Dược Hậu Giang sẽ xây nhà máy ở Myanmar
DHG dự kiến đầu tư vào đây 91 tỷ đồng (tương đương 4,3 triệu USD) để sản xuất các sản phẩm y tế tương tự như những sản phẩm đang bán ở Việt Nam.
Theo Bloomberg, Công ty cổ phần dược Hậu Giang (DHG) đang có kế hoạch đẩy mạnh doanh số bán ra các sản phẩm bảo vệ sức khỏe đồng thời tăng cường xuất khẩu và mở rộng hoạt động ở Myanmar trong bối cảnh hãng phải đối mặt với những quy định chặt chẽ hơn về sản phẩm kháng sinh ở trong nước. DHG hiện là nhà sản xuất thuốc lớn nhất ở Việt Nam xét theo giá trị thị trường.
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, bà Phạm Thị Việt Nga – CEO của DHG – cho biết DHG muốn nâng tỷ trọng doanh số bán ra các sản phẩm bảo vệ sức khỏe trong tổng doanh thu từ mức 8% hiện nay lên 15% trong vòng 5 năm tới. Công ty cũng dự đoán xuất khẩu sẽ tăng trưởng 25% mỗi năm trong 5 năm tiếp theo.
Động thái của DHG được đưa ra trong bối cảnh chính phủ thắt chặt hoạt động bán thuốc không có đơn của bác sĩ tại các quầy thuốc. Theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 31/12/2013, hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn của bác sĩ sẽ bị phạt tiền. Tổ chức Y tế thế giới đã nhận định kháng thuốc kháng sinh là một mối nguy hiểm trên toàn cầu.
Bà Nga cho biết DHG đang chuẩn bị cho kịch bản lượng thuốc kháng sinh bán ra sụt giảm mạnh do những quy định chặt chẽ hơn. Nhìn chung, chiến lược của DHG sẽ là giảm thiểu những tác động của xu hướng kiểm soát thuốc kháng sinh chặt hơn.
Theo báo cáo được Công ty chứng khoán FPT công bố hồi tháng 1, 78% số thuốc kháng sinh ở Việt Nam được bán từ các quầy thuốc tư nhân mà không có kê đơn.
Năm ngoái, thuốc kháng sinh chiếm 41% tổng doanh thu của DHG. Ngoài ra, DHG cũng bán các sản phẩm thuốc giảm đau, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, thuốc hô hấp, tiêu hóa, tim mạch và sản phẩm chăm sóc da.
Theo bà Vũ Thị Thanh Phượng, chuyên gia phân tích đến từ HSC, DHG có thể cải thiện lợi nhuận bằng cách hướng đến các sản phẩm làm từ những nguyên liệu tự nhiên có thể dễ dàng khai thác được ở trong nước.
Bà Nga cũng cho biết xuất khẩu sẽ tăng lên khi công ty tăng cường xuất khẩu sang các thị trường Đông Nam Á và các thị trường thuộc Liên Xô cũ.
Ở Myanmar, DHG đang đàm phán với một công ty địa phương để thành lập công ty liên doanh. DHG dự kiến đầu tư vào đây 91 tỷ đồng (tương đương 4,3 triệu USD) để sản xuất các sản phẩm y tế tương tự như những sản phẩm đang bán ở Việt Nam. Khi đã đạt được thỏa thuận, DHG sẽ xây một nhà máy ở Myanmar vào năm 2015.
“Myanmar giống với Việt Nam cách đây 10 – 15 năm, nhưng có thể phát triển nhanh hơn. Ở Myanmar không có nhiều công ty dược do đó họ đưa ra một số ưu đãi đối với các công ty dược. Chúng tôi có một vài lợi thế khi hợp tác với một công ty địa phương”, bà Nga nói.
Theo số liệu của IMF, Myanmar có số dân khoảng 65 triệu người. Myanmar có tốc độ tăng trưởng trung bình 8,7% trong suốt thập kỷ vừa qua, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 ở mức 896 USD.
Cổ phiếu của DHG đã tăng tổng cộng 15% kể từ đầu năm đến nay, giúp công ty đạt giá trị vốn hóa 8.600 tỷ đồng. Doanh thu năm 2013 tăng 20% so với năm 2012, lên 3.530 tỷ đồng (theo số liệu của Bloomberg).
Bà Nga cho rằng chính sách kiểm soát chặt thuốc kháng sinh sẽ gây ra một vài khó khăn cho DHG, nhưng bà ủng hộ chính sách này bởi điều này sẽ có lợi cho sức khỏe của người dân.
Thu Hương
Bloomberg
Theo Bloomberg
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!
Từ Khóa: