MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ lạ với việc chia 2 mức cổ tức tại 1 doanh nghiệp dược

16-07-2015 - 15:59 PM | Doanh nghiệp

Mặc dù có trên 100 cổ đông, vốn điều lệ lớn hơn 10 tỷ và đã cổ phần hóa từ năm 2002, Dược phẩm Bắc Ninh vẫn chưa có tên trong danh sách công ty đại chúng của UBCK

CTCP Dược phẩm Bắc Ninh (Baniphar) là một doanh nghiệp được thành lập từ năm 1960 với tên gọi Quốc doanh Dược phẩm Bắc Ninh. Năm 1997, Công ty tách thành 2 đơn vị là Công ty Dược phẩm Bắc Ninh và Công ty Dược phẩm Bắc Giang. Đến năm 2002 thì tiến hành cổ phần hóa.

Hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, Baniphar có những sản phẩm chiến lược trong mảng đông dược như Viên nhai trị đau dạ dày, Nước súc miệng Trầu không, Cao ích mẫu, Siro ho bổ phế… và các mặt hàng nhập khẩu collagen tự nhiên, thực phẩm chức năng, Trà thảo dược lợi sữa…

Bên cạnh đó, công ty này đã chiết xuất thành công nhiều dược chất từ dược liệu thiên nhiên để ứng dụng vào sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm như chiết xuất Curcumin từ củ nghệ vàng, Chiết xuất Zerumboner từ cây gừng gió, Chiết xuất tinh dầu trầu không…

Nhưng nhắc đến Baniphar không phải chỉ là những sản phẩm của doanh nghiệp mà là những chuyện lạ xảy ra với lần ĐHCĐ thường niên mới nhất.

Chuyện lạ thứ nhất của công ty này, đó là mặc dù cổ phần hóa từ năm 2002 và tại ĐHCĐ thường niên 2015 tổ chức vào ngày 27/06/2015 vừa qua, công ty thông báo có 89/342 cổ đông đến dự – tức công ty có hơn 100 cổ đông và vốn điều lệ trên 10 tỷ, nhưng không có tên trong danh sách công ty đại chúng của Ủy ban chứng khoán nhà nước.

Phải chăng Dược phẩm Bắc Ninh chưa đăng ký đại chúng?

Khi trả lời ý kiến của cổ đông về việc công ty cần sớm đăng ký công ty đại chúng với UBCKNN, chủ tọa đại hội cho biết sẽ rà soát kiểm tra các quy định để thực hiện.

Chuyện lạ thứ 2 xảy ra tại ĐHCĐ thường niên năm nay. Theo thư mời đại hội, thành phần tham dự đại hội là cổ đông có tên trong danh sách cổ đông của công ty tính đến ngày 27/05/2015 nhưng có thêm quy định là các đại biểu đại diện cho cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu tối thiểu 5.000 cổ phần trở lên mới đủ điều kiện tham dự. Cổ đông không đủ số cổ phần dự họp có thể nhóm lại cho đủ 5.000 cổ phần trở lên và cử đại diện tham dự.

Tại Đại hội này, cổ đông đã thông qua kết quả sản xuất kinh doanh 2014 và kế hoạch 2015. Theo đó năm 2014, công ty đạt doanh thu 331 tỷ - giảm 9% so với năm 2013 và chỉ đạt 86% kế hoạch. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế đã vượt 20% kế hoạch và đạt 11,2 tỷ.

Báo cáo của Baniphar cho biết, trong năm 2014, công tác đấu thầu của công ty gặp khó khăn với sự thay đổi liên tục trong hệ thống về cơ chế đấu thầu thuốc của nhà nước và hoạt động đấu thầu vật tư, sinh phẩm, hóa chất … thuốc y học cổ truyền (đông dược) tại các đơn vị trực tiếp sử dụng phải thực hiện kéo dài và rải rác.

Kế hoạch kinh doanh năm 2015 cũng đã được thông qua với doanh thu 446,7 tỷ, lợi nhuận trước thuế 9,4 tỷ và cổ tức tối thiểu 12%. Công ty đặt mục tiêu tới năm 2020 vốn điều lệ tăng lên 100 tỷ đồng. Năm 2015, Baniphar sẽ phát hành bổ sung và thưởng cổ phần để đảm bảo vốn điều lệ đạt 50 tỷ đồng.

Công ty không công bố báo cáo tài chính năm, nhưng theo tài liệu ĐHCĐ, trong năm 2014, vốn điều lệ đã được nâng lên trên 35 tỷ đồng trong đó ông Nguyễn Quang Bang – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc nắm 25,4%, ông Phạm Kiên Giang, ông Đặng Đình Khoa và ông Nguyễn Xuân Vinh – thành viên HĐQT nắm lần lượt là 8,2%; 5,1% và 5,7%.

Năm 2002, khi tiến hành cổ phần hóa, vốn điều lệ của Baniphar là 4,8 tỷ đồng. Quá trình tăng vốn của công ty không được công bố trong thời gian sau đó.

Chuyện lạ thứ 3 có thể nhắc đến là phương án phân phối lợi nhuận năm 2014. Cổ tức được chia làm 2 loại. Cổ đông là nhân viên thuộc chi nhánh Gia Bình và chi nhánh Hà Nội chỉ được nhận cổ tức tỷ lệ 10% trên mức vốn điều lệ của năm 2014 là 30 tỷ đồng. Cổ đông là nhân viên thuộc các chi nhánh còn lại và cổ đông ngoài được nhận cổ tức với tỷ lệ 13%.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo chưa có lời giải thích về việc phân loại cổ tức như vậy.

Với nhiều chuyện lạ, ĐHCĐ thường niên 2015 của công ty lại trở thành một kỷ lục về thời gian do trong phần thảo luận, nhiều cổ đông đã có ý kiến thảo luận khiến cho phiên họp kéo dài từ 8h30 đến 18h mới kết thúc.

Bảo Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên