MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ôm "cục nợ" khủng, HT1 muốn tăng vốn cách nào?

16-07-2013 - 08:06 AM | Doanh nghiệp

Khả năng lớn là công ty sẽ phát hành thêm cổ phiếu để chào bán cho cổ đông hiện hữu hoặc cổ đông chiến lược hay cấn trừ công nợ hoặc chuyển nợ thành cổ phần.

Ngày 12/7/2013, HĐQT Công ty Cổ phần Xi Măng Hà Tiên 1 (HT1) ra quyết định về việc tăng vốn điều lệ bằng phương án phát hành thêm cổ phiếu. Đây là một trong các nội dung phải được ĐHCĐ thông qua. Chính vì vậy, trong tháng 8, công ty sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường để bàn về phương án phát hành thêm cổ phiếu đã được HĐQT thông qua trước đó. 

Tăng vốn điều lệ có thực sự cần thiết?

Câu trả lời nhanh chóng sẽ là cần, nếu không muốn nói là cực kỳ cần thiết. Hiện tại HT1 sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ quá cao. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cuối quý 1 của công ty là 6 lần. Nợ ngắn hạn/tài sản ngắn hạn tại cùng thời điểm bằng 2,19 lần. Khả năng thanh toán của HT1 đáng báo động khi hàng tồn kho chiếm tỷ lệ tới 66,8% tài sản ngắn hạn của công ty.

Có các phương án phát hành thêm cổ phiếu mà HT1 có thể cân nhắc:

(1) Phát hành thêm từ thặng dư vốn, hoặc từ lợi nhuận sau thuế lũy kế (cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu)

(2) Phát hành thêm và chào bán cho cổ đông hiện hữu hoặc cổ đông chiến lược.

(3) Chuyển nợ thành vốn cổ phần

(4) Hoán đổi cổ phần của các đơn vị khác như trước đây HT1 đã từng làm với HT2.

Cho dù phát hành theo phương án nào, vốn điều lệ của HT1 cũng sẽ tăng một lượng tương ứng, chỉ số tài chính "đẹp" hơn, thu được một nguồn tiền mặt (phương án 2), hoặc giảm nợ vay (phương án 3)...

Tình hình hoạt động kinh doanh của HT1 cũng không thực sự tốt khi lợi nhuận những năm gần đây có xu hướng giảm dần, năm 2011 lỗ 9 tỷ đồng, đến năm 2012 lãi hơn 9 tỷ đồng. Nếu nhìn vốn điều lệ gần 2.000 tỷ của HT1, kết quả này quả không lấy gì làm tự hào. 

Vay nợ khủng, không có gì khó hiểu khi hàng năm công ty phải bỏ hàng trăm tỷ đồng để chi trả lãi vay.

Mối tương quan giữa chi phí lãi vay và LNST của HT1 thể hiện cụ thể ở biểu đồ sau:



Phương án phát hành cổ phiếu

Quay lại với phương án phát hành cổ phiếu của HT1. Như chúng tôi đã đề cập ở trên, có 2 nguồn phát hành chủ yếu: nguồn tự có, và nguồn từ bên ngoài.

Vậy HT1 có những gì?

Công ty có một bảng cân đối chưa đẹp. Ngoài tỷ lệ nợ/vốn chủ cao, cơ cấu nguồn vốn của HT1 cũng gây nhiều ái ngại cho nhà đầu tư: Vốn chủ sở hữu thấp  hơn vốn điều lệ (chủ yếu vì khoản chênh lệch tỷ giá âm trên 300 tỷ đồng), thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận chưa phân phối (tính đến cuối quý 1/2013) lần lượt đạt 70,8 tỷ đồng và 4,3 tỷ đồng. Con số này quá ít ỏi so với vốn điều lệ khủng 1.980 tỷ đồng của công ty tại cùng thời điểm. 

Như vậy, khả năng phát hành thêm cổ phiếu từ vốn tự có (cụ thể là thặng dư vốn và lợi nhuận chưa phân phối) là rất thấp, và nếu phát hành, cũng không giải quyết được vấn đề gì. Tiền không có thêm, vốn điều lệ tăng tối đa 4%...

Khả năng lớn là công ty sẽ phát hành thêm cổ phiếu để chào bán cho cổ đông hiện hữu hoặc cổ đông chiến lược hay chuyển đổi nợ thành vốn cổ phần. 

Đến lúc này, HT1 lại gặp một vướng mắc khác mà cho đến giờ rất ít doanh nghiệp giải quyết được: Giá phát hành thế nào là phù hợp?

Đã 1 năm nay, HT1 chưa chạm mức giá 6.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mệnh giá.

Hiện tại mới chỉ một số doanh nghiệp như Gỗ Trường Thành (TTF) và Tribeco (TRI) (đã hủy niêm yết) được Ủy ban cho phép phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá. Nói riêng TTF, tình hình tài chính cũng sáng sủa hơn hẳn. Vốn điều lệ 394 tỷ đồng, công ty có hẳn một khoản thặng dư 273 tỷ đồng, đủ sức "bù" lỗ khoản thâm hụt do phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá mang lại. Cần nhắc lại, với vốn điều lệ gần 2.000 tỷ đồng, thặng dư vốn điều lệ của HT1 chưa đến 71 tỷ đồng. 

Gần đây, Tập đoàn Đại Châu (DCS) đưa ra nghị quyết ĐHCĐ thường niên với phương án phát hành cổ phiếu với giá 4.000 đồng. Đã hơn 2 tháng trôi qua, DCS vẫn chưa triển khai kế hoạch đề ra. 

Nếu phát hành dưới mệnh giá, HT1 thực sự không có khoản nào để bù đắp thâm hụt gây ra, đúng hơn là có, nhưng không đáng kể. Với điều kiện này, việc xin phép Ủy ban chứng khoán có lẽ cũng không dễ dàng gì.

Trường hợp lạc quan nhất có thể xảy đến với HT1, giải quyết toàn bộ vấn đề của công ty, đó là phát hành không thấp hơn mệnh giá.

Cũng phải nói thêm về khả năng phát hành cổ phiếu để chuyển nợ thành vốn chủ sở hữu. 

Tại thời điểm cuối năm 2012, phần lớn các khoản nợ vay ngắn và dài hạn của HT1 đều là các khoản vay ngân hàng (chiếm 79% - tương đương 8.827 tỷ đồng vay ngắn và dài hạn). Hiện tại, Tổng công ty Công nghiệp xi măng là công ty mẹ đồng thời là chủ nợ của khoản nợ vay dài hạn trên 1.100 tỷ đồng của HT1. Nếu chuyển nợ thành vốn góp, khoản nợ trên 1.100 tỷ đồng với công ty mẹ là khoản dễ dàng được xem xét nhất. Với một doanh nghiệp vẫn thuộc sở hữu Nhà nước như HT1, việc công ty mẹ nhảy vào để cứu công ty con hoàn toàn có thể được tính đến.  

Phải là một nhà đầu tư đặc biệt, có mối quan hệ mật thiết với HT1, đánh giá cao tiềm năng của công ty này, mới có thể bỏ tiền ra theo cách như vậy. Điều đó, đến tận bây giờ vẫn còn là một ẩn số. 

Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên