MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương tăng nhưng đừng quá sốc

20-09-2013 - 10:17 AM | Doanh nghiệp

Doanh nghiệp vẫn chịu được, nhưng…

Trước thông tin tăng lương tối thiểu, không ít DN tỏ ra khá bình thản. Giữa lúc hoạt động sản xuất, kinh doanh đang ngập tràn khó khăn, hàng tồn quá lớn… Dù đồng tình với chính sách tăng lương tối thiểu của Nhà nước nhưng mức tăng đừng quá cao, nên giãn khoảng cách thời gian giữa đợt tăng trước và tăng sau dài hơn.

Nâng lên đặt xuống mức “lương còm”

Tại hội thảo mức sống tối thiểu của người lao động trong các DN năm 2013 tổ chức ngày 4/9, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất hai phương án tăng mức lương tối thiểu năm 2014.

Theo đó, với phương án một, mức lương tối thiểu năm 2014 sẽ được điều chỉnh tăng thêm so với năm 2013 từ 400.000 - 850.000 đồng (tăng 24 - 36%). Tại phương án hai, mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu đề xuất tăng ít hơn, từ 350.000 - 750.000 đồng (21 - 32%).

Mặc dù các phương án lương nói trên được cho rằng mới đáp ứng 75 - 84% nhu cầu sống tối thiểu. Đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động vấp phải sự phản đối khá quyết liệt từ giới chủ DN và một số ý kiến không đồng tình của chuyên gia. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành bỏ phiếu kín.

Theo đó, mức lương tối thiểu vùng, sau thống nhất các ý kiến, được đề xuất tăng thêm khoảng 15 - 17%, tương đương tăng từ 250.000 - 400.000 đồng. Kết quả trên sẽ được Hội đồng Tiền lương quốc gia trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết: "Chậm nhất đến 20/9, dự thảo Nghị định với phương án cuối cùng sẽ được trình lên Chính phủ. Nếu được phê chuẩn, mức lương này sẽ được áp dụng vào ngày 1/1/2014".

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc tăng lương tối thiểu trong bối cảnh hiện tại chưa chắc đã làm thu nhập thực tế của người lao động tăng lên, khi mà các khoản thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… cũng đều tăng lên theo. Trong khi đó, thu nhập hàng tháng của người lao động tại các DN không thay đổi, vì hầu hết các DN hiện nay đều đã trả trên mức tối thiểu. Dù nhiều ý kiến phản đối, ở “thượng tầng” đang rất trông chờ chính sách mau chóng được thông qua.

Doanh nghiệp vẫn chịu được, nhưng…

Trước thông tin tăng lương tối thiểu, không ít DN tỏ ra khá bình thản. Giữa lúc hoạt động sản xuất, kinh doanh đang ngập tràn khó khăn, hàng tồn quá lớn, tiêu thụ chậm chạp, những DN khó khăn nhất chọn phương án khá “tiêu cực” là cắt giảm lao động nhằm giảm chi phí lương. Một số DN khác lựa chọn giải pháp “nhẹ nhàng” hơn là trả lương theo sản phẩm.

Rơi vào trường hợp như vậy, chị Trương Thị Phương, Phó giám đốc Công ty Dệt 19/5, Hà Nội cho biết, đã từ lâu DN của chị áp dụng phương pháp trả lương theo sản phẩm cho hơn 1.100 lao động.

Theo chị Phương, công thức trả lương này là khá công bằng nhưng không duy trì sự ổn định về nhân sự và lao động có tay nghề cao. “Trung bình, mỗi lao động được trả lương từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng. Lao động chê lương ít, làm vất vả đều bỏ ra ngoài làm”, chị Phương cho biết.

Khi nghe thông tin tăng mức lương tối thiểu cho DN, chị Phương không lo lắng về chi phí trả cho công nhân, mà là câu chuyện các khoản bảo hiểm kèm theo lao động cũng sẽ tăng theo với mức lương tối thiểu. “Khi mức lương tối thiểu tăng thêm 17% (vùng I), số chi bảo hiểm các loại sẽ tăng theo rất khủng khiếp” chị Phương lo lắng.

Nếu theo lệ thường, DN sẽ phải tính đến giải pháp tăng giá bán sản phẩm theo đúng mức tăng giá thành có cấu thành chi phí lao động tăng thêm. Nhưng trong bối cảnh tiêu thụ sản phẩm khó khăn hiện nay, việc tăng giá bán sẽ làm khó thêm cho khâu tiêu thụ. “Đây thực sự là bài toán khó với DN của tôi”, chị Phương nói.

Không như trường hợp của chị Phương, Tập đoàn Công nghệ CMC có hơn 1.600 lao động nhưng do kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lao động phổ thông chiếm số lượng rất ít, tiền lương của cán bộ, nhân viên vượt rất xa so với mức tối thiểu, nên việc tăng lương tối thiểu lại không phải là vấn đề chính.

Anh Lê Chí Dũng, Trưởng ban Chiến lược và Đầu tư của CMC cho rằng: “Công ty vốn trả lương cho nhân viên khá cao nên số tiền chi trả cho các khoản bảo hiểm của người lao động cũng không phải trở ngại lớn”.

Chia sẻ quan điểm trên, đại diện Công ty Giầy Thượng Đình cho biết, mức lương tối thiểu tăng 15 - 17% cũng không ảnh hưởng nhiều lắm tới công ty. Dù phải đóng thêm bảo hiểm, DN này vẫn có khả năng cân đối được.

Tuy nhiên, với Giầy Thượng Đình nếu lương tối thiểu vượt quá khung trên lại là câu chuyện hoàn toàn khác. DN này góp ý, dù đồng tình với chính sách tăng lương tối thiểu của Nhà nước vì hoàn toàn phù hợp sự phát triển tất yếu của xã hội.

Nhưng mức tăng đừng quá cao, nên giãn khoảng cách thời gian giữa đợt tăng trước và tăng sau dài hơn để các DN kịp thời “xoay sở”. Đặc biệt là nên cân nhắc tới tình hình hiện nay của các DNNVV có đông lao động, các DN không có nguồn tài chính dồi dào.

Theo phương án đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2014 như sau: Khu vực I tăng từ 2,35 triệu đồng/tháng lên 2,75 triệu đồng/tháng; vùng II từ 2,1 lên 2,45 triệu đồng/tháng; vùng III tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,1 triệu đồng/tháng; vùng IV tăng từ 1,65 triệu đồng/tháng lên 1,9 triệu đồng/tháng.

Theo Hoàng Giáp

thunm

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên