MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Phụ nữ làm kinh doanh như người lái thuyền trên biển”

20-10-2014 - 07:59 AM | Doanh nghiệp

Sự quyết tâm chống chọi với những con sóng lớn, gió to của người phụ nữ cũng chính là quyết tâm vượt qua mọi thách thức, đưa doanh nghiệp đi lên của các nữ doanh nhân hiện nay.

Tại hội thảo Diễn đàn doanh nhân nữ hướng tới tương lai, các khách mời tham dự đã bày tỏ vai trò quan trong của doanh nhân nữ trong nền kinh tế thời kỳ hội nhập.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, tại Việt Nam cứ 4 doanh nghiệp thì sẽ có 1 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Đây là một tỷ lệ khá cao so với thế giới, chứng tỏ vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình phát triển kinh tế và hội nhập toàn cầu.

Theo thống kê ở Việt Nam, đội ngũ doanh nhân nữ đang quản lý, điều hành trên 100.000 doanh nghiệp và đa số đều sử dụng nhiều lao động nữ. Đội ngũ doanh nhân nữ VN không chỉ góp phần tạo ra GDP, mà còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn phụ nữ khác, đảm bảo dân sinh xã hội. VN đặt mục tiêu các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sẽ đạt ít nhất 35% vào năm 2020.

Phụ nữ làm kinh doanh giống như người lái thuyền trên biển

Theo bà Tanya Hiple - Cố vấn cao cấp về Phát triển và Doanh nghiệp nữ thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tại hầu hết các nước trên thế giới, số lượng doanh nhân nữ ít hơn nam giới rất nhiều. Năm 2014, tại Mỹ có khoảng 9,1 triệu doanh nghiệp do nữ giới làm chủ với số lượng công nhân nữ lớn.

Tuy nhiên, mức độ tham gia của phụ nữ vào các vị trí, quy mô khác nhau. Nhiều phụ nữ vẫn còn cảm thấy khó khăn và ngại tham gia sân chơi kinh tế. Ở VN, sự tham gia của phụ nữ không nhiều mặc dù VN có đội ngũ lao động lớn.

Theo thống kê, có khoảng 21% doanh nghiệp do nữ làm lãnh đạo với quy mô trung bình và nhỏ trên toàn thế giới. Năm 2012 có 226 triệu phụ nữ khởi nghiệp trên 67 quốc gia, cho thấy nguồn tiềm lực chưa được khai thác hết.

Trước những biến động và khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, doanh nhân nữ phải đối mặt với nhiều rủi ro, thử thách. Bên cạnh đó, phụ nữ còn gặp phải nhiều khó khăn về nhận thức xã hội, bình đẳng giới, cân bằng giữa gia đình và công việc ...

Bà Tanya cho biết, những phụ nữ làm kinh doanh luôn khiến bà liên tưởng đến hình ảnh người phụ nữ VN lái thuyền trên Vịnh Hạ Long mà bà đã từng chứng kiến. Đó là hình ảnh một người phụ nữ tần tảo, chịu khó, vừa phải đảm bảo sự an toàn cho cả con thuyền, vừa lo cho hai đứa con nhỏ của mình trên đó. Sự quyết tâm chống chọi với những con sóng lớn, gió to của người phụ nữ cũng chính là quyết tâm vượt qua mọi thách thức, đưa doanh nghiệp đi lên của các nữ doanh nhân hiện nay.

“Nếu bỏ quên phụ nữ, thì nền kinh tế thế giới sẽ mất đi một nửa. Chúng ta cần thay đổi quan niệm và các quy phạm xã hội đối với phụ nữ. Trao quyền cho phụ nữ và khai thác tiềm năng của phụ nữ là điều quan trọng” – bà Tanya nói.

Thương trường của phụ nữ VN bắt nguồn từ góc chợ, đôi quang gánh

Tại hội thảo, nhận định về sự lớn mạnh và chuyển đối của doanh nghiệp nữ trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đã có những chia sẻ thực tế và thú vị.

Theo ông Thành, phụ nữ VN có tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt truyền thống từ thời Bà Trưng, Bà Triệu đến chị Út Tịch “còn một cái lai quần cũng đánh giặc”; thì phụ nữ ngày nay có tiền có quyền nên không có lý do gì mà họ không làm kinh doanh được.

Bên cạnh đó, phụ nữ VN còn có đức tính tần tảo, bền bỉ, chịu thương chịu khó và sẵn sàng hi sinh tất cả cho gia đình. Phụ nữ ngày nay “giỏi việc chợ, đảm việc nhà”. Hình ảnh người phụ nữ VN với cái quang gánh, góc chợ từ thời xa xưa đã thể hiện rõ tính thương trường của phụ nữ cao hơn nam giới.

Ông Thành cũng cho biết, đặc điểm của kinh doanh thời kỳ hiện đại được gói gọn trong 4 yếu tố cơ bản: Khoảnh khắc, cơ hội (moment); các mảng, chuỗi kết nối doanh nghiệp với nhau (connected); những bất định rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt; và thế giới của màu xanh với mọi thứ đều hài hòa.

Ông Thành nhận định, phụ nữ VN hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn kinh doanh thời kỳ hiện đại; quyết liệt, mạnh mẽ, năng động và kết nối hiệu quả. “Phụ nữ VN xưa chỉ có râu tôm, ruột bầu còn xử lý được bất ổn hàng mấy chục năm trong gia đình thì không có lý gì mà không xử lý được những bất ổn của thương trường” – ông Thành chia sẻ.

“Không xin con cá, không xin cần câu, chỉ xin cái hướng để câu cá”

Nói về những khó khăn mà phụ nữ gặp phải trong quá trình kinh doanh, bà Nguyễn Thị Lệ Hồng (TGĐ CTCP thực phẩm Đồng Nai) chia sẻ, “thuyền càng to thì sóng càng lớn”. Bản thân bà Hồng đang lãnh đạo một doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai với quy mô hơn 9000 lao động và doanh thu khoảng 1,1 tỷ USD mỗi năm. Việc kinh doanh đặt ra nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi bản lĩnh vượt sóng của người chèo thuyền.

Bà Hồng cũng nhấn mạnh đến việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong thời kỳ mở cửa và hội nhập hiện nay. Theo bà, không doanh nghiệp nào có thể tự làm tất cả các khâu, dù sản xuất công nghiệp hay dịch vụ. Do vậy, việc liên kết giữa các doanh nghiệp là yếu tố sống còn trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp VN hiện nay, theo bà Hồng, Chính phủ cần có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và chính sách phải đi trước thực tiễn để đảm bảo tính hiệu quả. “Chúng tôi không xin con cá, không xin cần câu, chỉ xin cái hướng để câu cá” – bà Hồng cho biết.

Chủ tịch VCCI: "Doanh nhân cũng như ánh sáng và không khí"

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

Trở lên trên