MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Góc khuất" doanh nghiệp FDI

09-01-2014 - 08:10 AM | Doanh nghiệp

Chí tính trong 9 tháng năm 2013, ngành Thuế phát hiện 529 doanh nghiệp FDI báo lỗ nhưng vẫn tăng trưởng doanh thu.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2013 đã tăng ở mức kỷ lục, nhưng đằng sau đó là những lo ngại về gia tăng sự gian lận và cả nguy cơ doanh nghiệp FDI lấn át, thậm chí thâu tóm doanh nghiệp nội.

“Bài ca” báo lỗ

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn FDI tăng liên tục trong 3 năm qua và năm 2013 đã đạt mức kỷ lục với 21,6 tỷ USD (tăng 54,4%) so với năm trước. Đến nay, khu vực doanh nghiệp FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, với mức đóng góp khoảng 20% GDP, trên 60% xuất khẩu, khoảng 45% sản lượng công nghiệp và 1/4 tổng đầu tư xã hội hàng năm. 
 
"Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) những năm gần đây đổ vào Việt Nam rất nhanh, nhưng giải ngân chậm. Và mặt trái là phần lãi người ta sẽ mang về nước, khiến cho tăng trưởng GDP thực chất ít hơn nhiều con số công bố. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI khá hơn doanh nghiệp trong nước và câu hỏi đặt ra là chúng ta thu được gì? 
 
TS. Lê Đăng Doanh
nguyên Viện trưởng
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư

Tuy nhiên, đằng sau những đóng góp của doanh nghiệp FDI đó vẫn còn hàng loạt vấn đề như doanh nghiệp có hành vi gian lận, chuyển giá trốn thuế hoặc thực tế ăn nên làm ra nhưng lại liên tục báo lỗ, mà điển hình là các “ông lớn” như: Cocacola, Adidas, Metro, Keangnam Vina, Hualon Corporation… 

Theo  TS Lưu Đức Hải, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tình trạng phổ biến của doanh nghiệp FDI là gian lận xuất xứ hàng hóa dưới dạng: Nhập khẩu bán thành phẩm gần như hoàn chỉnh; nhập bán thành phẩm nhưng khai là nguyên liệu; khối lượng hàng hóa xuất khẩu gia tăng đột biến, hay giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa chưa đạt điều kiện được cấp xuất xứ, chuyển giá thông qua chuyển giao hữu hình, vô hình, chuyển giá thông qua chuyển giao dịch vụ hoặc thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh…

Một vấn đề khác là các doanh nghiệp FDI thường “quên” đóng góp nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước… Điều này được thể hiện qua việc gia tăng số doanh nghiệp báo lỗ 2-3 năm liên tục nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Chí tính trong 9 tháng năm 2013, ngành Thuế phát hiện 529 doanh nghiệp FDI báo lỗ nhưng vẫn tăng trưởng doanh thu. Qua thanh, kiểm tra, ngành thuế phát hiện 122 doanh nghiệp FDI tại 23 địa phương gian dối trong việc báo lỗ để trốn thuế. Và đến nay, đã có khoảng 500 doanh nghiệp FDI bỏ trốn.

Lấn sân doanh nghiệp nội

Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 của nước ta ước đạt khoảng 132,17 tỷ USD, trong đó xuất khẩu thuộc khối doanh nghiệp FDI chiếm tới 61,4%. Doanh nghiệp FDI không chỉ dẫn dắt xuất khẩu những mặt hàng về công nghệ (điện thoại, linh kiện điện tử…) mà còn có xu hướng chiếm lĩnh các mặt hàng khác vốn được coi là ưu thế của doanh nghiệp nội. Chẳng hạn, doanh nghiệp FDI xuất khẩu được 4,6/6 tỷ USD trong lĩnh vực giày dép, gần 7,8/13 tỷ USD dệt may; 1,6/2,6 tỷ USD sản phẩm gỗ; hơn 0,9/1,38 tỷ USD mặt hàng túi xách, va li, mũ, ô dù... Đặc biệt, nhóm hàng nông, thủy sản, doanh nghiệp FDI cũng đang lấn sân mạnh mẽ trong sản xuất và xuất nhập khẩu như: Cà phê 0,67/2,2 tỷ USD; thủy sản 0,4/4,6 tỷ USD; hạt tiêu 251/748 triệu USD; rau quả 78/787 triệu USD...

Điều này cũng có nghĩa doanh nghiệp nội có khả năng bị thu hẹp dần vùng nguyên phụ liệu, thậm chí  bị doanh nghiệp FDI thâu tóm. 

Theo  TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, nguy cơ doanh nghiệp FDI thâu tóm doanh nghiệp nội ngày càng lớn. Nguyên nhân một phần do tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp nội địa yếu, trình độ quản lý và công nghệ rất thấp. Mặt khác, hiệu lực của bộ luật chống hạn chế cạnh tranh đang kém hiệu quả. Thực tế là một số ngành công nghiệp của Việt Nam  như hóa mỹ phẩm, thực phẩm chế biến, thức ăn gia súc... đang dần dần bị thâu tóm.
 
Theo Kiều Tuyết

thunm

Báo Giao thông vận tải

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên