MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành bảo hiểm chạy đua tăng vốn

09-09-2015 - 09:51 AM | Doanh nghiệp

Tiềm năng của ngành bảo hiểm Việt là rất lớn: Trong năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 52.680 tỉ đồng, tăng 13,2% so với năm 2013.

Hồi đầu năm 2015, trước thềm Đại hội cổ đông thường niên, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã kịp đón cổ đông ngoại về với mình. Đó là Công ty Bảo hiểm Dongbu (Hàn Quốc). Dongbu trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với tỉ lệ nắm giữ lên đến 37%.Theo đó, PTI đã phát hành 30 triệu cổ phần để nhận về hơn 1.077 tỉ đồng từ Dongbu và người của Dongbu sẽ tham gia Hội đồng Quản trị. Số tiền này một phần sẽ được dùng để tăng vốn điều lệ từ gần 504 tỉ đồng lên 804 tỉ đồng.

Sau thành công của thương vụ PTI - Dongbu, từ đầu năm đến nay thị trường bảo hiểm còn chứng kiến các mối lương duyên khác. Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), chẳng hạn, đón FairFax Asia Limited, một công ty con của hãng bảo hiểm và tái bảo hiểu toàn cầu Fairfax Financial Holdings (Canada). BIC sẽ phát hành hơn 41 triệu cổ phần, tương đương với tỉ lệ sở hữu 35%, cho FairFax.

Một công ty niêm yết khác là Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) dự kiến sẽ phát hành thêm 17,7 triệu cổ phần, tương ứng tỉ lệ 20%, cho đối tác ngoại trong năm nay.

Như vậy, có thể xem đây là đợt tìm kiếm cổ đông ngoại còn lại của những doanh nghiệp thuộc nhóm “chiếu trên” ở thị trường nội địa. Trước đó, các doanh nghiệp lớn khác đã có đối tác ngoại là Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PVI… Sự gia nhập của khối ngoại được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh các hoạt động bảo hiểm, công nghệ và sản phẩm ở các công ty nội địa.

Không chỉ tìm kiếm đối tác ngoại, để gia tăng năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt cũng đang ra sức tăng vốn. Đây là xu hướng thấy rõ trên thị trường. Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) vừa hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 300 tỉ đồng lên 700 tỉ đồng. Công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC) có kế hoạch tìm kiếm đối tác ngoại nhưng chưa thành công. Thay vào đó, công ty này dự kiến tiếp tục kế hoạch tăng vốn từ 500 tỉ đồng lên mức 600 tỉ đồng, thay cho kế hoạch đầy tham vọng 800 tỉ đồng dở dang trong năm qua.

Trong năm 2014, PVI cũng đã tăng vốn thêm 13,5% lên mức 2.100 tỉ đồng sau khi tăng 8,8%. Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) tăng vốn từ hơn 1.000 tỉ đồng lên 1.300 tỉ đồng. Hoặc như BIC trong năm nay phát hành thành công cho đối tác ngoại, nhưng trước đó đã tăng vốn thêm 15,5% (2014).

Ở phía doanh nghiệp nước ngoài, họ cũng tích cực tham gia vào thị trường Việt Nam. không chỉ gia nhập dưới hình thức đối tác chiến lược, họ còn xây dựng liên doanh bảo hiểm mới. Chẳng hạn như liên doanh vừa được lập nên giữa ba tổ chức Ngân hàng Quân Đội, Tập đoàn Bảo hiểm Aegas (Bỉ), Công ty Bảo hiểm nhân thọ Muang Thai (Thái Lan). Một số cũng đẩy mạnh tăng vốn. Hanwa Life (Hàn Quốc), chẳng hạn, năm ngoái đã tăng vốn lên 1.900 tỉ đồng. Great Eastern, AIG, AIA cũng đều đã tăng vốn điều lệ trong năm qua. Fubon Life thì tăng vốn điều lệ từ 800 tỉ đồng lên 1.400 tỉ đồng hồi tháng 8 năm nay.

Có nhiều lý do để doanh nghiệp bảo hiểm tăng vốn. Ngành bảo hiểm cũng giống như ngân hàng, nghĩa là cần một lượng vốn lớn để đáp ứng các yêu cầu kinh doanh. Bảo hiểm là nơi nhận tiền gửi, đồng thời cũng là tổ chức trả lại tiền cho khách hàng, nên cần phải đảm bảo các tiêu chí thanh toán khi tới hạn. Hơn nữa, vốn điều lệ cao cũng cho phép quy mô hoạt động tăng lên.

Mặt khác, bảo hiểm ở Việt Nam là ngành không hề dễ xơi. Ðể giành thị phần, các công ty bảo hiểm phải cạnh tranh nhau về mức phí và hoa hồng cho đại lý. Bên cạnh việc chuyện bồi thường bảo hiểm nhiều hơn, chính áp lực cạnh tranh này đã khiến một số doanh nghiệp bị thua lỗ. Và khi thua lỗ, việc tăng vốn là chuyện bắt buộc để đáp ứng yêu cầu kinh doanh và các tiêu chí an toàn.

Lấy Công ty Bảo hiểm AAA làm ví dụ. AAA gia nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam từ năm 2005 và hiện là một thành viên của Tập đoàn Bảo hiểm Australia (IAG). Theo báo cáo tài chính tóm tắt năm 2014, AAA lỗ lũy kế 540 tỉ đồng, dẫn đến vốn chủ sở hữu chỉ còn lại gần 340 tỉ đồng, trên số vốn điều lệ xấp xỉ 813 tỉ đồng.

AAA chưa thấy kế hoạch tăng vốn, còn Fubon Life vừa tăng vốn hồi tháng 8. Theo công bố của mình, Fubon Life tăng vốn để gia tăng nền tảng tài chính và đặt nền móng sâu hơn ở Việt Nam. Dù vậy, theo báo cáo tài chính năm 2014, Fubon Life cũng thua lỗ 21 tỉ đồng trong năm 2014 và vốn chủ sở hữu giảm.

Mức vốn pháp định của các công ty bảo hiểm thấp, từ 300 đến 1.000 tỉ đồng tùy loại hình bảo hiểm kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm tăng vốn một phần để tăng năng lực kinh doanh, chứ không hẳn là “cụt vốn” về dưới mức quy định. Theo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, hiện có 46/47 doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định của ngành.

Công ty Chứng khoán VPBS đánh giá, trước đây các doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh giành thị phần thì bây giờ đã tập trung vào chiến lược phát triển theo chiều sâu và quản lý rủi ro. “Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực và tăng cường vị thế tài chính”, báo cáo VPBS viết.

Một lý do khác, ở phía doanh nghiệp nội địa, khi tìm cách tăng vốn chính là để được các tổ chức nước ngoài đánh giá, xếp hạng công ty, từ đó giá trị của công ty được gia tăng gấp nhiều lần. Hơn nữa, theo những gì ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Bảo hiểm PVI, chia sẻ với báo giới, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cần phải lớn hơn để tham gia cuộc chơi sâu hơn trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, có một lý do tổng thể khiến dòng vốn đổ vào lĩnh vực bảo hiểm ngày càng nhiều hơn đó là vì tiềm năng của nó. Theo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, năm 2014 tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 52.680 tỉ đồng, tăng 13,2% so với năm 2013. Công ty Chứng khoán BSC dẫn báo cáo của BMI cho biết tốc độ tăng trưởng trung bình của bảo hiểm Việt Nam trong giai đoạn 2004-2014 là 16,4%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực (khoảng 10-12%).

Nhìn xa hơn, Việt Nam là một trong hai thị trường tiềm năng thu hút các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, theo báo cáo của Ernst & Young về “Sự chuyển dịch của ngành bảo hiểm tại các thị trường mới nổi.

Theo Thanh Phong

Nhịp cầu đầu tư

Trở lên trên