MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghi vấn chuyển giá

30-10-2014 - 11:49 AM | Doanh nghiệp

"Chúng ta cần phải phân định rõ khái niệm né thuế, tránh thuế với khái niệm trốn thuế. Bất kỳ DN nào cũng vậy, khi kinh doanh họ luôn tìm những sơ hở của luật pháp để có thể giảm được thuế, điều này không phải là phạm luật".

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến "Chống chuyển giá: giải pháp linh hoạt - chính sách phù hợp” được Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức sáng 29-10, các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng, chống chuyển giá, trốn thuế là một "cuộc chiến” gian nan.

Cuộc chiến bền bỉ

"Hiện tượng chuyển giá hiện không chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp FDI như trước mà đã có dấu hiệu lan sang cả một số DN trong nước. Do đó, cần phải rất nghiêm khắc, phải có chế tài mạnh đối với các DN có hành vi chuyển giá”- TS Nguyễn Minh Phong
Nhìn chung, hành vi chuyển giá của một số doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không mới. Song, vấn đề làm thế nào để ngăn chặn được các hành vi chuyển giá, trốn thuế của DN mới là điều khiến các nhà quản lý, cơ quan chức năng phải đau đầu.

Số liệu từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), trong 8 tháng đầu năm 2014, khi thanh tra, kiểm tra tại hơn 39.000 DN, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 2.000 DN có dấu hiệu chuyển giá, truy thu hơn 1.000 tỷ đồng. Không thể phủ nhận vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong hơn 2 thập kỷ qua, song, những hành vi chuyển giá, trốn thuế của một số DN FDI đang khiến dư luận có cái nhìn không tốt vào khu vực DN này.

Lý do là bởi, mặc dù làm ăn thất thu, kết quả kinh doanh liên tục báo lỗ, song nhiều DN FDI vẫn mở rộng kinh doanh, đầu tư tăng thêm. Gần đây nhất là sự vụ liên quan đến Metro. Mặc dù hoạt động 12 năm ở Việt Nam, và mở rộng kinh doanh ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, với vị thế đắc địa, song có tới 11 năm công ty này báo lỗ. Điều này khiến dư luận buộc phải đặt câu hỏi: Liệu Metro có đang thực hiện hành vi chuyển giá nhằm trốn thuế?

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, câu hỏi đó vẫn chỉ là nghi vấn. Và theo như khẳng định của ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu chúng ta chưa có đủ căn cứ để chứng minh nghi vấn chuyển giá của Metro là đúng, thì không thể kết luận Metro chuyển giá. Ông Hoàng cho rằng, muốn khẳng định một DN có chuyển giá hay không, nhất định chúng ta phải rà soát, kiểm tra lại từ khâu đầu tiên khi họ đầu tư vào Việt Nam, từ lúc xây dựng nhà máy, đầu tư để sản xuất, chứ không thể chỉ nhìn vào khâu cuối là khâu nộp thuế DN mà đã kết luận họ vi phạm.

"Chúng ta cần phải phân định rõ khái niệm né thuế, tránh thuế với khái niệm trốn thuế. Bất kỳ DN nào cũng vậy, khi kinh doanh họ luôn tìm những sơ hở của luật pháp để có thể giảm được thuế, điều này không phải là phạm luật. Nhưng nếu cố tình tìm các biện pháp để trốn thuế, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, đó là cách làm ăn phi pháp”, ông Hoàng nêu quan điểm.

Cũng theo vị Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cuộc chiến chống chuyển giá sẽ là một cuộc chiến đòi hỏi sự bền bỉ của người trong cuộc, phải có biện pháp để tìm ra bằng chứng rõ ràng. Câu chuyện chống chuyển giá không chỉ riêng của Việt Nam mà là của khu vực và quốc tế. Bởi, muốn kiểm tra được thì phải biết giá đầu vào cùng một mặt hàng đó khi chuyển vào Việt Nam là bao nhiêu, còn chuyển vào các nước khác là bao nhiêu…Vì thế, đòi hỏi một bộ máy thật chuyên nghiệp và có năng lực cao.



Cơ quan chuyên trách- tại sao không?

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, TS Nguyễn Minh Phong lại cho rằng, một DN nếu chỉ lỗ một hai năm đầu còn có thể coi là bình thường, là chiến lược kinh doanh của họ, nhưng nếu lỗ liên tục hơn 10 năm và kéo dài lâu hơn nữa, đó là hiện tượng không bình thường. Theo TS Phong, pháp luật cần phải rất nghiêm khắc đối với các hành vi chuyển giá, trốn thuế của DN FDI. Bởi, nếu không nghiêm, chính những hành vi đó của một số DN FDI đang dẫn đến nhiều hệ quả xấu như làm méo mó môi trường đầu tư, tạo lợi thế không bình đẳng giữa các đối tác khác, tạo ra những con số ảo và tình trạng thâu tóm không lành mạnh, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gây nguy cơ tham nhũng cao hơn, làm thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến tiềm lực quốc gia.

Ông Phong đề xuất: "Việt Nam cần có một cơ quan chuyên trách đối với lĩnh vực này, bởi đây là lĩnh vực rất phức tạp, nó ảnh hưởng đến cả môi trường kinh doanh cũng như lợi nhuận của Nhà nước. Tại sao chúng ta có cảnh sát chuyên về lĩnh vực môi trường mà không có cảnh sát chuyên về lĩnh vực này?”- TS Phong đặt câu hỏi.

Khẳng định cuộc chiến chống chuyển giá vẫn là một cuộc chiến gian nan, phức tạp- ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) đề xuất: Trong thời gian tới, để hạn chế hiện tượng này, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động chuyển giá, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu làm cơ sở cho công tác phân tích rủi ro và thanh tra hoạt động chuyển giá. Cùng với đó nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này kết hợp đẩy mạnh công tác thanh tra, công tác truyền thông. "Tất nhiên, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ khó khăn này, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành liên quan”, ông Phụng nhấn mạnh.

Theo Duy Phương

thunm

Đại đoàn kết

Trở lên trên