MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành nhiệt điện quý 3/2014: Cứu cánh từ lãi tỷ giá

11-11-2014 - 09:45 AM | Doanh nghiệp

Kết quả 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp đều thể hiện một trạng thái tốt hơn hẳn so với cùng kỳ cả về doanh thu và lợi nhuận. Trong đó không thể không kể đến sự đóng góp rất lớn của hoạt động tài chính, và đó vẫn là câu chuyện về tỷ giá.

Các doanh nghiệp trong ngành nhiệt điện đã công bố BCTC quý 3/2014. Kết quả 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp đều thể hiện một trạng thái tốt hơn hẳn so với cùng kỳ cả về doanh thu và lợi nhuận. Trong đó không thể không kể đến sự đóng góp rất lớn của hoạt động tài chính, và đó vẫn là câu chuyện về tỷ giá.

Dù giá bán điện vẫn “tạm tính”, Doanh thu 9 tháng đầu năm tăng trưởng tốt

Quý 3/2014, ngoại trừ nhiệt điện Bà Rịa (mã: BTP) thì doanh thu thuần của các DN nhiệt điện khác đều tăng.

Đứng đầu về doanh thu là Nhiệt điện Hải Phòng với giá trị gần 1.740 tỷ đồng – tăng 197% so với quý 3/2013. Đứng thứ 2 là Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2, đạt 1.484 tỷ đồng – tăng 30,6% so với cùng kỳ.

9 tháng đầu năm 2014, Nhiệt điện Hải Phòng vẫn là doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất, đạt 5.844 tỷ đồng – tăng 86,8% so với 9 tháng đầu năm 2013. Nhiệt điện Phả Lại (mã: PPC) là doanh nghiệp đứng thứ 2 về doanh thu với 4.845,6 tỷ đồng – tăng 16,4%. Cùng kỳ này năm trước, PPC là doanh nghiệp có doanh thu cao nhất.

Doanh thu tăng là nhờ PPC tăng sản lượng điện thương phẩm, còn giá bán điện vẫn đang trong quá trình đàm phán với EVN và được tạm tính ở mức 85% giá chính thức của năm 2013 (tức 979 đồng/KWh).

So với các doanh nghiệp quy mô lớn như Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh và Nhơn Trạch 2 thì Nhiệt điện Bà Rịa BTP và Nhiệt điện Ninh Bình NBP nhỏ hơn hẳn. Dù vậy, 2 doanh nghiệp nhỏ này cũng có mức tăng trưởng doanh thu cao, lần lượt là 47,2% và 20,7%.

Đối với BTP, giá điện bán cho EVN vẫn đang trong quá trình đàm phán nên công ty hạch toán doanh thu với giá điện tạm tính bằng giá năm 2013 (tức 1.422,5 đồng/Kwh).

Đối với NBP, dù cũng chưa ký được hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng đã tạm tính giá bán điện theo cơ sở giá nhiên liệu đầu vào, theo đó đã tăng giá bán điện thêm 210 đồng từ 2.372,3 đồng/KWh lên 2.162,04 đồng/KWh. Bên cạnh đó, sản lượng điện thương phẩm của công ty cũng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.

Giá nhiên liệu tăng cao, lợi nhuận gộp biên suy giảm so với cùng kỳ

Tương tự như kết quả 6 tháng đầu năm, mặc dù doanh thu tăng trưởng khá tốt nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp biên của các DN trong 9 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ.

Nổi bật là PPC. Doanh nghiệp này lỗ gộp 122 tỷ trong quý 3/2014 do chi phí nhiên liệu đầu vào tăng cao. Theo đó, PPC chỉ còn lãi gộp 201 tỷ trong 9 tháng đầu năm – giảm 78% so với 9T2013 và tỷ suất lợi nhuận gộp biên giảm từ 19% còn 3,6%. Từ quý trước, trong kết quả 6 tháng đầu năm, PPC cũng cho thấy điều này khi lợi nhuận gộp biên của PPC sụt giảm bất ngờ từ 20,5% trong 6T2013 xuống còn 7,6% trong 6T2014 với nguyên nhân là do giá than và giá dầu FO đều tăng mạnh.

BTP, NBP và NĐ Hải Phòng cũng chung tình trạng nhưng 2 doanh nghiệp còn lại là NĐ Quảng Ninh và Nhơn Trạch 2 lại cải thiện tỷ lệ này thêm 2- 4%.

Trong số các doanh nghiệp trên, Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 và BTP sử dụng khí đốt để làm nhiên liệu phát điện. Các doanh nghiệp còn lại sử dụng than.

Đột biến từ lãi tỷ giá

Nếu như trong quý 2/2014, PPC báo lỗ ròng 49,2 tỷ và BTP lỗ 7,6 tỷ do bị lỗ từ chênh lệch tỷ giá khi đánh giá lại những khoản vay bằng ngoại tệ rất lớn và từ lâu thì trong quý 3/2014, lãi từ chênh lệch tỷ giá lại đem lại cho các doanh nghiệp những khoản doanh thu tài chính cực kỳ lớn và giảm chi phí tài chính.

Tiêu biểu cho thuận lợi này là Nhiệt điện Nhơn Trạch 2. Doanh thu tài chính của công ty này tăng vọt từ 44 tỷ lên 320 tỷ đồng còn chi phí tài chính giảm từ 604 tỷ xuống 360 tỷ đồng.

Điều này khiến cho lợi nhuận trước thuế của NT2 từ mức -88 tỷ của cùng kỳ năm ngoái lên 575 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu là do trong năm nay NT2 ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện lên tới 301 tỷ đồng trong khi năm trước phải chịu khoản lỗ tỷ giá chưa thực hiện 202 tỷ đồng.

Việc tỷ giá VND/EUR giảm mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến khoản lãi tỷ giá trên. Tại 31/12/2013, tỷ giá VND/EUR do Vietcombank công bố là 28.890 đồng/EUR trong khi đến 30/9/2014 chỉ còn 26.681 đồng/EUR. Tại ngày 30/9/2014, dư nợ gốc của các khoản vay bằng ngoại tệ của Nhơn Trạch 2 là 143,7 triệu EUR và 157,3 triệu USD.

Đối với Nhiệt điện Bà Rịa, 9 tháng đầu năm, công ty lãi 34,6 tỷ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện. chi phí tài chính trong quý 3/2014 chỉ có 5,1 tỷ thay vì gần 43 tỷ như quý 3/2013. Cuối năm 2013, vay nợ của BTP bao gồm 35 tỷ won (KRW) và 4,6 triệu USD. Đây vốn là những khoản vay ưu đãi ODA và từ Ngân hàng thế giới (vay lại qua EVN) từ nhiều năm trước.

Về phía PPC, tại thời điểm 31/12/2013, số dư vay dài hạn của PPC với EVN gần 27 tỷ JPY tương đương 5.374,9 tỷ VND. Đây là khoản vay EVN cho PPC vay lại từ nguồn của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) để đầu tư xây dựng nhà máy Nhiệt Điện Phả Lại 2 với thời hạn 22 năm 6 tháng kể từ ngày 26/12/2006.

Quý 3/2014, PPC được hoàn nhập chi phí tài chính hơn 220 tỷ và chi phí tài chính 9 tháng đầu năm giảm 29% còn 113,3 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế: Một bức tranh đầy màu xanh

Mặc dù PPC và NBP có lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ, trong đó PPC giảm mạnh gần 65% xuống còn 496 tỷ và NBP giảm nhẹ 4% xuống còn 25,3 tỷ nhưng các doanh nghiệp còn lại thì đều tăng vọt.

LNST của BTP tăng 25,6% lên hơn 101 tỷ. 3 doanh nghiệp chưa niêm yết là Nhiệt điện Hải Phòng, NĐ Quảng Ninh và Nhơn Trạch 2 đều từ lỗ chuyển sang lãi to.

Về tỷ suất sinh lời, NĐ Nhơn Trạch 2, NBP và BTP là những doanh nghiệp có ROE và ROA lớn nhất.

Lan Nguyên

trangminh

Tài chính Plus

Trở lên trên