MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nhanh lên, đừng nản lòng”

17-06-2013 - 01:13 AM | Doanh nghiệp

Dù “nhìn đâu cũng thấy cơ hội”, nhưng nhiều doanh nhân Việt thừa nhận việc thâm nhập và bám trụ thị trường Myanmar không phải là câu chuyện một sớm một chiều.

Trong các năm qua, theo ông Chu Công Phùng - cựu đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Myanmar, đã có hàng ngàn doanh nghiệp VN sang Myanmar tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhưng đến nay số doanh nghiệp được cấp phép đầu tư rất ít. Tuy nhiên, ông Phùng cho rằng tiềm năng của thị trường Myanmar là “cực lớn”, các doanh nghiệp VN không thể chậm chân hơn nữa và cũng đừng thấy khó mà nản lòng.

Kẹt xe và giá nhà đắt đỏ

Doanh nhân Việt: phải giữ chữ tín với bạn

Cũng như nhiều người tiêu dùng Myanmar, giới doanh nghiệp tại quốc gia này đều không thích hàng “Made in China” do chất lượng không tốt. Ngược lại, người tiêu dùng và giới doanh nhân Myanmar lại rất thích hàng hóa VN cũng như làm ăn với doanh nghiệp VN. “Đây là một lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp VN nếu muốn thâm nhập thị trường này. Tuy nhiên, muốn bám trụ lâu dài thì các doanh nghiệp Việt phải làm ăn uy tín, đừng đem hàng tốt đi giới thiệu tại hội chợ triển lãm rồi giao hàng xấu khi ký hợp đồng” - ông Nguyễn Công Kiên - đại diện của Simco Sông Đà và là người có nhiều năm “ăn dầm nằm dề” tại Myanmar - khuyến cáo.

Trở lại TP Yangon sau đúng một năm, sự thay đổi rõ nhất mà chúng tôi ghi nhận được là đường phố xuất hiện nhiều ôtô mới hơn, cùng với các loại ôtô đời cũ tay lái nghịch, và đường phố trở nên chật chội hơn, kẹt xe nhiều hơn. 

Chỉ với một đoạn đường ngắn từ khách sạn Sedona đến chợ đá quý Boyoke chưa đến 5.000 kyat tiền taxi, chúng tôi phải mất gần một giờ. Cũng từ khách sạn này đến chùa vàng Shwedagon với 3.000 kyat tiền taxi, thời gian ngồi xe cũng gần 45 phút. Vào giờ cao điểm, nhiều đường phố tại Yangon luôn kẹt cứng, ôtô chỉ nhích từng đoạn.

Và một hình ảnh đã trở nên quen thuộc vào những giờ cao điểm trên đường phố Yangon là những người bán dạo tranh thủ lúc kẹt xe đem chào bán cho khách đủ các loại mặt hàng, từ thức ăn, nước uống, sách báo cho đến... Luật đầu tư nước ngoài vào Myanmar. 

Sự khác biệt với TP.HCM có lẽ là Yangon không có cảnh xe máy chen lấn, do xe máy bị cấm tại thành phố này, và đặc biệt là hầu như không nghe tiếng còi gắt gỏng của các bác tài. Hầu hết các bác tài đều kiên nhẫn chịu đựng cảnh kẹt xe chờ đến lượt mình. Tuy một vài tuyến đường tại thành phố này đang được mở rộng, nhưng tốc độ phát triển hạ tầng giao thông không theo kịp số lượng ôtô ngày càng tăng.

Cùng với “đặc sản” kẹt xe, sự nóng lên từng ngày của bất động sản và giá thuê mặt bằng tại TP Yangon cũng đang gây đau đầu với nhiều nhà đầu tư và khách du lịch. Nhiều doanh nhân sau một năm trở lại thành phố này đã rất bất ngờ thấy giá khách sạn và văn phòng cho thuê đã tăng 2-3 lần. Giá đất đai tại Yangon hiện nay cũng “sốt” như Hà Nội và TP.HCM vào những năm bất động sản “sốt” nhất và cũng đắt không kém gì tại Hà Nội và TP.HCM.

Ông Đoàn Nguyên Đức - chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - cho biết doanh nghiệp đang thuê hai căn biệt thự có diện tích sàn 150m2/căn tại Yangon với giá 5.500 USD/căn/tháng. “Nhưng hiện nay, một căn nhà có diện tích tương tự tại khu vực chúng tôi thuê đã có giá cao hơn, thậm chí nhiều nhà đầu tư nước ngoài không tìm được nhà để đặt văn phòng. Giá thuê mặt bằng tại đây tăng lên từng ngày” - ông Đức nói. Trong khi đó, cách nay một năm, ông Nguyễn Công Kiên, đại diện Công ty Simco Sông Đà, cho biết chỉ phải trả 2.000 USD/tháng cho một căn nhà rộng 1.000m2 tại khu vực được mệnh danh là thung lũng vàng ở TP Yangon.

Rủi ro song hành với cơ hội

Trò chuyện với chúng tôi về các thủ tục hành chính tại Myanmar, một lãnh đạo liên doanh MysiCo khẳng định không phải “vô duyên vô cớ” mà tại buổi lễ khởi công dự án khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center vào ngày 5-6 tại TP Yangon, ông Trần Bắc Hà - chủ tịch BIDV - lên tiếng đề nghị chính quyền thành phố này “tạo cơ chế tốt nhất để chủ đầu tư nhập máy móc thiết bị thi công dự án”. Theo vị này, dù đã có nhiều cải cách nhưng thủ tục xuất nhập hàng tại Myanmar là “cực kỳ nhiêu khê”, do tình trạng “trên đã thoáng, dưới chưa thông”.

Nhiều doanh nghiệp VN nhận định rằng do thời gian mở cửa chưa lâu, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, thương mại của Myanmar vẫn chưa hoàn chỉnh nên đã gây trở ngại không ít đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có VN.

“Tôi từng nói đùa với các vị lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai rằng nếu không có cơ chế riêng, không được tạo điều kiện thì chỉ riêng thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu thiết bị thi công cũng tốn cả năm, chứ chưa nói đến khả năng hoàn thành dự án đúng tiến độ” - vị này nói. Dẫn chứng trường hợp của MysiCo, vị này cho biết khi nhập hai chiếc máy phục vụ cho mỏ đá, doanh nghiệp này phải xin giấy phép nhập máy riêng và nhập... các loại dây nhợ kèm theo máy riêng. Thậm chí, từng có thời điểm dù đã có giấy phép nhập một lô hàng, nhưng nếu hàng đưa vào bằng nhiều chuyến thì mỗi chuyến phải có giấy phép riêng.

Ngoài ra, một khó khăn khác: hoạt động thanh toán điện tử hầu như không có. Do hệ thống ngân hàng Myanmar vẫn chưa kết nối hệ thống ngân hàng các nước, trong đó có VN, nên việc thanh toán tương đối khó khăn, chủ yếu thông qua một số ngân hàng ở Singapore.

Trước tình hình đó, theo ông Lê Quang Định - phó tổng giám đốc Công ty CP Dây cáp điện VN, các doanh nghiệp thương mại VN có một cách tốt nhất để thâm nhập thị trường Myanmar là phải liên kết với doanh nghiệp nội địa để họ xúc tiến thương mại và bán hàng cho mình. 

Chia sẻ với nhận định này, ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Vissan, cho rằng với những doanh nghiệp lần đầu tiên đến Myanmar nhìn đâu cũng thấy cơ hội, lĩnh vực nào cũng có thể tham gia. Lần thứ hai đến lại thấy cái gì cũng khó, đụng đâu cũng vướng chứ không dễ làm, bắt đầu nản chí. Nhưng nếu có thiện chí, lần thứ ba sang sẽ có giải pháp. Đó là liên kết với các doanh nghiệp Myanmar để đưa hàng sang, vì chỉ có những doanh nghiệp nội địa mới rõ đường đi nước bước các thủ tục cũng như nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo HẢI ĐĂNG

thanhhuong

Tuổi trẻ

Trở lên trên