MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Khủng long đã chết, tắc kè vẫn sống"

05-07-2014 - 14:26 PM | Doanh nghiệp

Tắc kè không thể trở thành khủng long nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa hoàn toàn có thể trở thành doanh nghiệp khổng lồ nếu giữ được sự năng động và tận dụng được cơ hội.

Theo các nhà khoa học, giả thiết phổ biến nhất từ trước đến nay lý giải cho sự tuyệt chủng của loài khủng long là một thiên thạch khổng lồ rơi xuống Trái Đất, gây ra các đám cháy khổng lồ, các trận động đất hơn 10 độ Richter, những vụ trượt lục địa và các trận sóng thần. Vụ rơi thiên thạch và các đợt phun trào của núi lửa đã che lấp ánh sáng Mặt Trời, làm nhiệt độ trên Trái Đất lạnh đi. Là loài động vật to lớn, không có chỗ trú lạnh, không đủ thức ăn, loài khủng long tồn tại hưng thịnh trong suốt khoảng 165 triệu năm đã bị xóa sổ.

Trong khi đó, những loài bò sát nhỏ hơn như tắc kè, kì nhông… do kích thước nhỏ bé, dễ tìm nơi trú ẩn, dễ thích nghi với hoàn cảnh mới, đã sống sót và vẫn còn tồn tại đến tận bây giờ.

Có lẽ cũng không quá khập khiễng khi ví những doanh nghiệp nhỏ và vừa như loài tắc kè. Trong một buổi tọa đàm cùng doanh nghiệp, thứ trưởng Bộ công thương Trần Quốc Khánh đã nhận xét:

“Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tự hào vì nền kinh tế nếu chỉ gồm doanh nghiệp lớn thì khi tái cơ cấu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. DN nhỏ có ưu thế là nhỏ nên rất dễ xoay xở. Khi nền kinh tế gặp khó khăn, DN nhỏ có thể nhanh chóng chuyển sang một hướng khác.”

Tất nhiên, một nền kinh tế mạnh phải có những doanh nghiệp to và mạnh nhưng muốn có một nền kinh tế năng động, phải duy trì bằng được khối DN nhỏ và vừa.

Tắc kè thay đổi rất nhanh

Theo báo cáo của Bộ kế hoạch và đầu tư, trong tổng số 348.342 doanh nghiệp đang hoạt đông năm 2012 thì có tới 324.377 DNNVV đang hoạt động, chiếm tới 97,7%. Trong đó có 68,7% quy mô siêu nhỏ, 27,1% quy mô nhỏ và chỉ có 1,9% doanh nghiệp quy mô vừa.

Trong cơ cấu GDP, doanh nghiệp ngoài nhà nước với 98,6% là DNNVV luôn chiếm tỷ trọng cao nhất ở mức 48 – 49% tổng GDP toàn xã hội giai đoạn 2009 – 2012. Giai đoạn khó khăn vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến các DNNVV nhưng khu vực này đóng góp lớn vào Ngân sách nhà nước và đầu tư toàn xã hội.

Một vài ưu thế thể hiện tính linh hoạt của DNNVV có thể kể ra đây là khả năng chuyển đổi mặt hàng, chuyển hướng kinh doanh rất nhanh. Các DN này cũng có thể tăng giảm lao động dễ dàng nhờ sử dụng nguồn lao động thời vụ hay nhanh chóng chuyển địa điểm sản xuất nếu gặp khó với mặt bằng sản xuất hiện tại.

Trong thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp cỡ vừa đã lựa chọn cách khai tử chính mình và sau đó hồi sinh dưới dạng những công ty nhỏ hơn. Với quy mô vốn 100 tỷ ban đầu, khi gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp này có thể đăng ký dừng hoạt động và chủ doanh nghiệp, sử dụng nguồn vốn đó thành lập 4 công ty khác với vốn điều lệ 25 tỷ hoặc ít hơn, kinh doanh trong những lĩnh vực khác nhau sao cho hợp “xu thế” hơn. Đó cũng là một nguyên nhân khiến cho số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2013 và quý I/2014 tăng so với năm 2012 nhưng số vốn đăng ký năm 2013 thì lại giảm 14,7%. Quy mô vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp cũng có xu hướng giảm trong vài năm gần đây (báo cáo của Bộ KHĐT) hay nói cách khác, DN ngày càng trở nên nhỏ và siêu nhỏ.

Những số liệu này có thể không phải là những con số đẹp cho một nền kinh tế, nhưng nó thể hiện rất rõ ràng sự linh hoạt của doanh nghiệp. Mà DN nhỏ thì chưa vội quan tâm đến một bảng số liệu thống kê kinh tế đẹp, họ cần phải lo cho số phận của mình trước đã.

Nhỏ, cũng rất khó

Mặc dù có thể linh hoạt trước những thay đổi của thị trường nhưng với quy mô nhỏ, khối DNNVV chắc chắn gặp hạn chế về nguồn vốn tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ, trình độ quản lý và năng lực cạnh tranh. Tổng nguồn vốn kinh doanh của khối này chỉ chiếm chưa đến 40% tổng nguồn vốn của toàn bộ khối doanh nghiệp trong khi các doanh nghiệp quy mô lớn, mặc dù chiếm chưa đến 3% về số lượng nhưng nắm giữ 60% nguồn lực vốn kinh doanh.

Cũng theo báo cáo của Bộ kế hoạch và đầu tư, DNNVV vẫn thiếu vốn sản xuất kinh doanh do chủ yếu dựa vào vốn tự có và khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. NHNN cho biết, chỉ có hơn 1/3 DNNVV đang hoạt động có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Với nguồn lực như thế, khả năng tiếp cận thông tin và tiếp thị của các DNNVV bị hạn chế rất nhiều.

Kết quả kinh doanh của khối này cũng không khả qua cho lắm khi trong giai đoạn vừa qua, doanh thu và lợi nhuận của DNNVV đang bị thu hẹp, chi phí sản xuất tăng cao nên mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm đáng kể. Và tỷ lệ thua lỗ gia tăng khiến doanh nghiệp rơi vào phá sản, giải thể và tạm ngừng hoạt động.

DNNVV phải làm gì?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã nói rõ, một trong những mục tiêu mà Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP hướng tới chính là duy trì và phát triển sự năng động của khối DNNVV tại Việt Nam.

“Nay mai khi TPP công bố, sẽ thấy 1 chương dành ưu tiên rất cao cho DNNVV. Không loại trừ khả năng sẽ có một tiểu ban riêng phụ trách và đưa ra chính sách khuyến nghị để giúp đỡ các DN này.” – Thứ trưởng cho biết.

Cơ hội là có nhưng để tồn tại và phát triển, DNNVV cần chuẩn bị cho mình một tư thế thật tốt để tham gia vào cuộc hội nhập quốc tế này. Các cơ quan chức năng đã xác định rất rõ vai trò, tầm quan trọng của khối DNNVV tại Việt Nam nên việc tạo điều kiện phát triển cho khối này là một điều chắc chắn. Tuy nhiên, không thể trông chờ ai khác làm thay doanh nghiệp công việc hoạch định chiến lược, đường đi cho mình. Theo lời thứ trưởng Trần Quốc Khánh, không ai có thể hiểu doanh nghiệp bằng chính doanh nghiệp. Những người làm chính sách cũng không thể bám sát thực tế và nhận thức rõ ràng đâu là thuận lợi, đâu là khó khăn cụ thể như doanh nghiệp.

TPP, FTA… là những hiệp định nghe đầy triển vọng nhưng đồng thời lại cũng rất khó hình dung vì nó chưa xảy ra, chưa được thể hiện bằng một tác động nào trong thực tế đến môi trường hoạt động, phương thức quản lý và cụ thể là đến túi tiền của doanh nghiệp.

Bởi vậy, Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phân tích ưu điểm và hạn chế của từng ngành, từng lĩnh vực, cung cấp số liệu về thị trường và phối hợp lấy ý kiến doanh nghiệp trong việc xây dựng chính sách. Nhưng bản thân doanh nghiệp phải hiểu rõ năng lực của mình, thị trường cũng như các rào cản, những thuận lợi khi tham gia vào quá trình hội nhập để có chiến lược phù hợp.

Tắc kè không thể trở thành khủng long nhưng DNNVV hoàn toàn có thể trở thành doanh nghiệp khổng lồ nếu giữ được sự năng động và tận dụng được cơ hội.

>> "Soi" cận cảnh tình hình DNNVV giai đoạn 2011-2013

Bảo Linh

trangntm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên