu tố may mắn chiếm 1% quyết định thành công. Yếu tố quan trọng nhất khi kinh doanh là thị trường. Phần lớn những người khởi nghiệp có điểm mạnh là rất đam mê, trong số đó có nhiều kỹ sư giỏi. Tuy nhiên, điểm yếu của họ thường là chỉ "cắm đầu" làm sản phẩm mà không quan tâm nhiều đến việc tìm hiểu xem thị trường có nhu cầu hoặc tiềm năng đến mức nào. Bản thân tôi cũng gặp vấn đề này khi thực hiện dự án khởi nghiệp đầu tiên, cứ nghĩ là ý tưởng của mình hay thì thị trường bắt buộc phải chấp nhận, nhưng rốt cuộc "khách hàng là thượng đế”.

Bên cạnh đó, lúc bắt tay vào kinh doanh, mọi thứ thay đổi theo hướng hoàn toàn khác với những dự tính ban đầu, nếu thiếu kiên nhẫn, rất dễ bỏ cuộc. Vì vậy, những người khởi nghiệp cần dành thời gian để tìm hiểu thị trường trước khi làm bất cứ điều gì. Và nếu có thời gian làm việc ở các công ty lớn khoảng 3 - 5 năm để tích lũy kinh nghiệm sẽ còn tốt hơn nữa.

Khởi nghiệp ở Việt Nam thực sự rất vất vả và cô đơn. Dù có gia đình hậu thuẫn, tôi chắc chắn không trắng tay khi thất bại nhưng cũng có những đêm giật mình thức giấc vì lo sợ. Rồi tôi nghiệm ra, các tập đoàn lớn có sức mạnh thật đấy, nhưng họ lại thiếu sự uyển chuyển.

Sự chậm chạp là một bất lợi của họ. Những người khởi nghiệp thì lại thừa sự uyển chuyển, nếu biết chuyển bất lợi thành lợi thế thì sẽ có khả năng thành công. Tôi nghĩ, quá trình khởi nghiệp nên gắn với hai từ "cố gắng". Mỗi ngày cố gắng tốt hơn 1% thôi thì chỉ sau một năm, dự án của mình đã tốt hơn 365 lần. Chúng ta cần biết sợ thất bại để có động lực mà tiến tới.

Nhật bản chưa phải "thiên đường" khởi nghiệp? (Phi Hoa, Công ty Deloitte (Nhật Bản)

Dù là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong thời đại toàn cầu ngày nay, cơ hội để người nước ngoài thành công ở Nhật không lớn như ở các nền kinh tế phát triển khác. Ở Nhật, mẫu hình lý tưởng, thuận lợi nhất để một người thành công gồm có ba yếu tố: Là người Nhật, là nam giới, là người nhiều tuổi (thường từ 40 tuổi trở lên). Dù xã hội Nhật có dần thay đổi, cởi mở hơn với người nước ngoài, trao cho phụ nữ nhiều cơ hội hơn xưa, khuyến khích tuổi trẻ khởi nghiệp thì quan niệm cố hữu trên cũng khó thay đổi nếu không qua vài thế hệ. Dưới đây là một vài lý do cho thấy cho sự cần thiết của ba yếu tố đó.

Khó có thể tìm thấy tấm gương người nước ngoài thành công lớn ở Nhật. Ngay cả con người tuyệt vời như ông chủ Softbank Son Masayoshi dù sinh ra ở Nhật, lớn lên như người Nhật cũng gặp khá nhiều khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp vì ông không phải là người Nhật và không đăng ký kinh doanh bằng tên Nhật mà để tên gốc Hàn Quốc. Ngân hàng khó cho vay tiền hơn, khách hàng nhìn thấy công ty có chủ tên nước ngoài thì ít tin tưởng hơn.

Ở những công ty mang đậm phong cách Nhật Bản truyền thống thì người nước ngoài khó có thể giữ vị trí lãnh đạo dù có năng lực ngang bằng hoặc hơn người Nhật. Người Nhật đa phần hiền hòa và không thể hiện sự kỳ thị người nước ngoài ra mặt nhưng bản thân dân tộc Nhật cũng là một dân tộc có sự tự tôn rất cao.

Lối suy nghĩ người Nhật chỉ tin người Nhật nhất thể hiện trong cả các công ty Nhật ở nước ngoài. Các công ty lớn của Nhật dù chi nhánh ở nước ngoài phần lớn có tỷ lệ nội địa hóa kém, biểu hiện cao nhất về mặt nhân sự. Hầu hết người đứng đầu các chi nhánh ở nước ngoài đều vẫn là người Nhật chứ không phải là người bản địa. Họ thà để một người giám đốc Nhật ở bản địa dù người này không thành thạo tiếng bản địa và ít hiểu biết về thị trường bản địa còn hơn để một người bản địa nắm tất cả mọi quyền hành.

Là phụ nữ ở Nhật rất khó leo lên cấp lãnh đạo hoặc làm quản lý cấp cao. Theo thống kê, không có nữ CEO nào trong công ty lớn nhất Nikkei 225 (năm 2013). Tỷ lệ nữ làm quản lý cấp cao ở Nhật cũng chỉ 11% (năm 2012). Chưa nói hai con số này thấp hơn nhiều so với các nước phát triển Mỹ, Anh, Pháp... Con số này cũng thấp hơn nhiều khi so với một xã hội cũng trọng nam khinh nữ như Việt Nam (30 nữ CEO chiếm khoảng 5% trong tổng số các công ty lên sàn, 2015).

Phụ nữ Nhật trong lực lượng lao động đi làm sau khi kết hôn là rất ít (khoảng 50% phụ nữ sau khi kết hôn đi làm từ độ tuổi 25 - 35, theo thống kê năm 2012. Con số này tăng lên tới khoảng 70% đối với phụ nữ ngoài 35). Một khi đã nghỉ làm ở nhà chăm con một thời gian dài thì việc tìm lại một công việc tốt phát huy được khả năng của mình là rất khó. Thường thì những phụ nữ dù có học vấn cao và kinh nghiệm làm việc một thời gian nhưng sau khi nghỉ nuôi con nhiều năm vẫn khó quay lại được vị trí như ban đầu. Họ thường làm các công việc bán thời gian chứ không phải là nhân viên chính thức. Thống kê năm 2012 cho thấy, tỷ lệ nam là nhân viên chính thức trong lực lượng lao động là 80,3%, trong khi tỷ lệ nữ chỉ khiêm tốn là 45,4%.

Nếu bạn còn chưa đến 40 tuổi thì bị coi chưa phải tuổi lập thân. Ở Nhật, dù làm kinh doanh hay chính trị, tiếng nói của bạn chỉ có giá trị khi tuổi của bạn từ 40 trở lên. Đã có ai để ý báo chí hay truyền hình Nhật khi đưa tin về một nhận định hay quan điểm của ai đó đều ghi tên người đó kèm theo tuổi của họ chưa? Điều này khác hẳn ở Mỹ hay các nước khác.

Nếu như ở Mỹ, tỷ phú trẻ Mark Zuckerberg, hay nữ chính trị gia Hillary Clinton là những người được xã hội đánh giá cao vì người Mỹ sống với ước mơ Mỹ (ước mơ ai cũng có cơ hội phát triển như nhau bất kể tuổi tác, giới tính, sắc tộc, quốc gia), thì ở Nhật hoàn toàn khác. Ước mơ điển hình của một người Nhật trung lưu là: Cố gắng học tập thật tốt để vào một trường đại học hàng đầu, khi đi làm vào một công ty hàng đầu, nam lấy vợ tiếp tục sự nghiệp kiếm tiền, nữ lấy chồng lui về làm nội trợ, sinh con, nuôi con trong cuộc sống khá giả trung lưu, chăm con để con lại vào trường danh giá, công ty hàng đầu.

Lực lượng trung lưu mang ước mơ điển hình này hiện tại dù đang giảm dần vẫn chiếm khoảng 50% dân số Nhật, cho nên ở Nhật tinh thần khởi nghiệp không cao. Nước Nhật trọng những ai làm việc lâu dài trong một công ty, trọng những công ty tồn tại lâu, người Nhật không giỏi khởi nghiệp cái mới nhưng giỏi cải thiện những thứ lạc hậu, lỗi thời thành tốt hơn để thích nghi với thay đổi. Điều đó khiến cho việc khởi nghiệp ở Nhật là rất khó, và đối với người nước ngoài càng khó, với phụ nữ là người nước ngoài lại khó hơn nữa.

Dạo này ở Việt Nam rộ lên chủ đề "du học - về hay ở". Cũng từng là du học sinh, đã suy nghĩ rất nhiều nên ở lại Nhật hay về Việt Nam, tôi xin góp vài nhận định cho những bạn trẻ muốn ở lại Nhật lập nghiệp. Sống ở đâu, nên hiểu rõ về đặc điểm của xã hội đó, có hiểu mới thích nghi được và mới tận dụng được tốt nhất để thành công.

 

 

PV

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Trở lên trên