MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sai phạm dẫn đến mất phần vốn nhà nước tại PNC: Mờ ám khoản vay 7 triệu USD

13-07-2015 - 17:43 PM | Doanh nghiệp

Công ty văn hóa Phương Nam (PNC) đã cung cấp thông tin chưa đúng sự thật qua phi vụ vay 7 triệu USD thế chấp bằng toàn bộ phần vốn góp của PNC tại Megastar. Thực chất, vụ việc này thế nào?

Nhiều thông tin mập mờ

Như chúng tôi đã đề cập, năm 2014, PNC ký hợp đồng vay 7 triệu USD với Cty Cross Junction Investment Pte. Ltd (CJI). Cổ đông và dư luận thắc mắc về việc CJI (chủ nợ của PNC) và Cty CJ-CGV (đơn vị sở hữu 80% vốn góp trong liên doanh Megastar cùng với 20% vốn góp của PNC) đều có cùng một chủ sở hữu là Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) và như thế thì thực chất PNC vay 7 triệu USD của CJI chính là vay tiền của đơn vị sở hữu phần vốn trong liên doanh Megastar, đồng thời trao hết quyền cho đơn vị này chính là “bán” phần vốn góp 20% của PNC trong liên doanh cho họ.

Ngày 8.7.2014, PNC đã có văn bản chính thức đính chính thông tin, theo đó CJI hoàn toàn độc lập với CGV và Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), nghĩa là không có mối liên hệ gì với nhau.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục Kế toán và Quản lý doanh nghiệp của Chính phủ Singapore, “ông chủ nợ” CJI của PNC chỉ mới được thành lập vào ngày 21.3.2014 với số vốn điều lệ vỏn vẹn có 50 USD và chủ sở hữu phần vốn khiêm tốn này của “ông chủ nợ” PNC không ai khác hơn chính là Cty CJ-CGV.

Ngay sau khi có dư luận không tốt này, CJ-CGV lập tức chuyển vào tài khoản của “ông chủ nợ” PNC số tiền hơn 5 triệu USD để nâng vốn điều lệ của CJI từ 50USD lên hơn 5 triệu USD sao cho khớp với số tiền 5 triệu USD mà CJI đã chuyển vào tài khoản của PNC. Nhưng tiếc thay, những “phi vụ” mờ ám này, cổ đông PNC hoàn toàn không được biết.

Vì sao cổ đông của PNC không được chia lãi?

Kết quả kinh doanh của liên doanh CJ-CGV lợi nhuận lũy kế đến ngày 31.12.2014 là 184,47 tỉ đồng. Mặc dù lãi lớn như thế nhưng đến nay CJ-CGV chưa bao giờ chia lãi cho PNC. Cổ đông PNC bức xúc đặt vấn đề liệu phần vốn góp 20% của PNC tại liên doanh CJ-CGV có còn tồn tại và lãnh đạo PNC đã không minh bạch thông tin mà còn lý giải rằng số lãi chưa được chia đó được sử dụng để tiếp tục đầu tư lâu dài. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh tại PNC liên tục thua lỗ. Tại thời điểm 31.3.2015, lỗ lũy kế của PNC là 63 tỉ đồng, mất 57% vốn điều lệ.

Ngày 11.6.2015, một nhóm cổ đông sở hữu 18,5% vốn đã gửi đến HĐQT bản kiến nghị với nhiều nội dung đề xuất đưa vào chương trình đại hội đồng cổ đông của PNC vào ngày 17.6.2015. Nhóm cổ đông đòi bãi nhiệm và bầu thành viên HĐQT mới, phê chuẩn tổng giám đốc điều hành Cty nhưng không phải là ông Nguyễn Hữu Hoạt.

Theo nhóm cổ đông này, HĐQT hiện nay chưa thực hiện tốt vai trò quản trị, chỉ đạo thực hiện hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác của Cty, không hoàn thành nhiệm vụ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của cổ đông; xem xét trách nhiệm HĐQT và ban tổng giám đốc trong việc để PNC thua lỗ kéo dài… Tuy nhiên những kiến nghị này không được HĐQT đưa vào chương trình đại hội khiến cho nhóm cổ đông không đến dự khai mạc và đại hội cổ đông đã bất thành.

Theo Võ Đức Phúc

Báo Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên