MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khống chế tỷ lệ lãi vay: Nếu lãi vay ngân hàng 5%/năm thì tăng vốn chủ sở hữu làm gì

08-09-2015 - 16:17 PM | Doanh nghiệp

Đại diện E&Y cho rằng Chính phủ nên lùi thời điểm áp dụng quy định này đến 1/1/2018 để doanh nghiệp có thời gian chuyển tiếp, tránh xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và phải xem xét tỷ lệ cụ thể, nhất là trong giai đoạn mới đầu tư với các dự án quy mô lớn để khuyến khích đầu tư.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, theo đó sẽ sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5, Điều 1 Luật thuế TNDN về việc khống chế chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Theo đó, dự thảo quy định với các chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1) đối với lĩnh vực sản xuất và vượt quá 4 lần (4:1) với các lĩnh vực còn lại thì không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Kể từ này 1/1/2019 thì tỷ lệ này sẽ được giảm xuống 4:1 với lĩnh vực sản xuất và 3:1 với lĩnh vực còn lại. Các trường hợp đặc biệt giao Chính phủ quy định.

Theo Bộ Tài chính, nhiều doanh nghiệp có khoản vay vốn sản xuất kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của doanh nghiệp và cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến thu ngân sách, nhiều DN liên doanh có chi phí trả lãi tiền vay lên đến vài nghìn tỷ đồng/năm, trả lãi tiền vay vốn cho công ty mẹ ở nước ngoài.

Theo Bộ Tài chính, việc khống chế chi phí lãi vay khi tính vào thu nhập chịu thuế là cần thiết nhằm phản ánh đúng chi phí lãi vay phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo an toàn tài chính cho doanh nghiệp, khuyến khích tích tụ, đầu tư trực tiếp, phù hợp điều kiện Việt Nam, tăng khả năng cạnh tranh nền kinh tế, phù hợp cam kết hội nhập, tăng tính lành mạnh của nền kinh tế và góp phần chống chuyển giá.

Tuy nhiên, nội dung này gặp phải ý kiến phản đối của hầu hết các chuyên gia.

Đại diện E&Y cho rằng Chính phủ nên lùi thời điểm áp dụng quy định này đến 1/1/2018 để doanh nghiệp có thời gian chuyển tiếp, tránh xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và phải xem xét tỷ lệ cụ thể, nhất là trong giai đoạn mới đầu tư với các dự án quy mô lớn để khuyến khích đầu tư.

Trong khi đó ông Phạm Ngọc Long, giám đốc cấp cao phòng tư vấn thuế, công ty Grant Thornton Việt Nam cho rằng Bộ Tài chính không nên quy định tỷ lệ này bởi việc vay vốn là quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp bởi khi đi vay ngân hàng đã đánh giá khả năng thu hồi vốn.

Đối với DN làm ăn chân chính có phương án kinh doanh khả thi và quy mô dự án lớn thì không nên hạn chế chi phí lãi vay.

Ông Long cho rằng nếu vẫn giữ quy định này thì tỷ lệ áp dụng phải quy định rõ với từng ngành nghề bởi một số ngành như khai mỏ hoặc xi măng cần rất nhiều vốn để đầu tư tài sản cố định phục vụ một giai đoạn đầu tư dài hạn. Thêm nữa, căn cứ vay dựa trên vốn chủ sở hữu thì công thức tính "vốn chủ sở hữu” xác định vào thời điểm nào vì không phải loại hình doanh nghiệp nào cũng lập báo cáo tài chính hàng tháng.

Bà Đặng Thị Bình An, Chủ tịch HĐTV công ty tư vấn thuế C&A đưa ra kiến nghị việc áp tỷ lệ khống chế không nên phân chia theo ngành kinh doanh mà nên để một hệ số thống nhất cho các ngành. C&A đề nghị từ năm 2016 - 2019, tỷ lệ vốn vay trên VCSH là 5:1; từ năm 2019 đến 2022 là 4:1 và từ năm 2022 trở đi là 3:1. VCSH trong năm được xác định bằng số trung bình cộng của số dư đầu kỳ và cuối kỳ.

Trong khi đó, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may cho biết nếu áp dụng khống chế tỷ lệ vốn vay vào chi phí tính thuế thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp dệt may vì các DN dệt may đa phần có tỷ lệ vay lên đến 6:1, thậm chí 10:1 bởi các DN dệt may chủ yếu là gia công, nhà xưởng và máy móc thiết bị và sử dụng chủ yếu vốn lưu động. Bà Dung cho rằng nếu lãi suất ngân hàng chỉ ở mức 5%năm thì các DN chủ yếu vay vốn ngân hàng chứ không tăng vốn chủ sở hữu bởi các cổ đông đòi cổ tức 10-15%.

Đại diện Hiệp hội Vật liệu xây dựng cho biết DN kinh doanh BĐS 80% là đi vay nếu quy định khống chế tỷ lệ lãi vay như vậy sẽ khiến các DN gặp khó khăn. Một công ty BĐS cũng có ý kiến là do chi phí lãi vay chỉ phát sinh từ tiền vay nên nếu tính chung tỷ lệ là Khoản vay - Nợ phải trả thì sẽ không hợp lý vì trong Nợ phải trả ngoài phần tiền vay thì các tiền chiếm dụng khác đều không phải trả lãi; đặc biệt là đối với các cty BĐS có lượng lớn tiền thu ứng trước từ khách hàng nếu tính loại CP lãi vay tương ứng với phần Nợ phải trả không chịu lãi thì không hợp lý.

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, dự thảo này sẽ được trình lên và thông qua ngay tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới, do đó các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được Bộ tài chính lắng nghe và sửa đổi để hoàn chỉnh trong thời gian rất ngắn.

Qua thống kê sơ bộ số liệu của 57/85 Tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn nhà nước thuộc Bộ, UBND tỉnh về tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu cho thấy tình hình dư nợ vay bình quân trên vốn chủ sở hữu tính đến hết năm 2014 như sau: có 02 doanh nghiệp có hệ số lớn hơn 5 (01 đơn vị xây dựng và 01 đơn vị kinh doanh xăng dầu), 06 doanh nghiệp có hệ số từ 3 đến 5 (chủ yếu là các doanh nghiệp xây dựng) và 49 doanh nghiệp có hệ số nhỏ hơn 3.

Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI): theo số liệu tổng hợp 9.400 doanh nghiệp FDI cả nước với tổng tài sản khoảng 2.205.068 tỷ đồng (khoảng 105 tỷ USD) chiếm tỷ trọng 70% doanh nghiệp FDI cả nước còn hoạt động cho thấy hệ số Nợ/Vốn chủ sở hữu chung tất cả các ngành là 1,23 lần; của ngành thương mại là 3,44 lần. Nếu xét trên chỉ tiêu Vốn vay/Vốn chủ sở hữu thì hệ số này của tất cả các các ngành là 0,57 lần, của ngành thương mại là 1,8 lần.

Đối với các dự án BOT nhiệt điện có vốn FDI (5 dự án đã ký Hợp đồng và 17 dự án còn lại đang trong quá trình đàm phán có quy mô vốn đầu tư từ 700 triệu USD đến 2 tỷ USD/ dự án) đều đạt ngưỡng tỷ lệ Nợ/Vốn chủ sở hữu là 4:1 (trong đó vốn vay là 1 khoản mục trong Nợ phải trả).

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước có quy định về vốn mỏng, theo đó lãi phải trả đối với phần vốn vay vượt quá tỷ lệ nhất định (tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu) không được coi là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

OECD khuyến nghị áp dụng tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là 3:1.

Trên thực tế, đa số các nước như Đài Loan, New Zealand, Đức, Úc, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Chile, Peru, Nam Phi, Bồ Đào Nha, Bra-xin quy định vốn vay của doanh nghiệp trên vốn chủ sở hữu vượt quá tỷ lệ 3:1 thì được coi là vốn mỏng;

Ở một số nước phát triển quy định tỷ lệ thấp hơn như Canada là 2:1, Pháp, Mỹ là 1,5:1, thậm chí tỷ lệ này ở Venezuela là 1:1; một số nước tỷ lệ này còn phân biệt theo đối tượng, ví dụ Trung Quốc quy định tỷ lệ 2:1 đối với doanh nghiệp thông thường, 5:1 đối với các tổ chức tài chính;

Nga quy định tỷ lệ 3:1 đối với doanh nghiệp thông thường và tỷ lệ 12,5:1 đối với ngân hàng và các tổ chức tài chính; Hàn Quốc quy định tỷ lệ 3:1 nếu vay của các cổ đông nước ngoài và tỷ lệ 6:1 đối với các tổ chức tài chính.

Theo đó, phần lãi vay phải trả vượt quá tỷ lệ được coi là vốn mỏng thì không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

Theo Hoàng Ly

Vinanet

Trở lên trên