MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

MPC có thủ thế quá đà?

01-12-2014 - 09:07 AM | Doanh nghiệp

Chuyện MPC sẽ rời khỏi sàn chứng khoán trong tương lai gần khiến nhiều NĐT cảm thấy tiếc nuối.

Với mức giá khoảng 95.000 đồng/cổ phiếu (ngày 27/11), gấp đôi so với thời điểm cuối tháng 7/2014, chắc hẳn những cổ đông của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) đang cảm thấy tiếc nuối vì quyết định bán quá sớm của mình. Theo thông tin từ DN, hiện lượng giao dịch cổ phiếu MPC trên thị trường chỉ còn vài phần trăm, HĐQT công ty này có thể sẽ ra quyết định rút khỏi sàn ngay vào cuối năm nay, thay cho kế hoạch dự kiến đặt mục tiêu vào năm tới.

Trước đó, hồi đầu năm nay, HĐQT MPC đã chào mua toàn bộ cổ phiếu của các cổ đông nắm giữ dưới 5%, với giá cao nhất là 40.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm cổ phiếu này chỉ có giá khoảng 38.000 đồng/cổ phiếu để dọn đường cho kế hoạch hủy niêm yết. Tuy nhiên, từ khi MPC chia cổ tức nửa đầu năm 2014 tỷ lệ 50% (5.000 đồng/cổ phiếu), giá cổ phiếu này lập tức tăng từ 38.000 đồng lên 60.500 đồng/cổ phiếu sau 7 phiên tăng trần liên tiếp.

Quyết mua, ngày 12/8, MPC tiếp tục công bố kế hoạch nâng giá mua cao nhất lên 100.000 đồng/cổ phiếu, sau khi có thông tin một nhóm cổ đông nhỏ sở hữu trên 14,2 triệu cổ phiếu MPC đã gửi đến HĐQT công ty cam kết nắm giữ cổ phiếu. Động thái này đã giúp MPC đón tiếp đợt sóng tăng trần lần thứ hai và đến thời điểm này đang được giao dịch quanh mức 95.000 đồng/cổ phiếu…

Theo một số chuyên viên phân tích, MPC tăng giá mua vào cổ phiếu không vì ý muốn “đánh nhanh rút gọn” để rời sàn, mà thực tế hoạt động của công ty đang có những bước chuyển vô cùng rõ nét. Về chỉ số kinh doanh, lũy kế 9 tháng năm 2014, doanh thu của MPC tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ, đạt xấp xỉ 10.800 tỷ đồng. Lãi gộp tăng tới 84%, tương ứng tăng từ 811 tỷ đồng lên 1.467 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 253%, từ 221 tỷ đồng lên 778 tỷ đồng. Lãi ròng tăng 263%, từ 156 tỷ đồng lên 565 tỷ đồng.

Nguyên nhân do giá tôm đạt mức cao với lượng xuất khẩu lớn, giúp cho DN chế biến tôm tăng trưởng ổn định kéo dài. Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự báo xuất khẩu tôm năm 2014 có thể vượt mốc 3,5 tỷ USD, nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt và thị trường thuận lợi. Đại diện MPC cho biết thêm, MPC đang đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Nga, khi nhu cầu về tôm ở thị trường này đang tăng lên. Đồng thời, MPC cũng ngày càng hoàn thiện chu trình sản xuất khép kín, qua đó chủ động được nguồn nguyên liệu cũng như hạn chế tác động của sự biến động thức ăn gia súc…

Trao đổi với phóng viên TBNH, ông Lê Đình Minh Phương, Trưởng phòng Phân tích CTCK KIS Việt Nam (KIS) cho biết, đối với MPC, việc DN này hủy niêm yết dựa vào lý do tái cấu trúc và giữ bí mật kinh doanh. Cũng có lý do, MPC có cổ đông chiến lược, đối tác có vốn mạnh đầu tư trực tiếp vào DN nên không cần đến nguồn tiền huy động trên TTCK. Ngược lại, MPC sợ bị thâu tóm trên sàn nên quyết định “thủ thế”… Ở mặt nào đó, ông Phương cho rằng MPC có quyền lựa chọn hình thức kinh doanh, song đây có thể là quyết định chưa thực sự hoàn hảo với một DN có nền tảng phát triển như MPC.

Thực tế, có rất nhiều công ty có vốn mạnh như VNM, HAG, MSM… vẫn tiếp tục chọn phương án niêm yết trên TTCK quốc tế để tìm thêm nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh hoạt động sản xuất trên toàn thế giới. Ngược lại, với những DN có xu hướng co cụm lại bằng cách rời sàn, đến một thời điểm nào đó sẽ thấy loay hoay với quá trình hội nhập quốc tế.

Cũng đánh giá về việc rời sàn của MPC, chuyên viên cao cấp của CTCK MayBank KimEng đưa ra ba lý do có khả năng cao: bị thao túng hoặc thâu tóm; nhiều NĐT là đối tác của MPC cho biết sẽ tham gia vào công ty, nhưng không muốn công ty niêm yết; ban lãnh đạo công ty sợ giá cổ phiếu đi xuống và bị mất thanh khoản như một số công ty ngành nông nghiệp đang niêm yết trên sàn. Theo vị này, khi TTCK chưa có dấu hiệu đi lên như hiện nay thì việc rời sàn của MPC sẽ giúp cổ phiếu này bảo toàn được giá trị.

Tuy nhiên, khi rời sàn, các DN lại trở lại với câu chuyện có còn làm ăn minh bạch không, cổ đông hiện hữu có thao túng DN hay không?... Suy cho cùng, có những cổ phiếu OTC suốt 10 năm qua, dù thị trường có nhiều thay đổi, giá trị DN tăng cao song giá cổ phiếu vẫn giữ nguyên, thậm chí còn giảm giá đến vài chục phần trăm… Cho nên, với những NĐT vẫn quyết tâm đeo bám MPC bất chấp DN đã hủy niêm yết, theo giới phân tích, họ nên cẩn trọng với yếu tố thanh khoản thấp, thậm chí không có giao dịch trong thời gian dài…

Theo Kim

thunm

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên