Một nửa số doanh nghiệp họ Lilama sụt giảm thê thảm lợi nhuận sau thuế
Thuộc một "dòng họ" lớn nhưng số doanh nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư bằng EPS và P/E chỉ đếm trên đầu ngón tay.
10 doanh nghiệp họ Lilama đã công bố BCTC quý 2/2014 và 6 tháng đầu năm. Thuộc một "dòng họ" lớn nhưng số doanh nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư bằng EPS và P/E chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Có thể chia 10 doanh nghiệp này thành 2 nhóm, nhóm 1 là LM8, L10, LM3, L61 và LO5 – những doanh nghiệp có quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu lớn nhất. 5 doanh nghiệp còn lại là L43, L62, L44, LM7 và L35 có quy mô nhỏ hơn hẳn.
Các doanh nghiệp họ Lilama đều có tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản rất cao, trung bình là 80,2%. Tỷ lệ này của LM3 còn lên tới 94,8%.
4/10 doanh nghiệp sụt giảm doanh thu thuần
Trong quý 2/2014, có 4/10 doanh nghiệp sụt giảm doanh thu so với cùng kỳ là L10, L43, LM3 và LM7. Nhưng trong 6 tháng đầu năm, doanh thu L10 tăng nhẹ và thay vào vị trí bị sụt giảm là LM8.
Có quy mô tài sản và vốn lớn nhất trong danh sách, LM8, L10, LM3, L61 và LO5 cũng đứng đầu về quy mô doanh thu. Trong nhóm này, doanh thu thuần quý 2/2014 của L61 tăng mạnh nhất, đạt 260 tỷ - tăng 55,3% so với cùng kỳ. 6 tháng L61 đạt 432 tỷ doanh thu – tăng 59%. L44 và LO5 cũng tăng trưởng rất mạnh và chỉ có L10 bị sụt giảm doanh thu quý 2 khoảng 6% còn 215,4 tỷ.
Trong nhóm 5 doanh nghiệp Lilama nhỏ, có đến 3 DN bị giảm doanh thu. Quý 2/2014, doanh thu của L43 giảm 7% còn 58,3 tỷ; của LM3 giảm 56% còn 34 tỷ và LM7 giảm 7% còn 35,3 tỷ. 6 tháng đầu năm, những DN này cũng vẫn bị giảm doanh thu. Trong khi đó, 2 DN trong nhóm là L62 và L35 có mức tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm là 74,5% và 68,7%, đạt lần lượt là 85 tỷ và 68,4 tỷ.
Giá vốn tăng cao, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh
Trong 6 tháng đầu năm, do giá vốn tăng cao nên các DN trong nhóm đầu đều bị sụt giảm biên lợi nhuận gộp khá mạnh. L10 giảm từ 10,8% xuống còn 7,2% và lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm tới 31% còn 34,4 tỷ. Biên lợi nhuận gộp của L44 cũng giảm từ 24% xuống còn 13,8% và lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 27% còn 14 tỷ.
Duy nhất LM8 tăng biên lợi nhuận gộp từ 6,7% lên 8,2% nhưng đây vốn là doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận gộp biên thấp nhất nhóm.
Trong khi đó, phía doanh nghiệp nhỏ lại cải thiện khá tốt biên lợi nhuận gộp với mức tăng được ghi nhận tại 3/5 doanh nghiệp. LM3 tăng từ 19,7% lên 24% dù lợi nhuận gộp giảm 7,4% còn 20,5 tỷ; L43 tăng từ 10,6% lên 13% dù lợi nhuận gộp cũng giảm 12,3% còn 12,7 tỷ; L62 tăng từ 12,5% lên 14,5% và lợi nhuận gộp tăng vọt tới 103,5% lên 12,3 tỷ.
Lý giải về điều này, L62 chỉ nói đơn giản rằng trong giai đoạn này, hoạt động của công ty không có sự thay đổi nào lớn mà tương đối ổn định. Với ngành nghề chính là hoạt động xây lắp, doanh thu và chi phí của công ty chịu sự chi phối của tiến độ thi công và ghi nhận theo giai đoạn thực hiện. Theo đó, việc ghi nhận tại các thời điểm khác nhau nên doanh thu, lợi nhuận giữa các quý có sự chênh lệch.
Một nửa số doanh nghiệp sụt giảm mạnh lợi nhuận sau thuế
Về lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm, LM8, L10 và L61 có quy mô vượt trội so với các doanh nghiệp khác, đạt lần lượt là 24,8 tỷ - tăng 9%, 16,3 tỷ - tăng 11,2% và 8,7 tỷ - tăng 28%. Trong khi đó, 2 doanh nghiệp cũng trong nhóm 1 là L05 và L35 lại có mức lợi nhuận sau thuế rất thấp: 153 triệu và 811 triệu đồng.
L62 đã chuyển từ trạng lái lỗ gần 300 triệu trong 6T2013 sang lãi 533 triệu trong 6T2014, nguyên nhân chính trước hết là nhờ tăng trưởng lợi nhuận gộp như trên. Bên cạnh đó, chi phí tài chính giảm từ 8 tỷ còn 6,7 tỷ cũng là một yếu tố thuận lợi.
Ngược lại, LM3 là doanh nghiệp duy nhất bị lỗ gần 800 triệu trong 6 tháng đầu năm. Cùng kỳ năm trước, LM3 vẫn lãi gần 160 triệu. Nguyên nhân lỗ trong 6 tháng đầu năm nay của LM3 là do lợi nhuận gộp giảm từ 22 tỷ xuống còn 20 tỷ trong khi chi phí tài chính đã là 14,3 tỷ và chi phí quản lý doanh nghiệp là 6,6 tỷ - ăn hết lợi nhuận gộp của LM3.
Trong giai đoạn từ quý 1/2013 đến nay, LM3 cũng là doanh nghiệp có biến động lợi nhuận sau thuế mạnh nhất.
>>> Series Review kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm theo ngành
Lan Nguyên
Theo Infonet