MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó có thể “ôm lỗ” chờ giá

28-06-2015 - 08:56 AM | Doanh nghiệp

Tình trạng trữ hàng chờ giá lên cao mới bán là cách làm được các DN trong ngành nông nghiệp thực hiện khi sản phẩm vào mùa thu hoạch, bán ra ồ ạt khiến giá thành tụt dốc.

Sự lựa chọn chưa hẳn đã là khôn ngoan

Ông Phạm Vũ Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, nhiều DN ngành sắn đã thực hiện theo phương án này bởi vụ sắn vào tháng 3, 4, sang tháng 5 là hết hàng, nên DN có thể trữ hàng từ tháng 5 đến tháng 8, sau đó mới tung hàng ra bán thì sẽ được giá hơn. Hơn nữa, sắn đã qua chế biến, sấy khô có thể giữ trong kho được 2 năm.

Thực tế, trong ngành nông nghiệp, các mặt hàng như lúa gạo, cà phê, mía đường không chỉ tự thân các DN ôm hàng chờ giá mà việc thu mua, tạm trữ còn được Chính phủ khuyến khích và hỗ trợ. Tiêu biểu như vụ Đông Xuân 2014-2015, 1 triệu tấn gạo đã được thu mua tạm trữ nhằm giúp nông dân tiêu thụ được lúa gạo với giá ổn định. Đây là năm thứ 6 chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo được thực hiện và đã nhận được nhiều sự trợ giúp của nhiều ngân hàng thương mại khi đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho DN vay vốn thực hiện. Chương trình đã giúp thị trường bình ổn, đặc biệt giá gạo không xuống mức quá thấp gây thiệt hại cho người trồng lúa và DN.

Với tùy loại hình sản xuất, kinh doanh mà DN phải lựa chọn hình thức trữ hàng khác nhau. Là DN chuyên sản xuất và cung ứng hàng tiêu dùng như mỳ tôm, nước giải khát…, ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc cung ứng toàn quốc, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Kinh Bắc cho biết, mặc dù các mặt hàng của Công ty giá cả khá ổn định nhưng để đề phòng những biến động bất ngờ về giá, công ty có phương án dự trữ nguyên liệu sản xuất, bởi mặt hàng thành phẩm của Công ty phụ thuộc vào hạn sử dụng, nếu đã sản xuất thì phải cung cấp ngay ra thị trường hoặc XK.

Về vấn đề này, các chuyên gia đều nhận định, phương án ôm hàng chờ giá là “con dao hai lưỡi”, nếu thành công, DN không chỉ có được nhiều lợi nhuận hơn mà còn giúp nâng cao giá trị cho kim ngạch thương mại, XK của đất nước; còn nếu DN không thể tính toán và dự báo được sự xoay chuyển của giá cả thị trường thì chắc chắn, lỗ lại càng thêm lỗ. Phương pháp này càng khó khả thi hơn khi DN bị ràng buộc việc sản xuất và cung ứng với khách hàng bằng hợp đồng, nếu DN phá hợp đồng thì số tiền phải bồi thường có nguy cơ vượt quá số tiền mà DN chịu lỗ.

Ông Nguyễn Huy Quân, Giám đốc Công ty TNHH dầu mỡ Quân Sen cho hay, khách hàng của Công ty đều có mối quan hệ làm ăn lâu năm, đặt hàng theo từng thời điểm cố định, có hợp đồng đầy đủ nên dù được giá hay mất giá, Công ty cũng phải giao hàng đúng hẹn. Việc này không chỉ thực hiện đúng hợp đồng mà còn giữ uy tín với khách hàng, nếu vì lợi nhuận mà mất khách hàng thì không nên bởi giá cả sẽ có lúc lên lúc xuống, lúc này sẽ bù cho lúc kia.

Nên hay không?

Theo quan điểm của đại diện Hiệp hội Sắn Việt Nam, đối với ngành sắn nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung, các DN nên gom hàng chờ giá lên mới bán để ổn định nguồn cung ra thị trường. Bởi khi đến vụ thu hoạch, cả DN và người dân đồng loạt bán ra khiến giá thành bị hạ xuống, khách hàng lại càng có cơ hội để ép giá DN. Nên trong trường hợp như vậy, DN không nên đàm phán để bán hàng bằng mọi giá, DN nên giữ hàng trong kho và tung hàng ra bán khi thị trường thuận lợi. Còn khi đã ký hợp đồng XK với khách hàng từ trước, DN buộc phải bán hàng.

Tuy nhiên, để quay vòng nguồn thu, tạo kinh phí cho hoạt động kinh doanh, DN phải bán được hàng. Vì thế, nếu trữ lại một lượng lớn hàng hóa, DN có thể gặp phải vấn đề thiếu vốn cho các hoạt động sản xuất khác. Cụ thể đối với ngành sắn chưa được hỗ trợ gói tín dụng cho vay thu mua tạm trữ. Do vậy, ông Phạm Vũ Hà nêu ý kiến, lượng hàng XK và tiêu thụ của sắn không phải là ít, nên các DN ngành sắn rất cần chính sách tín dụng về vốn để thu mua, tạm trữ như đối với các ngành lúa gạo, cà phê, mía đường…

Nhìn chung, đa phần DN trong ngành sản xuất khác thường không “chuộng” cách làm này, bởi theo bà Lê Mai Lan, Giám đốc kinh doanh Công ty thủy sản Lenger Việt Nam, trước khi giao dịch, đưa sản phẩm ra giới thiệu với khách hàng, Công ty đã phải nghiên cứu kỹ thị trường, tính toán để sản xuất vừa đủ và có những thay đổi theo nhịp độ dao động của giá cả thị trường.

Còn theo ông Nguyễn Huy Quân, trong các điều khoản hợp đồng, vấn đề về giá thành sẽ có những đàm phán để có thể điều chỉnh trong từng hoàn cảnh giá cả lên xuống. Hơn nữa, vì khách hàng của Công ty đều đã quen thuộc nên họ sẽ báo trước cho công ty về tình hình giá cả, lúc đó, Công ty sẽ giao trước một lượng hàng theo giá cũ, đợt hàng sau sẽ theo giá mới. Với cách làm này, khách hàng đã phần nào giúp Công ty tránh được những biến động về giá, vừa cũng để có lợi cho chính họ.

Theo Hương Dịu

Báo Hải Quan

Trở lên trên