MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là kết quả “dồn toa” của những năm gần đây

26-05-2013 - 14:44 PM | Doanh nghiệp

Về phía DN cũng phải ngồi với ngân hàng để chứng minh được năng lực của mình, nếu “anh” bỏ vốn đầu tư vào “tôi” thì tôi sử dụng đúng mục đích, bảo đảm an toàn và “tôi” trả được gốc và lãi cho “anh”.

Chia sẻ với PV ĐBND bên lề cuộc thảo luận về tình hình KT – XH tại tổ, ĐBQH PHAN VĂN QUÝ (NGHỆ AN) cho rằng, những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay đó là kết quả “dồn toa” của những năm gần đây cùng với khó khăn chung của thị trường khu vực và thế giới nên doanh nghiệp càng trở nên khó khăn hơn. Đây thực sự là một bài toán khó và rất nan giải. Vì vậy, việc thực hiện được chỉ tiêu tăng trưởng 5,5% là rất khó khăn.

- Theo báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển KT – XH năm 2012 của Chính phủ cho thấy, GDP là một trong 4 chỉ tiêu không đạt (chỉ đạt mức 5,03%), trong khi chỉ tiêu QH đề ra là 6 - 6,5%. Có ý kiến cho rằng, với khó khăn nội tại của nền kinh tế thì chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5% trong năm 2013 sẽ khó thành hiện thực. Ý kiến của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

BQH Phan Văn Quý: Thực tế cho thấy lực lượng đóng góp lớn cho nền kinh tế là doanh nghiệp, nhưng hiện nay, doanh nghiệp đang trong tình trạng khó khăn, đặc biệt là nợ xấu, ngân hàng rất dè dặt khi cho các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mạivay vốn. Mặt khác, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nên họ cũng giữ cho chính mình. Những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay đó là kết quả “dồn toa” của những năm gần đây cùng với khó khăn chung của thị trường khu vực và thế giới nên doanh nghiệp càng trở nên khó khăn hơn. Đây thực sự là một bài toán khó và rất nan giải. Do vậy, việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng 5,5% theo tôi là rất khó khăn.

-Hiện đang có ý kiến cho rằng ngân hàng thì "thừa" tiền, nhưng doanh nghiệp lại đang rất "khát" do khó tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, thưa đại biểu?

ĐBQH Phan Văn Quý: Theo tôi nguyên nhân đầu tiên là xuất phát từ chính doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp không làm chủ được chính mình và kèm theo những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và khu vực nên doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Việc giải quyết khó khăn đó là cả một quá trình và đòi hỏi đầu tiên là doanh nghiệp phải tự cố gắng, tiếp đó là sự hỗ trợ của Nhà nước và hệ thống ngân hàng. Vừa rồi có đại biểu cho biết là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo tỉnh cùng với đại diện doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau bàn bạc, nếu có khó khăn gì thì quyết ngay tại hội nghị. Vì trong những khó khăn của nhiều doanh nghiệp thì cũng có doanh nghiệp tìm được hướng đi riêng, nhưng hướng đi riêng đó cần phải có sự hỗ trợ của ngân hàng. Tôi cho rằng đó là một biện pháp hay cần áp dụng rộng rãi để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh.

- Theo đại biểu, cần phải làm gì để khơi thông được nguồn vốn đến với doanh nghiệp?

ĐBQH Phan Văn Quý: Tôi cho rằng, điều đầu tiên là doanh nghiệp và ngân hàng phải ngồi lại với nhau. Như tôi đã nói ở trên, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, khi họ bỏ đồng vốn ra thì cũng phải tính tới yếu tố an toàn. Khi thấy được yếu tố an toàn thì mới mạnh dạn rót vốn ra được. Về phía doanh nghiệp cũng phải ngồi với ngân hàng để chứng minh được năng lực của mình, nếu “anh” bỏ vốn đầu tư vào “tôi” thì tôi sử dụng đúng mục đích, bảo đảm an toàn và “tôi” trả được gốc và lãi cho “anh”. Ngân hàng sẽ yên tâm hơn. Đặc biệt, trong tình hình khó khăn chung của bất động sản gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng dành cho những người nghèo mua nhà và một phần dành cho doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng là nhà ở xã hội là điều rất có ý nghĩa. Khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp là khó khăn chung của nền kinh tế, việc khắc phục phải dần dần, không thể ngày một ngày hai.

- Với những khó khăn của nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo đại biểu, cần có cơ chế, chính sách gì để giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức này?

ĐBQH Phan Văn Quý: Trong giai đoạn khó khăn này, sự hỗ trợ của Nhà nước và ngân hàng là điều rất cần thiết đối với doanh nghiệp. Tôi thấy, nhiều dự luật được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp này cũng nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có việc xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22%. Đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%... Những giải pháp đưa ra tôi thấy đã mang tính tổng thể và chi tiết. Vấn đề còn lại chính là việc triển khai, phối hợp giữa doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức khác mà thôi.

-Xin cám ơn đại biểu!

Theo Hà An

thunm

Báo Đại biểu nhân dân

Trở lên trên