Nâng cao chất lượng quản trị, Doanh nghiệp cần làm gì?
Các tổ chức quốc tế như WB, IFC đánh giá tính minh bạch của các doanh nghiệp tại Việt Nam chưa cao, xếp hạng thẻ điểm quản trị của doanh nghiệp còn ở mức thấp.
- 20-06-2015“Cứng” và “mềm” để nâng quản trị công ty niêm yết
- 03-06-2015Chuyên gia Mỹ chia sẻ về quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam
- 22-03-2015Những tác động mới của Luật doanh nghiệp 2014 đến Đại hội cổ đông doanh nghiệp
- 28-01-2015Luật doanh nghiệp 2014: Cởi trói cho doanh nghiệp đến đâu?
- 26-12-2014Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính cho Doanh nghiệp
Ngày 04/07/2015, CTCP Chứng khoán FPT kết hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng tổ chức buổi Hội thảo “Những điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2014”.
Tại buổi hội thảo, ông Phan Đức Hiếu – Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, người đã trực tiếp tham gia và soạn thảo Luật Doanh nghiệp mới 2014 đã nêu lên những thay đổi đáng kể của Luật mới.
Luật Doanh nghiệp sửa đổi bảo vệ lợi ích của cổ đông thiểu số
Một nội dung quan trọng trong Luật mới được nhiều cổ đông nhỏ quan tâm đã được ông Phan Đức Hiếu đề cập. Đó là bảo vệ lợi ích của cổ đông thiểu số.
Trong Luật doanh nghiệp sửa đổi năm 2014 có thêm những quy định liên quan đến xung đột lợi ích, bao gồm yêu cầu công khai hóa giao dịch có liên quan và vai trò của cổ đông nhỏ trong phê duyệt giao dịch tư lợi; quy định trách nhiệm đền bù thiệt hại của người quản lý khi thiết lập giao dịch tư lợi; tạo cơ chế để cổ đông khởi kiện người quản lý đòi đền bù thiệt hại gây ra cho công ty.
Bên cạnh đó là những quy định liên quan đến nguyên tắc Quản trị Doanh nghiệp bao gồm quyền của các cổ đông trong việc thông qua các quyết định quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ. Nguyên tắc cơ cấu quản trị doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự khách quan, độc lập, hạn chế sở hữu chéo, làm tăng tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là thông tin cơ cấu sở hữu, kiểm toán, tài chính.
Như vậy, các cổ đông được trao 3 công cụ quan trọng để bảo vệ lợi ích của mình là quyền được tiếp cận các thông tin; Quyền được tham gia các quyết định quan trọng của công ty đặc biệt là quyết định có ảnh hưởng đến lợi ích của mình; Quyền được khởi kiện người quản lý công ty đòi bồi thường thiệt hại xảy ra cho công ty.
Nhưng bản thân doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng quản trị
So với Luật Doanh nghiệp 2005, luật mới đã có những thay đổi cơ bản theo hướng tích cực nhằm nâng cao mức độ bảo vệ cổ đông thiểu số cho Doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động Quản trị Công ty ngày một minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Nhưng điều quan trọng nhất là bản thân doanh nghiệp phải tăng sự chủ động trong công tác này.
Cũng tại buổi Hội thảo, đại diện của FPTS – bà Nguyễn Thị Phương Chi – Giám đốc tư vấn quản trị Doanh nghiệp đã trình bày một số giải pháp Quản trị công ty. Hiện nay, ở Việt Nam, chưa nhiều doanh nghiệp áp dụng thông lệ quản trị tốt, đặc biệt là các công ty tư nhân và công ty đại chúng chưa niêm yết. Do đó, tính minh bạch của các doanh nghiệp tại Việt nam theo đánh giá của các tổ chức quốc tế như WB, IFC còn chưa cao, xếp hạng thẻ điểm quản trị của doanh nghiệp còn ở mức thấp.
Một trong những nguyên nhân là doanh nghiệp chưa nhận thấy được vai trò và lợi ích của quản trị doanh nghiệp tốt đối với sự phát triển bền vững. Do quản trị chưa tốt, doanh nghiệp đang gặp phải nhiều khó khăn.
Với những Doanh nghiệp đã Niêm yết, doanh nghiệp phải đối mặt với những vấn đề như khó huy động vốn, thanh khoản cổ phiếu thấp, khó khăn khi tìm đối tác chiến lược, áp lực với thông tin và dư luận và nguy cơ bị thôn tính do những yếu kém trong quản trị và hoạt động quan hệ nhà đầu tư IR chưa tốt.
Với những Doanh nghiệp chưa Niêm yết, thông thường phải tốn nhiều thời gian, chi phí cho việc quản lý cổ đông, đặc biệt là những doanh nghiệp có số lượng cổ đông lên đến hàng nghìn và ở rải rác khắp nơi, thông tin cổ đông thì thường không được cập nhật chính xác. Bên cạnh đó còn những rủi ro pháp lý trong giao dịch cổ phiếu OTC, thanh khoản cổ phiếu kém. Nhiều công ty cung cấp thông tin tới Nhà đầu tư còn chưa đầy đủ và chuyên nghiệp. Mặt khác, các công ty chưa niêm yết cũng thường gặp những vi phạm nghĩa vụ CBTT của Công ty đại chúng.
Trước thực tế này, FPTS đã xây dựng gói giải pháp quản trị công ty nhằm mục tiêu tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu chưa niêm yết, hỗ trợ doanh nghiệp công bố thông tin kịp thời minh bạch tới đúng đối tượng; quản lý và kiểm soát được cơ cấu cổ đông; tư vấn và tổ chức Đại hội đồng cổ đông thành công và hiệu quả.
Cụ thể, đó là các gói giải pháp quản trị công ty kết hợp giữa tư vấn và tiện ích công nghệ, bao gồm Tư vấn quan hệ nhà đầu tư và giải pháp; Tư vấn tổ chức đại hội đồng cổ đông và giải pháp; Tư vấn quản lý cổ đông, xây dựng cơ cấu cổ đông mục tiêu và giải pháp.
Có thể nói, để giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn xuất phát từ nguyên nhân quản trị yếu kém thì giải pháp tư vấn kết hợp tiện ích công nghệ là sẽ là sự lựa chọn của số đông các doanh nghiệp để có thể tiến tới một con đường phát triển bền vững.