MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật Phá sản, “gánh nặng” cơ quan tố tụng

01-07-2012 - 08:26 AM | Doanh nghiệp

Với những điều khoản mang tính nguyên tắc, chung chung, thiếu định lượng, Luật Phá sản không thể áp dụng vào thực tế và đẩy gánh nặng trách nhiệm cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Luật chỉ mang tính nguyên tắc

Cho tới nay, Luật Phá sản mới chỉ có quy định về tổ thanh lý tài sản, quy định về phá sản đối với các DN đặc biệt như an ninh, quốc phòng, tài chính (ngân hàng, bảo hiểm…) hướng dẫn tương đối cụ thể. Còn lại, Luật mới chỉ quy định các nguyên tắc có tính chất chung, bởi vậy, việc giải quyết phá sản DN gặp rất nhiều khó khăn và hầu như không thể phá sản DN.

Để nhận diện DN lâm vào tình trạng phá sản, Điều 3 Luật Phá sản quy định: “DN, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Chính điều luật chỉ mang tính nguyên tắc này dẫn đến vô vàn khó khăn, ách tắc trong suốt quá trình giải quyết các vụ phá sản.

Trước hết, nếu cứ không thể thanh toán các khoản nợ đến hạn, thì hầu hết các DN Việt Nam đều lâm vào tình trạng phá sản. Sau nữa, các DN không thanh toán được nợ đến hạn và bị chủ nợ yêu cầu mở thủ tục phá sản, nhưng chính các DN đang bị coi là lâm vào tình trạng phá sản đó lại là chủ nợ của một hoặc nhiều DN khác. Phải chăng, các DN đang bị yêu cầu mở thủ tục phá sản cũng có thể làm điều tương tự với các DN đang là con nợ của họ? Vậy chúng ta xem xét mối quan hệ này như thế nào để đảm bảo sự công bằng giữa các DN?

Để nhận biết một DN lâm vào tình trạng phá sản không đơn giản là không trả được nợ khi đến hạn

Trong các quy định về đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có điều khoản, người nộp đơn phải nộp kèm một số tài liệu như báo cáo tình hình hoạt động, bảng kê chi tiết tài sản, danh sách người mắc nợ của DN…, nhưng thực tế người nộp đơn rất khó có được. Ngay cả khi thẩm phán nhận được một phần hay toàn bộ giấy tờ, tài liệu đó, thì căn cứ nào để xác định DN đó đã lâm vào tình trạng phá sản hay chưa? Khoản 2 Điều 28 Luật Phá sản quy định: “Toà án ra quyết định mở thủ tục phá sản khi có các căn cứ chứng minh DN, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản”. Căn cứ chứng minh ở đây là gì thì vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Nếu cho rằng, căn cứ ở đây là cân đối giữa tổng tài sản và nợ là âm, thì âm bao nhiêu được coi là phá sản? Nếu chỉ âm 100 triệu đồng cũng coi là phá sản thì rất “nguy” cho DN.

Ngoài ra, nợ quá hạn không thanh toán là bao nhiêu, 1 triệu đồng hay 1 tỷ đồng thì được xếp vào diện đang lâm vào tình trạng phá sản? Chưa kể, trước mắt DN có thể không trả được nợ, nhưng họ có thể tái cơ cấu, bán bớt một phần tài sản, thu gọn hoạt động, cắt giảm một số chi phí…; khi DN chưa thực hiện hết các biện pháp mà tuyên bố mở thủ tục phá sản, thì có thể khiến DN chưa “chết” thành “chết”, bởi ngay cả khi các khoản nợ chưa đến hạn thì chủ nợ cũng đổ xô đến đòi, dẫn đến hoạt động kinh doanh ngừng trệ, đối tác quay lưng.

Ngược lại, DN muốn chứng minh không lâm vào tình trạng phá sản thì cần chứng minh như thế nào, tiêu chí ra sao, liệu có thể chứng minh bằng những khoản nợ mà DN đang là chủ nợ hay không? Rất nhiều tình huống thực tế đặt ra, song luật không có hướng dẫn, quy định để các bên tham gia tố tụng thực hiện, chẳng hạn như trường hợp DN còn tài sản nhưng không bán được, DN đang là chủ nợ nhưng các khoản nợ này khó thu hồi…

Thiếu định lượng rõ ràng, cụ thể nên các thẩm phán rất khó làm việc và dẫn đến cảm tính. Vấn đề là luật phải được quy định, hướng dẫn cụ thể, chi tiết, định lượng rõ ràng để làm căn cứ cho các cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định, loại trừ yếu tố cảm tính.

Dấu hiệu nhận biết một DN lâm vào tình trạng phá sản không đơn giản là không trả được nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu, mà phải xem xét trong mối tương quan của nợ và tài sản, giữa nợ và có. Tỷ lệ này là bao nhiêu cần có nghiên cứu, đánh giá để đưa vào thành quy định, hướng dẫn để các chủ thể tham gia quá trình tố tụng thực hiện. Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng khác cũng cần được xem xét, đó là quyền và nghĩa vụ của người vừa là chủ nợ vừa là con nợ ra sao, tránh tình trạng lợi dụng Luật Phá sản để đòi nợ.

Điều 24 Luật Phá sản quy định, Tòa án trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi thấy “có căn cứ rõ ràng cho thấy việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản do không khách quan gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, hoạt động kinh doanh của DN, hợp tác xã hoặc có sự gian dối trong việc yêu cầu mở thủ tục phá sản”, nhưng không có hướng dẫn xem thế nào là không khách quan, thế nào là gian dối. Vì Luật đã quy định, chỉ cần DN không trả được khoản nợ đến hạn là chủ nợ có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố mở thủ tục phá sản. Mặt khác, DN bị yêu cầu tuyên bố phá sản lại là chủ nợ đối với DN khác. Vậy có cần thiết phải xem xét trong mối tương quan giữa các khoản nợ và các khoản có hay không? Vì vậy, “căn cứ rõ ràng” này cần phải làm rõ. Quy định này có liên quan tới việc có hay không việc mở thủ tục phá sản, bởi vậy lượng hóa các tiêu chí này rất quan trọng.

Yếu tố nước ngoài bị lãng quên

Toàn bộ 85 điều của Luật Phá sản không có một dòng nào nhắc tới yếu tố nước ngoài. Trong hội nhập kinh tế, kèm theo cơ hội giao thương với nước ngoài là những vấn đề tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Từ thực tế giải quyết các vụ phá sản cho thấy, có 3 yếu tố liên quan nước ngoài bao gồm:

- Chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài.

- Đại diện theo pháp luật của DN là người nước ngoài.

- Chủ nợ/con nợ là tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Thứ nhất, đối với chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài: có trường hợp chủ đầu tư nước ngoài đã bị phá sản, khi đó, liên doanh Việt Nam rơi vào cảnh bơ vơ, không rõ ai là ông chủ, ai sẽ đại diện cho phần vốn nước ngoài tại liên doanh để tham gia vào quá trình giải quyết phá sản.

Thứ hai, đối với DN liên doanh tự đề nghị Tòa án tuyên bố phá sản DN của mình, người đại diện theo pháp luật là người nước ngoài, khi thấy thủ tục giải quyết phá sản quá phức tạp thì đã về nước mà không báo cho ai. Lý do họ đưa ra là khi Tòa tuyên bố mở thủ tục phá sản thì họ không được trả lương, không có lương thì họ về nước. Vậy có cơ chế nào để có thể ngăn giữ họ lại hay không? Cho đến nay, chưa có cơ chế cấm xuất cảnh nào đối với những người này. Phía Việt Nam trong liên doanh cũng không có quyền yêu cầu họ ở lại. Hiện các Tòa án không biết phải giải quyết trường hợp này thế nào. Liệu có thể áp dụng thủ tục tố tụng dân sự để đình chỉ giải quyết việc phá sản khi triệu tập hai lần mà người yêu cầu tuyên bố phá sản đối với chính DN của họ không đến Tòa án để giải quyết?

Thứ ba, khi chủ nợ/con nợ là người nước ngoài, chi phí dịch tài liệu lấy ở đâu khi mà DN đã lâm vào tình trạng phá sản? Nhiều trường hợp thông báo, công văn của Tòa án gửi đi, nhưng chủ nợ/con nợ không nhận được, vì họ đã chuyển trụ sở và không thông báo cho DN Việt Nam biết. Vấn đề là liệu có thể áp dụng quy định khi Tòa án thông báo hai lần mà không đến thì mất quyền đòi nợ (đối với chủ nợ) như thủ tục tố tụng dân sự, cũng như làm cách nào thu hồi nợ đối với con nợ? Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định này có thể vấp phải phản ứng của phía nước ngoài khi họ nại ra rằng, họ không biết thông tin về vụ phá sản, chứ không phải biết mà không thực hiện quyền. Trong trường hợp này, có thể áp dụng ủy thác tư pháp theo Bộ luật Tố tụng dân sự hay không? Trên thực tế, nếu được áp dụng chế định ủy thác tư pháp, thì việc thực hiện ủy thác cũng rất khó khăn và có thể không thực hiện được, vì không có địa chỉ mới của các tổ chức, cá nhân này.

Chưa kể, thực tế cho thấy, tỷ lệ nợ nước ngoài thường khá cao, điều này dẫn đến tình trạng khó có thể mở hội nghị chủ nợ, bởi hội nghị chủ nợ yêu cầu có trên 50% số chủ nợ không có bảo đảm tham gia và đại diện cho ít nhất 2/3 tổng số nợ. Bởi vậy, nếu không thể thông báo cho chủ nợ nước ngoài, vụ phá sản có thể sẽ lâm vào tình trạng bế tắc, không thể đình chỉ, cũng không thể tiếp tục. Hồ sơ tiếp tục được lưu giữ trong tủ không biết đến bao giờ mới có thể giải quyết.

Liên quan đến việc giải quyết phá sản còn nhiều vấn đề cần quy định cụ thể, rõ ràng và chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong bài viết khác.

Theo Thẩm phán Nguyễn Huyền Cường (TAND TP. Hà Nội)

Nguồn ĐTCK

thanhhuong

Trở lên trên