Petrolimex sẽ vay tiền để nộp thuế ngay
Trước đó, trong văn bản kiến nghị gửi liên Bộ, Petrolimex cho rằng chính sách ân hạn thuế xăng dầu 30 ngày là phù hợp với yêu cầu về số ngày dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế sửa đổi, từ ngày 1/7/2013, doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu không còn được hưởng chính sách ân hạn thuế 30 ngày, mà bắt buộc phải nộp thuế NK ngay trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa từ tàu lên kho bãi.
Ứng trước 2.500 tỷ đồng thuế/tháng
Trước những thay đổi chính sách thuế gây ảnh hưởng lớn đến "túi tiền" của DN, Petrolimex đã có văn bản gửi liên Bộ Tài chính - Công Thương cho rằng việc không được ân hạn thuế sẽ khiến tập đoàn khó cân đối nguồn tài chính, tăng chi phí vay vốn ngân hàng, dẫn tới tăng chi phí kinh doanh khoảng 40 đồng/lít.
Trao đổi với PV Thời báo Kinh Doanh, ông Năm cho biết: "Khi chính sách ban hành thì các DN phải chấp hành, và Petrolimex cũng không là ngoại lệ. Nhưng khi thực hiện thấy phát sinh vấn đề thì chúng tôi kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền xem xét. Đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được văn bản phản hồi của liên Bộ về các đề xuất của Petrolimex".
Trước đó, trong văn bản kiến nghị gửi liên Bộ, Petrolimex cho rằng chính sách ân hạn thuế xăng dầu 30 ngày là phù hợp với yêu cầu về số ngày dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu (theo Nghị định 84/2009), giúp DN cân đối được nguồn vốn để nộp thuế. Petrolimex cũng đề nghị liên Bộ đưa khoản chi phí tăng thêm do việc phải nộp thuế ngay vào giá cơ sở xăng dầu.
Theo ông Năm, mỗi năm, Petrolimex phải nộp cho Ngân sách Nhà nước vài chục nghìn tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động NK xăng dầu. Dự kiến, tổng số tiền thuế phải nộp trong năm 2013 xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Như vậy, khi áp dụng chính sách thuế mới, mỗi tháng tập đoàn này sẽ phải ứng tiền nộp thuế trước hơn 2.500 tỷ đồng. Đây là một số vốn không hề dễ xoay sở, vay mượn trong tình cảnh các ngân hàng đều thắt chặt tín dụng.
"Trước đây được ân hạn thuế 30 ngày, DN cân đối được dòng tiền tức thì. Vì cứ bán hàng ra, thu được tiền về mới trả nợ vay, đóng thuế. Giờ DN phải ứng ngay một khoản để đóng thuế, tức là chi trước mà dòng tiền chưa về nên khó cân đối", ông Năm nói và cho biết thêm: DN kinh doanh xăng dầu không có tích lũy thêm vốn, mà phải đi vay vốn để kinh doanh. Mà càng vay nhiều thì chi phí lãi vay càng lớn, sẽ tính vào giá thành và người tiêu dùng phải chịu giá xăng dầu cao.
Về việc thanh toán thuế theo hình thức bảo lãnh ngân hàng (áp dụng với xăng dầu tạm nhập - tái xuất), đại diệnPetrolimex cho rằng dù có bảo lãnh ngân hàng, DN vẫn phải trả theo lãi suất chậm trả, cộng thêm khoản phí bảo lãnh và lãi suất quá hạn lên tới 18%/năm. Do đó, "Petrolimex không dùng bảo lãnh để thanh toán tiền thuế vì chi phí quá cao. Mà sẽ đi vay ngân hàng để nộp thuế luôn", ông Năm nói.
Nhiều DN "bí" vốn
Petrolimex có thể vay được hàng nghìn tỷ đồng để nộp thuế ngay. Nhưng với nhiều DN kinh doanh xuất nhập khẩu khác, xoay sở vài tỷ đồng nộp thuế ngay không đơn giản.
Ông Tuấn - Phó Giám đốc một công ty kinh doanh phân bón, cho biết: "Mỗi lô hàng NK của chúng tôi trị giá 40 - 50 tỷ đồng, nếu tính mức thuế suất bình quân 5% thì tiền thuế đã hơn 2,5 tỷ đồng. Giờ chúng tôi phải ứng tiền nộp ngay thực sự là rất khó vì tài chính căng thẳng lắm". Theo ông Tuấn, các đại lý mua hàng của công ty thường khất nợ, trả chậm, có khi tới vài tháng liền. Do đó, dù đã bán được hàng nhưng dòng tiền chưa về, nên rất khó xoay sở tiền để nộp thuế trước.
Chủ một DN NK ôtô lớn tại Hà Nội cũng rầu rĩ vì không được ân hạn thuế 30 ngày như trước. Trong khi đó, ngân hàng không cho vay vốn, tiêu thụ ôtô chậm. Nỗi khổ của chủ DN này được cụ thể hóa bằng con số, chẳng hạn mặt hàng ôtô tải chịu thuế NK 30%, ôtô du lịch chịu thuế 70% cộng thêm 10% thuế VAT. Nếu phải nộp thuế ngay khi thông quan hàng hóa, chi phí NK sẽ bị đội lên khoảng 40%. Đồng nghĩa kéo lợi nhuận của DN giảm mạnh.
"Sức mua yếu, phải nộp thuế ngay mà không có vốn, hàng hóa ế ẩm, nên công ty không dám NK lô hàng mới. Giờ, chúng tôi chỉ lấy hàng khi có hợp đồng của khách hàng", vị này nói.
Đối với loại hình kinh doanh tạm nhập - tái xuất, DN cũng phải tạm ứng tiền thuế, sau khi tái xuất xong mới được hoàn thuế. Theo ông Tuấn, quy định này khiến DN phải bỏ ra một khoản tiền lớn để tạm nhập hàng về. Nhưng hàng tạm nhập về thường phải mất từ 15 - 30 ngày đưa vào kho cảng rồi mới tái xuất đi. Trong thời gian này, DN phải chịu chi phí lãi vay cho khoản thuế ứng trước, làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận. Mà thủ tục hoàn thuế lại không nhanh chóng như khi nộp thuế!
Hiện nay, DN sẽ được ân hạn thuế nếu có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng. Tuy nhiên, DN sẽ phải trả thêm khoản phí bảo lãnh thanh toán (khoảng 0,17%/tháng) và các khoản lãi phát sinh, lãi phạt nếu quá hạn bảo lãnh. Gánh nặng tài chính cùng với việc khó vay vốn, hàng hóa ế ẩm… khiến các DN càng đắn đo hơn khi quyết định NK hàng.
Theo Thu Hằng