Theo cam kết của Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hằng năm nước ta phải cho phép nhập khẩu một lượng đường của các nước. Lượng đường nhập khẩu này sẽ ưu tiên cho DN sản xuất có nhu cầu. Trong niên vụ đường 2012 - 2013, hạn ngạch nhập khẩu mà DN được phép nhập là 70.000 tấn đường.
Ông Đỗ Thanh Liêm, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, cam kết WTO về nhập khẩu đường là điều Việt Nam buộc phải tuân thủ.
“Tuy nhiên, điều khó hiểu ở đây là số liệu nhập khẩu đường có phải nằm trong diện tuyệt mật hay không mà bao năm qua, Bộ Công thương luôn giấu kín về doanh nghiệp được nhập và số lượng được nhập. Cũng cần nói rằng, một DN nếu được nhập 20.000 tấn đường thì ít nhất đã lãi 80 tỉ đồng do chênh lệch giá”, ông Liêm nói.
Điều đáng chú ý, theo ông Liêm, liệu người tiêu dùng trong nước có được mua đường với giá rẻ từ việc nhập khẩu đường hay chính sách này chỉ đem lại lợi ích cho một vài DN nhập khẩu.
Từ đó, ông Liêm kiến nghị nên xem xét lại chính sách nhập khẩu, trong đó cân nhắc đến việc kiến nghị WTO điều chỉnh việc nhập khẩu đường của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng giám đốc Công ty Đường Biên Hòa (Đồng Nai) và là Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, kiến nghị WTO là điều không thể bởi khi đã gia nhập, Việt Nam nên tuân thủ luật chơi chung. Ông Lộc nói DN nên tận dụng những cam kết có lợi trong WTO để phát huy thế mạnh của mình.
Tuy nhiên ông K.V.S.R. Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (một DN sản xuất đường có trụ sở ở Phú Yên, hiện đang có lượng tồn kho đường rất lớn) không đồng tình với ý kiến của ông Lộc vì cho rằng Công ty Đường Biên Hòa vừa là DN sản xuất đường nhưng cũng là DN được cấp hạn ngạch nhập khẩu 20.000 tấn đường để phục vụ nhu cầu sản xuất bánh kẹo. Điều này có lợi cho Công ty Đường Biên Hòa trong khi DN của ông giảm sức cạnh tranh.
Vị tổng giám đốc nước ngoài này cũng khá ngạc nhiên khi nghe nói cam kết WTO không thể thay đổi được. Bởi theo ông này, bản thân các nước cũng phải bảo vệ DN và người sản xuất trong nước. Nếu thấy cam kết không phù hợp thì phải kiến nghị thay đổi.
Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay khi đã cam kết thì không thể không nhập nhưng nhà nước cần điều tiết chênh lệch giá theo hướng có lợi cho toàn ngành chứ không chỉ một vài DN.
“Bí mật về số liệu nhập khẩu đường là quyền của Bộ Công thương nhưng hiệp hội cũng cần có tiếng nói để số liệu này cần được công khai nhằm tránh cơ chế xin cho”, ông Long nói.
Theo ông Long, hiệp hội cũng sẽ có ý kiến với cơ quan quản lý về việc: Liệu quy định DN vừa sản xuất đường vừa được nhập khẩu đường có hợp lý hay không.
Nhiều nhà máy đường đang bị “đẩy vào chân tường” Theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các DN đường đang gặp nhiều khó khăn, giá đường giảm (đường tinh luyện RE chỉ còn 14.000 - 15.000 đồng/kg), tồn kho cao trong khi mùa vụ mới sắp đến. Tính đến 20.9, các DN thuộc hiệp hội tồn hơn 211.000 tấn đường, phần lớn là đường RE. Điều này khiến nhiều DN gặp khó khăn khi tính toán cho niên vụ sản xuất mới. Theo ông Đỗ Thanh Liêm, do quản lý không tốt nên năm qua có khoảng 400 ngàn tấn đường vào Việt Nam theo con đường nhập lậu và tạm nhập tái xuất (nhưng không xuất - PV), chủ yếu từ Thái Lan, đã khiến DN trong nước cạnh tranh không lại. Hầu hết DN đều cho rằng hiện họ đang bị “đẩy vào chân tường” vì đường sản xuất ra không tiêu thụ được trong khi hằng tháng phải trả nợ ngân hàng với lãi suất cao. |
Theo Trung Hiếu