Startup Việt:"Ôn cố tri tân" để bùng nổ trong năm mới
Có thể nói, chưa bao giờ giới trẻ khởi nghiệp Việt được chú ý như năm 2015, nhưng điều đó có vẻ chưa dừng lại khi nó chỉ là bước tạo đà cho những năm tiếp theo, đón đợi một sự bùng nổ thật sự.
- 17-01-2016Startup Việt: Thiếu kế hoạch để bứt phá
- 29-12-2015Startup: Bữa tiệc nào rồi cũng đến lúc tàn!
Đâu là bước tiến đáng kể nhất của startup Việt 2015?
Thứ nhất, đó là sự quan tâm và hành động từ Chính phủ và Chính quyền địa phương dành cho startup. Dù chỉ đang ở giai đoạn đầu tiên, nhưng theo quan sát ban đầu, điều này ít nhiều sẽ tạo nên những hiệu ứng tích cực và "cú hích" quan trọng đối với cộng đồng khởi nghiệp. Bước tiến thứ hai có thể thấy rõ là các "sân chơi" và những giải thưởng cho cộng đồng khởi nghiệp ngày càng nhiều, tạo điều kiện cho các mô hình khởi nghiệp được giới thiệu đến công chúng, có cơ hội cọ xát và thu hút nguồn đầu tư.
Tiếp theo là sự quan tâm của giới truyền thông đã góp phần mang đến những cái nhìn tích cực, sự hiểu biết nhiều hơn về khởi nghiệp. Xét trên khía cạnh hiệu ứng, có thể nói giới truyền thông đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp Việt. Thêm vào đó, các thông tin về quỹ đầu tư, các mô hình khởi nghiệp được đầu tư vốn ở các quy mô và giai đoạn khác nhau như: Tiki, Cốc Cốc, Vexere.com, the Kafe, Lozi... cũng có "sứ mệnh lịch sử" là tạo nên niềm tin, sự lạc quan và truyền cảm hứng cho các nhà khởi nghiệp trẻ tuổi.
Và những mối lo cho năm 2016?
Dù có sự quan tâm dành cho giới startup, tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu sự quan tâm chưa đủ sâu sắc theo đúng nghĩa đen của nó, nghĩa là cần tính chuyên môn, hiểu, cảm và làm. Việc đầu tư và quan tâm cho cộng đồng này mang tầm chiến lược, dài hạn cho nền kinh tế nói chung, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nói riêng hơn là ngắn hạn, rủi ro, tổn hao nguồn lực và giải quyết một bài toán ở khía cạnh hiệu ứng xã hội. Bên cạnh đó, xu hướng của công nghệ thông tin, sự phát triển của thương mại điện tử... dẫn đến sự nhầm lẫn đáng tiếc và sự phát triển các mô hình khởi nghiệp thiếu sự đầu tư, na ná, copy nguyên xi lẫn nhau.
Rõ ràng, doanh nghiệp startup Việt sẽ cần đi đến bước xem xét nhiều hơn vào các lợi thế cạnh tranh. Các nền kinh tế có startup phát triển đều tập trung vào nhóm ngành thế mạnh và khuyến khích khởi nghiệp, tạo sự đột phá trong nhóm ngành mạnh nhất của nền kinh tế. Điều này giúp cho các mô hình khởi nghiệp tận dụng nguồn lực chuyên gia và nguồn lực từ các doanh nghiệp lớn.
Những lưu ý nào dành cho giới khởi nghiệp 2016?
Lưu ý đầu tiên, startup không chỉ là "đặc quyền" dành cho giới trẻ dù giới trẻ có một vài lợi thế gần như tuyệt đối trong một vài lĩnh vực và mô hình kinh doanh. Lưu ý này nhằm "cảnh tỉnh" các bạn trẻ đừng vội vã, cần chậm lại để tích lũy kinh nghiệm, "mài giũa" ý tưởng, phương thức thực hiện, chọn lựa mô hình kinh doanh phù hợp nhất. Điều này cũng không loại trừ khả năng bạn cần thuyết phục những chuyên gia, những người có kinh nghiệm không chỉ làm mentor (người dẫn dắt, cố vấn) cho dự án của bạn, mà trên hết họ là một thành viên sáng lập.
Thứ hai, startup Việt sẽ chịu sự cạnh tranh lớn hơn, trước hết là từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang "tái khởi nghiệp", chuyển hướng hoặc quay trở lại "đường đua" với các ý tưởng, mô hình kinh doanh sáng tạo, hiện đại hơn, khả năng đột phá cao, mức độ tăng trưởng thị trường tốt. Lợi thế của họ là đã có đủ kinh nghiệm, trải nghiệm, thị trường, thương hiệu, vốn cũng như đủ hiểu, đủ tỉnh táo sau những "trận đấu" mang tính "sinh tử" trên thị trường.
Bên cạnh đó, các startup Việt cũng sẽ đối mặt với sự cạnh tranh cùng các startup trong khu vực rõ nét hơn khi Việt Nam chính thức gia nhập AEC. Thị trường lớn hơn, đặc điểm người dùng khác biệt hơn, sự cạnh tranh "túi tiền" của nhà đầu tư trở nên quyết liệt hơn và sự sàng lọc sẽ trở nên khắt khe hơn, nếu không muốn nói là khắc nghiệt hơn. Các startup cần trau dồi khả năng ngoại ngữ, tham khảo nhiều hơn các mô hình khởi nghiệp trong khu vực để hiểu đối thủ và hiểu hơn lợi thế của mình.
Startup chắc chắn luôn hiểu là cơ hội còn rất nhiều trong thị trường này, nhưng cần tỉnh táo vì cơ hội không dành cho tất cả mọi mô hình, nhóm khởi nghiệp. Đây là thời điểm mà sự chọn lọc tự nhiên diễn ra cao nhất. Vì sự sinh tồn, các startup chắc chắn phải có sự tập trung cao độ nhất, thậm chí phải làm tốt nhất, làm tốt hơn thứ mà mình vốn đã rất mạnh.
Bước vào năm 2016, startup Việt đang đứng trước một "làn sóng" lớn, nhưng bạn cần quan sát để nhận ra quy luật trước khi hòa mình vào làn sóng ấy. Nên nhớ, bạn có thể lướt sóng nhưng cũng rất dễ bị nhấn chìm.
Doanh nhân Sài Gòn