MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Giám đốc Công ty CP Sông Hồng 36 bị miễn nhiệm

12-06-2014 - 16:46 PM | Doanh nghiệp

Tổng Công ty CP Sông Hồng đã bị loại khỏi Dự án nâng cấp cải tạo, mở rộng đường Hồ Chí Minh.

Trong khi Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và Tổng Công ty CP Sông Hồng chưa giải quyết xong đơn tố cáo của Công ty Tân Việt Bắc thì các cơ quan này tiếp tục nhận được đơn của Công ty TNHH Xây dựng Thành Đô.

Không chỉ vậy, tại công trường thi công còn có hiện tượng phức tạp về an ninh, trật tự sau sự việc bán thầu trái phép bị vỡ lở. Điều đó cho thấy công tác quản lý, giám sát việc thực hiện dự án quá lỏng lẻo, để cho một nhà thầu phụ là Công ty CP Sông Hồng 36 “làm mưa làm gió” với gói thầu số 9, làm chậm tiến độ thi công của một dự án lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, uy tín của doanh nghiệp.

Nhiều sai phạm bị làm rõ


Ngày 10/6, làm việc với phóng viên Báo CAND, ông Mai Văn Đông, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Sông Hồng cho biết, được giao thi công dự án trên QL14, Tổng công ty đã giao lại cho Công ty CP Sông Hồng 36 để tạo việc làm, tháo gỡ khó khăn và giải quyết công nợ sau khi công ty này cổ phần hóa. Lẽ ra khi thực hiện dự án, Công ty CP Sông Hồng 36 phải phát huy nội lực nhưng lại huy động doanh nghiệp bên ngoài là Công ty Tân Việt Bắc và Công ty Thành Đô.

Trong hợp đồng thi công giữa Tổng Công ty CP Sông Hồng và Công ty CP Sông Hồng 36 cũng đã quy định Công ty CP Sông Hồng 36 không được phép thuê thầu phụ trong bất kỳ trường hợp nào. Bởi vậy, Công ty CP Sông Hồng 36 phải chịu trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng.

Đối với dự án QL1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ, Km 1329-14 - Km1405; Km 1425-Km1445 tỉnh Khánh Hòa, Tổng công ty CP Sông Hồng chỉ là một trong 3 nhà thầu nên Công ty không giao thầu cho đơn vị thành viên mà tổ chức một đội thi công của Công ty Sông Hồng Vinh. Công ty CP Sông Hồng 36 không được giao thầu dự án trên, nhưng ông Phạm Xuân Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Sông Hồng 36 vẫn thông tin với đối tác là Công ty Tân Việt Bắc, khiến Công ty Tân Việt Bắc tưởng rằng gói thầu trên là của Công ty CP Sông Hồng 36.

Sau khi sự việc vỡ lở, ngày 30/5, Tổng Công ty CP Sông Hồng ra quyết định đình chỉ thi công đối với Công ty CP Sông Hồng 36 do vi phạm quy chế của Tổng Công ty và chỉ đạo Công ty CP Sông Hồng 36 làm rõ trách nhiệm các cá nhân có liên quan. Ông Mai Văn Đông cho biết, hiện ông Phạm Xuân Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Sông Hồng 36 (người đã ký hợp đồng hợp tác toàn diện với Công ty Tân Việt Bắc) đã bị miễn nhiệm.

Ngày 3/6 Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu BQL Dự án đường Hồ Chí Minh chấm dứt hợp đồng giao thầu với Tổng Công ty CP Sông Hồng tại gói thầu số 9. Ngày 6/6, Tổng Công ty Sông Hồng đã nhận lệnh dừng thi công để chuyển gói thầu này cho đơn vị khác.

Tổng Công ty CP Sông Hồng đã bị loại khỏi Dự án nâng cấp cải tạo, mở rộng đường Hồ Chí Minh.

Việc làm có dấu hiệu lừa đảo

Hợp đồng liên danh với Công ty Thành Đô cũng do ông Phạm Xuân Phương ký với ông Đỗ Hồng Thanh, Giám đốc Công ty Thành Đô cùng triển khai thi công gói thầu số 9.

Ông Đỗ Hồng Thanh cho biết, ngày 22/12/2013, Công ty Thành Đô bắt đầu đưa máy móc, nhân lực và đầu tư vốn, vật tư tiến hành thi công tại vị trí được giao của gói thầu số 9. Sau gần 6 tháng thi công, đơn vị đã chấp hành chỉ đạo của ban điều hành, đồng thời thi công theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt và đã nghiệm thu 2 đợt với giá trị xấp xỉ 5 tỷ đồng. Nhưng sau 2 đợt nghiệm thu, Công ty CP Sông Hồng 36 không hề thanh toán cho Công ty Thành Đô.

Để đòi lại quyền lợi, ông Đỗ Hồng Thanh, Giám đốc Công ty Thành Đô phải cùng các thành viên đại diện công ty từ Đắk Lắk ra Hà Nội tìm cách giải quyết nhưng đến nay chưa có kết quả.

Thêm một biểu hiện thiếu minh bạch của Công ty CP Sông Hồng 36 khi hợp tác với Công ty Thành Đô là sự xuất hiện của bà Nguyễn Thị Thắng. Bà Thắng đã ký một số giấy tờ liên quan đến công tác chuẩn bị cho Công ty Thành Đô thi công gói thầu số 9 với chức danh Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Sông Hồng. Tuy nhiên, khi làm việc với phóng viên Báo CAND, lãnh đạo Tổng Công ty CP Sông Hồng khẳng định, Tổng Công ty không có Phó Tổng Giám đốc nào tên là Nguyễn Thị Thắng. Tổng Công ty đã yêu cầu Công ty CP Sông Hồng 36 giải trình thì được biết, bà Nguyễn Thị Thắng chỉ là Phó Giám đốc một xí nghiệp của Công ty Sông Hồng 36.

Về trách nhiệm quản lý công ty thành viên, ông Đông lý giải: “Chúng tôi hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Công trình ở xa nên chúng tôi khó giám sát tại hiện trường mà kiểm soát chặt hồ sơ. Sau khi ký hợp đồng với Công ty CP Sông Hồng 36, chúng tôi chỉ kiểm tra chất lượng, tiến độ thi công chứ không kiểm soát nhân sự, hiện cũng chưa có quy chế kiểm soát. Việc xảy ra ở Công ty CP Sông Hồng 36 là điều đáng tiếc, đây là bài học cho Tổng công ty”.

Sự việc xảy ra đã khiến Tổng Công ty CP Sông Hồng bị loại khỏi Dự án nâng cấp cải tạo, mở rộng đường Hồ Chí Minh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp này, đồng thời làm chậm tiến độ thi công một dự án trọng điểm.

Những dấu hiệu sai phạm của một số thành viên Công ty CP Sông Hồng 36 đã rõ và cần được cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật. Hiện Công ty Tân Việt Bắc đã gửi đơn tố cáo tới cơ quan điều tra, Bộ Công an. Đây cũng là bài học cho doanh nghiệp do không tìm hiểu kỹ đối tác trước khi hợp tác thực hiện những hợp đồng kinh tế.

>> Công ty Sông Hồng 36 bị đình chỉ thi công tại dự án QL 14

Theo Minh Phương

thunm

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên