MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phải làm sao để sống sót với ông sếp cuồng việc?

30-03-2016 - 19:00 PM | Doanh nghiệp

Có một vài ông sếp dường như luôn cảm thấy thiếu việc để làm. Họ ở lại văn phòng muộn, kiểm tra email mọi lúc mọi nơi, thậm chí đến ngày nghỉ cuối tuần cũng dành cho công việc. Nếu quản lý của bạn là người nghiện việc thế này, liệu bạn có cần phải làm y như thế?

Làm thế nào để có thể thiết lập đúng kỳ vọng và giới hạn trong công việc? Làm gì để sếp không thấy bạn là kẻ lười biếng?

Các chuyên gia nói gì

Trong một số trường hợp, “làm việc với người quản lý coi trọng nhiệm vụ và đề cao thành tích sẽ là một động lực lớn,” Linda Hill, Giáo sư tại Đại học Kinh doanh Harvard nói. Nhưng nếu đó lại là một người quản lý quá tham công tiếc việc thì có thể gây ra phản ứng ngược. “Nếu không có sự cân bằng hay sếp không hỗ trợ công việc thì khả năng bạn phải làm việc quá sức là rất lớn.”

Nancy Rothbard, Giáo sư của Đại học Pennsylvania cho rằng ở những trường hợp này, vấn đề khiến hầu hết mọi người lo ngại là “thiếu ranh giới”. Khi bạn phải làm việc với sếp cuồng công việc thì “công việc sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt cuộc sống của bạn và nó thực sự rất áp lực.”

Có thể sếp bạn sẽ giao quá nhiều việc, liên tục muốn gặp trực tiếp hay kỳ vọng nhân viên luôn sẵn sàng có mặt 24/7. Dưới đây sẽ là một số lời khuyên cho bạn:

Xem xét quan điểm của sếp

Trước khi kết luận rằng mình đang phải làm việc cho một người độc đoán và không có đầu óc, hãy dành chút thời gian đặt mình vào vị trí của sếp. Hãy nhìn vào hoàn cảnh của sếp và tự hỏi: “Anh ấy phải đối phó với những áp lực nào?” “Các deadline kia có thật hay không?” “Điều gì khiến anh ấy phải làm vậy?”

Trả lời những câu hỏi trên sẽ giúp bạn có cái nhìn thấu đáo và ít bị cảm xúc chi phối hơn. Điều này cũng giúp bạn biết rõ liệu có phải sếp không biết rằng anh ấy đang áp đặt công việc cho bạn hay không.

Phản ánh các vấn đề

Bạn cần xác định rõ lý do mình thất vọng để bắt đầu suy nghĩ về các biện pháp, Hill nói. Bắt đầu bằng việc “phát hiện những vấn đề khiến bạn nổi điên. Đó có phải do khối lượng công việc không hợp lý? Do cảm nhận bị hối thúc? Hay do những kỳ vọng không thực tế?”

Để giúp bạn thu hẹp trọng tâm vấn đề, Rothbard khuyên bạn nên suy nghĩ về sở thích và tình yêu với công việc. Tự hỏi bản thân xem khoảng thời gian nào mình làm việc hiệu quả nhất, khi nào mình cần nghỉ ngơi hay bạn muốn ngày nghỉ cuối tuần của mình diễn ra như thế nào. “Hãy nghĩ xem bạn là ai, giá trị công việc bạn đem lại hay cách bạn làm việc. Biết những điều này sẽ giúp bạn xác định những giải pháp,” Hill chia sẻ.

Sau cùng là lời khuyên của Rothbard: “Bạn không thể chỉ biết phàn nàn với sếp. Bạn cũng cần đưa ra những lựa chọn thay thế, đáp ứng mục tiêu chung về năng suất và chất lượng công việc.”

Nói chuyện với sếp

Ngay cả khi nắm chắc vấn đề chính xác cùng các giải pháp rõ ràng thì chắc chắn không dễ dàng đề cập về chủ đề này với sếp. Có thể bạn lo lắng sếp sẽ nghĩ rằng bạn lười biếng, không tận tâm hoặc ít tương tác. Đó là lý do khiến bạn cần chuẩn bị cho cuộc trao đổi: Bạn muốn sắp xếp ngày làm việc của mình như thế nào, khi nào và làm cách nào để bạn thể hiện tốt nhất.

Ví dụ:

- Nếu sếp bạn có xu hướng gửi mail vào buổi tối muộn (và mong muốn nhân viên trả lời ngay), Rothbard gợi ý nên nói rằng bạn khó có thể trả lời những mail này sớm vì bạn không phải là cú đêm. Đồng thời nên hứa sẽ tìm ra giải pháp để đáp ứng mục tiêu chung về hiệu quả cũng như năng suất công việc.

Hill thì gợi ý bạn có thể đề nghị sếp “nhắn tin cho bạn nếu có việc gì thực sự gấp”. Khi đó sếp sẽ hiểu đó là thời gian ngoài giờ làm việc của bạn.

- Nếu sếp bạn muốn dành nhiều thời gian có mặt ở văn phòng. Bạn có thể hỏi sếp, “Thời gian nào anh cần em có mặt ở đây?” Dĩ nhiên, câu trả lời có thể chẳng phải điều bạn muốn nghe. Nếu sếp bạn nói bạn cần ở lại văn phòng đến 6h tối trong khi bạn cần đón con lúc 5h, yêu cầu lúc này khó có thể đáp ứng. Nhưng ít nhất bạn sẽ có cơ hội để thảo luận về một thỏa hiệp.

- Nếu sếp bạn cho rằng có thể làm phiền bạn bất kỳ lúc nào và điều này ảnh hưởng đến cách bạn làm việc. Bạn cần thể hiện rằng mình đang cảm thấy căng thẳng. Một nghiên cứu chỉ ra rằng trạng thái “luôn sẵn sàng” có thể gây ảnh hưởng đến kết quả công việc. “Nếu nhiệm vụ hoặc dự án bạn đang làm đòi hỏi tư duy sáng tạo thì đó là lý do chính đáng cho bạn yêu cầu thêm nhiều thời gian.”

Làm tốt công việc nhưng vẫn phải chú ý đến bản thân

Sau cuộc trao đổi, bạn cần phải thể hiện cho sếp thấy mình vẫn là một thành viên tận tụy của nhóm. Ông sếp cuồng công việc của bạn không thể phàn nàn về thái độ làm việc nếu bạn vẫn có kết quả công việc tốt, làm tròn bổn phận của mình.

Đừng khiến cuộc sống cá nhân của mình bị ảnh hưởng vì phải làm việc quá độ. “Khi bạn có sếp tham công tiếc việc, xung đột giữa cuộc sống-công việc của bạn càng trở nên rõ nét,” Rothbard nói. Đó là lý do quan trọng khiến bạn cần ưu tiên sức khỏe thể chất và tinh thần của mình. Hãy chắc chắn rằng bạn đang ăn tốt, tập thể dục và ngủ điều độ,

Chuyển việc

Nếu không có gì biến chuyển sau khi nói chuyện với sếp, đây là dấu hiệu rằng bạn không thể có công việc như ý dưới quyền người này. Đúng là cần có thời gian để mọi người có thể thích nghi.

Nhưng nếu bạn nhận thấy sếp mình không thể thay đổi, thì đó là vấn đề phù hợp. Điều này nghĩ là bạn cần chuyển đổi hoặc đây là lúc bạn nên tìm công việc khác. Rủi ro nghề nghiệp lớn nhất khi làm cùng người cuồng việc là niềm đam mê trong công việc của bạn bị giết chết.

Nguyên tắc cần nhớ.

Nên:

- Thông cảm với sếp của bạn.

- Trò chuyện một cách chân thành với sếp về phong cách làm việc và cách giúp bạn đạt được năng suất tối ưu.

- Làm tốt công việc của mình. Miễn là bạn thể hiện công việc tốt, sự cuồng việc của sếp không còn là vấn đề lớn nữa.

Không nên:

- Tạo điều kiện cho sếp có cơ hội áp đặt công việc cho bạn.

- Chỉ biết phàn nàn. Thay vào đó, hãy đưa cho sếp giải pháp để có thể đạt mục tiêu chung về kết quả công việc.

- Ở quá lâu với người sếp tham công tiếc việc. Nếu anh ta thể hiện thái độ không muốn thay đổi hoặc điều chỉnh, hãy tìm việc khác thôi.

Theo Mai Lâm

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên