MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Số phận long đong của PV Machino

16-05-2015 - 10:40 AM | Doanh nghiệp

CTCP Máy – Thiết bị Dầu khí PV Machino đã từng một thời huy hoàng nhưng lại có một số phận long đong khi bị chuyển giao từ đơn vị chủ quản này sang đơn vị chủ quản khác.

“Từng là một đơn vị rất mạnh trong một lĩnh vực mạnh. Tuy nhiên, hiện nay cơ cấu của công ty trở nên phức tạp, cồng kềnh, trải rộng trên nhiều lĩnh vực với nhiều công ty con. Cộng hưởng với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khiến cho kết quả kinh doanh các năm vừa qua khá thấp.” – Đại diện Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - công ty mẹ của PVMachino đã nhấn mạnh như vậy trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 mà PVMachino tổ chức vừa qua.

Nhắc lại điều đó để thấy rằng CTCP Máy – Thiết bị Dầu khí PVMachino đã từng một thời huy hoàng nhưng lại có một số phận long đong khi bị chuyển giao từ đơn vị chủ quản này sang đơn vị chủ quản khác.

Thời huy hoàng của PVMachino

Thành lập từ năm 1956 với cái tên Tổng công ty xuất nhập khẩu máy, hợp nhất với Tổng Công ty Thiết bị Phụ tùng vào năm 1992 thành Tổng Công ty Máy và Phụ tùng (Machinoimport), đến năm 2009, PVMachino được chuyển từ Bộ Thương mại về làm đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN.

Theo đó, thương hiệu Pvmachino được biết đến qua việc tham gia cung cấp máy, vật tư, thiết bị và dịch vụ sau bán hàng cho ngành dầu khí, điện lực và ngành công nghiệp khác… Công ty đã thực hiện một số phần việc trong các dự án lớn của PVN như Viện Dầu Khí, tham gia đấu thầu cung cấp vật tư, thiết bị cho Xí nghiệp Vietsopetro, các công trình khác của Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí – PVC, PTSC…

Cổ phần hóa năm 2009, PVMachino từng rất “hot” trên thị trường OTC với danh là một đơn vị thành viên của Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Theo những báo cáo được công bố, công ty có kết quả kinh doanh khá tốt. Năm 2008, doanh thu đạt 963 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 75,6 tỷ.

Năm 2010, công ty đạt 1.016 tỷ đồng tổng doanh thu và 72 tỷ lợi nhuận sau thuế, cổ tức trả tỷ lệ 11%; năm 2011, công ty đạt 1.782 tỷ tổng doanh thu và 76 tỷ LNST, cổ tức 15%...

Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của PVmachino đến từ việc sở hữu mảnh đất số 8 Tràng Thi, tòa nhà tại 1-7 phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) – những mảnh đất vàng của thủ đô và khu đất 23.600m2 tại Đông Anh (Hà Nội).

Sự lận đận với các “ông chủ”

Với vốn điều lệ 386 tỷ đồng tương đương 38,6 triệu cổ phần, năm 2009, PvMachino tiến hành IPO, chào bán ra công chúng 5,6 triệu cổ phiếu tương đương 14,5% vốn điều lệ. Gần 85% vốn còn lại được sở hữu bởi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Bên cạnh đợt IPO, Công ty cũng có kế hoạch bán cổ phần cho đối tác chiến lược (15%), dự kiến gồm CTCP Him Lam (4%) và Ngân hàng TMCP Liên Việt (11%).Phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 15%, dự kiến cho CTCP Him Lam (4%) và Ngân hàng TMCP Liên Việt (11%).

Tuy nhiên, đến năm 2010, PVN đã chuyển nhượng hơn 17 triệu cổ phần (tức hơn 44% vốn điều lệ) cho CTCP PVI (Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí Việt Nam, mã: PVI) với giá 10.509 đồng/cp và 13,9 triệu cổ phiếu tương đương 36% cho Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC, mã: PVX).

CTCP Chứng khoán Dầu khí PSI cũng mua 3,27 triệu cổ phiếu và là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 10,48%.

Đến tháng 4/2011, PVMachino lại trở thành đơn vị thuộc quyền chủ quản của Tổng công ty công nghệ Năng lượng Dầu khí Việt Nam (PV EIC) sau khi PV EIC nhận chuyển nhượng cổ phần từ PVI, PVC và sở hữu 41,58%.

Đến năm 2014, PVMachino một lần nữa đổi đơn vị chủ quản khi Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) nhận chuyển nhượng phần vốn góp của PV EIC và PSI, trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 51,5%.

Cùng với sự thay đổi liên tục của cổ đông lớn và đơn vị chủ quản, HĐQT của công ty này cũng biến động liên tục.

Và một kết quả kinh doanh đi xuống

Có thể thấy kết quả kinh doanh của PVMachino đã đi xuống từ năm 2011 đến nay. Năm 2013, công ty rơi xuống “đáy” với doanh thu 784 tỷ và lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 3 tỷ đồng. Năm 2014 có sự tăng trưởng trở lại với doanh thu hợp nhất 892 tỷ, lợi nhuận sau thuế hợp nhất gần 13 tỷ nhưng vẫn rất thận trọng, năm 2015, công ty đặt kế hoạch tồng doanh thu 600 tỷ đồng và LNST 13,2 tỷ.

Từ mức cổ tức trên 10% trước đó, năm 2012, công ty đã chỉ trả với tỷ lệ 4% còn kể từ năm 2013 đến nay, PVMachino không chia cổ tức cho cổ đông. Thậm chí cổ tức năm 2011 cũng phải “khất lần” mãi mới trả. Kế hoạch năm 2015 cũng là không chia cổ tức.

 

PVmachino.png

Song song với việc không ổn định trong bộ máy điều hành, khó khăn lớn nhất của công ty chính là những khoản nợ chây ì.

Theo báo cáo tài chính năm 2014, khoản phải thu của công ty đang lên tới 468 tỷ đồng - bằng 86% tài sản ngắn hạn và 64% tổng tài sản – chủ yếu là của các đơn vị có liên quan trong ngành dầu khí. Thông tin từ ĐHCĐ năm 2015, khoản phải thu quá hạn của công ty đã lên đến 358 tỷ (bằng 93% vốn điều lệ).

Tại ĐHCĐ năm trước, trả lời chất vấn của cổ đông về việc này, ông Nguyễn Đình Trung, Tổng Giám đốc đã giải trình rằng các đối tác mua hàng của PVMachino thực sự gặp khó khăn, không có nguồn tiền trả nợ, hoặc chây ỳ không trả, khiến việc thu hồi công nợ rất vất vả.

Những khó khăn đó đã đưa đến hậu quả thấy ngay là kết quả hoạt động đi xuống của một công ty từng được đặt mục tiêu trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp máy, vật tư, thiết bị và dịch vụ sau bán hàng cho ngành dầu khí. Sự ổn định của cơ quan chủ quản, sự ổn định của Ban điều hành đối với PVMachino có lẽ là điều quan trọng nhất lúc này để công ty trở lại thời huy hoàng.

Thanh Mao

Minh Trang

Tài chính Plus

Trở lên trên