MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS-TS. Vương Đình Huệ: “Doanh nghiệp Việt Nam giỏi lắm”

08-02-2016 - 16:58 PM | Doanh nghiệp

Trò chuyện đầu xuân Bính Thân, GS-TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhận định doanh nghiệp Việt Nam giỏi lắm, sáng tạo lắm và có thể vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ nhấn mạnh, năm 2016 sẽ là năm của doanh nghiệp. Bởi vậy, cần phải có những chính sách rất cụ thể để thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia, gắn với việc triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Ông Huệ dẫn câu chuyện về xây dựng một sân khẩu lớn cho Đại Lễ Phật Đản Vesak Liên Hợp Quốc tổ chức ở Bái Đính như một ví dụ.

“Một sân khấu lớn chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản Vesak 2014 tại Bái Đính với 3.500 chỗ ngồi, mà doanh nghiệp Xuân Trường tự làm hết, cả thiết kế, cả thi công chỉ trong 2 tháng”, ông Huệ nói.

Ông Huệ còn đưa ra một ví dụ khác về Vincom Phú Quốc. Doanh nhân Phạm Nhật Vượng xây dựng khu quần thể du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc chỉ mất hơn 10 tháng thi công, tính từ khi bắt đầu đưa vật liệu từ đất liền ra đảo cho đến khi khánh thành.

“Như vậy có thể thấy, doanh nghiệp Việt Nam giỏi lắm, có thể vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh nào, có khả năng cạnh tranh tốt. Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đang tạo ra 46% GDP, đây chính là động lực phát triển của đất nước. Vấn đề là phải làm sao để những doanh nghiệp này phát triển bền vững”, ông Huệ nhận định.

Vậy làm thế nào để khơi dậy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp của doanh nghiệp Việt?

Hiện nay, nước ta mới có hơn 500.000 doanh nghiệp đăng ký, mong muốn đến năm 2020 có 2.000.000 doanh nghiệp. Tôi nghĩ, tinh thần quốc gia khởi nghiệp đang là động lực trong các doanh nghiệp Việt.

Để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước thì phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thị trường, năng lực cạnh tranh. Chúng ta phải tác động theo chiều ngang để tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng. Theo đó, cần áp đặt kỷ luật thị trường cho tất cả các doanh nghiệp này và phải tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất.

Quan trọng hơn là rút ngắn khoảng cách giữa quy định trên văn bản và sự thực thi đội ngũ cán bộ công chức, các cơ quan công quyền, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Cùng với đó, chúng ta phải tác động theo chiều dọc đến từng loại doanh nghiệp. Có nghĩa là phải thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp quốc gia với những chính sách rất cụ thể gắn với việc triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Chúng ta cần phải khắc phục sự lệch pha của nền kinh tế và có chính sách làm cho doanh nghiệp dân tộc mạnh lên. Làm mạnh doanh nghiệp dân tộc trước hết phải tạo môi trường kinh doanh chung mà doanh nghiệp nào cũng được hưởng, phải ứng xử với nhau theo nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Theo đó, chính sách đó phải lấy hiệu quả và chất lượng là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp. Phải xây dựng được một triết lý của văn hóa của doanh nghiệp dân tộc, không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hay doanh nghiệp tư nhân.

Một vấn đề nữa là phải xây dựng cho được thương hiệu Quốc gia với sự góp mặt của các doanh nhân Việt, bởi thương hiệu quốc gia chính là thương hiệu Việt Nam. Vì vậy, cần phải có chính sách cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thực tế, Nhà nước vẫn hỗ trợ doanh nghiệp nhưng giờ sẽ hỗ trợ theo đúng nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế, không phân biệt đối xử. Trong đó, cần chú trọng kết nối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp trong nước.

Trên thực tế, nhiều khi chúng ta có chủ trương chính sách rất đúng, nhưng chủ trương chính sách đó đi vào cuộc sống lại khó khăn do khâu tổ chức thực hiện. Theo ông, làm thế nào để làn sóng đầu tư thứ hai sớm trở thành hiện thực?

Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh là những dấu ấn và thành tựu nổi bật của năm 2015. Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, rồi các cán bộ, công chức của cả các hệ thống nhà nước, từ tài chính, thuế, hải quan, kho bạc, quản lý tài nguyên – môi trường, điện lực, đất đai v.v… trong năm qua cũng đều hết sức cố gắng. Thế nhưng, doanh nghiệp và người dân vẫn còn phàn nàn nhiều về khâu tổ chức thực hiện.

Năm 2016 cần phải quyết liệt hơn nữa để rút ngắn hơn nữa khoảng cách những quy định trên văn bản với thực thi của các cơ quan và đội ngũ cán bộ công chức. Đây là yếu tố quan trọng để tạo ra làn sóng đầu tư thứ hai trong năm nay. Đó cũng là mong muốn của đội ngũ các doanh nghiệp, doanh nhân và người dân Việt Nam.

Vậy về khối DNNN thì sao? Có ý kiến cho rằng, khu vực này nhận được nhiều ưu đãi nhưng hiệu quả chưa cao. Ông nhận xét gì về vấn đề này ?

Tổng kết Hội nghị Trung ương 6 khóa X, Bộ Chính trị đã kết luận và đã đưa vào dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, sẽ hạn chế và đi đến xóa bỏ đại diện chủ sở hữu của các Bộ và UBND các tỉnh, thành phố, thành lập một cơ quan chuyên trách để làm nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu của DNNN.

Đồng thời, áp đặt kỷ luật thị trường đối với các DNNN, nâng cao năng lực quản trị, tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu các DNNN. Tinh thần của Đảng là đặt khu vực DNNN cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, không phân biệt đối xử.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp trong nước, trong thời gian qua, dường như chúng ta quá quan tâm đến doanh nghiệp FDI, tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp này phát triển, nhưng lại tạo ra sự bất bình đẳng. Vậy theo ông, cần phải làm gì để cả hai loại hình doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt cùng phát triển?

Chúng ta cần có chính sách làm cho doanh nghiệp dân tộc mạnh lên, phải hành xử với nhau theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, lấy hiệu quả và chất lượng là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp, xây dựng được một triết lý của văn hóa của doanh nghiệp dân tộc. Đừng có phân biệt doanh nghiệp to hay nhỏ, đừng có phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.

Đã là doanh nghiệp Việt Nam đó là của người Việt Nam, ở các nước người ta làm được thì mình phải làm được, một tinh thần khởi nghiệp quốc gia phải thổi vào hồn các doanh nghiệp của chúng ta một tinh thần trách nhiệm, một niềm tự tự hào, một sự tin tưởng của chúng ta. Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt theo đúng nguyên tắc quốc tế, không vi phạm nguyên tắc phân biệt đối xử.

Chúng ta cũng cần phải có chính sách kết nối được FDI với doanh nghiệp trong nước, khi mình mạnh lên rồi thì có kết nối được và dần dần khắc phục hai nền kinh tế này thì nó sẽ giảm đi, sự lệch pha sẽ giảm.

Xin cám ơn ông!

 

 

Theo Minh Huệ

BizLIVE

Trở lên trên