MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu, VNPT đã "di chuyển" hơn 40.000 người

30-12-2015 - 14:24 PM | Doanh nghiệp

Trong hành trình tái cơ cấu, VNPT đã "di chuyển" hơn... 40.000 nghìn người rời khỏi tập đoàn...

Trong quá trình tái cơ cấu, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã di chuyển hơn 40.000 người khỏi tập đoàn. “Cuộc di chuyển” này được xem là lớn chưa từng có trong công cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp từ trước đến nay tại Việt Nam.

Cụ thể, trong năm 2014 – 2015, VNPT đã di chuyển 20.000 cán bộ công nhân viên “rời khỏi” tập đoàn. Số lượng này đến từ việc tách Học viện Bưu chính Viễn thông và Tổng công ty Viễn thông di động (MobiFone) ra khỏi VNPT về trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trước đó, hàng chục nghìn lao động cũng “rời VNPT” sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông tách Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) được tách khỏi tập đoàn VNPT (ngày 1/1/2013) về trực thuộc Bộ.

Ngoài ra, cùng với việc chia tách trên, trong quá trình tái cơ cấu, VNPT đã chi ra hơn 300 tỷ đồng đồng để giải quyết lao động dôi dư với khoảng hơn 3.000 người.

Như vậy, tính tổng cộng, VNPT đã “di chuyển” tới hơn 40.000 nghìn lao động để không còn “gắn mác” trực thuộc VNPT. Theo đó, số lượng bộ máy, văn phòng, bộ máy hành chính của tập đoàn cũng giảm tới 38%.

“Đây là một sự biến động lao động rất lớn trong quá trình tái cơ cấu VNPT”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

Một lãnh đạo cấp cao của VNPT cho chúng tôi biết, với vấn đề ít nhiều mang tính chất “nhạy cảm” là giải quyết hàng nghìn lao động dôi dư thì VNPT đã thực hiện một cách công khai, minh bạch, bằng cách áp dụng tiêu chuẩn KPI và BSC (thẻ điểm cẩn bằng – đánh giá hiệu suất công việc) đối với tất cả các cán bộ công nhân viên.

“Trước đây lao động làm việc yếu nhưng không có sở cứ gì đánh giá, bây giờ áp dụng hệ thống đánh giá KPI và BSC thì ai làm yếu là biết ngay. Mà đã yếu rồi thì sẽ phải nhận mức lương thấp, vì chúng tôi trả lương theo sản phẩm, theo năng lực và đóng góp”, vị này nói.

Theo ông, khi công đoàn tập đoàn trích quỹ phúc lợi để hỗ trợ thì rất nhiều người lao động đã xin nghỉ, bởi vậy, việc giải quyết hàng nghìn lao động dôi dư của tập đoàn diễn ra khá êm ả, không bị xáo trộn gì.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, VNPT sau tái cơ cấu vẫn là một tập đoàn hùng mạnh, với ba tổng công ty (gồm Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT-VinaPhone), Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media) và Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net), theo đúng mô hình phát triển trong tình hình mới.

Trong khi đó, Nhà nước lại có thêm hai tổng công ty đặc biệt là MobiFone và VNPost; có một Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và có Cục Bưu Bưu điện trung ương trở lại vị trí ban đầu khi ra đời từ năm 1965 phục vụ chuyên biệt cho cơ quan Đảng, Nhà nước.

Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cho biết, trong điều kiện đồng thời tập trung nhân lực để triển khai tái cơ cấu một cách toàn diện, nhưng tập đoàn VNPT vẫn đảm bảo tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì tốc độ ổn định và doanh thu lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước đều tăng so với năm 2014.

“Chỉ một năm 2015 thôi nhưng VNPT đã đi được một bước dài. Có thể khẳng định công cuộc tái cơ cấu VNPT đến hiện tại đã thành công”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

Theo Thủy Diệu

VnEconomy

Trở lên trên